Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền

11/10/2017 06:12
Thanh An
(GDVN) - Phải chăng chúng ta đang trao cho hiệu trưởng quá nhiều quyền hành mà cơ chế giám sát thì chưa đủ mạnh và chưa có tính răn đe?

LTS: Những câu chuyện về hiệu trưởng lạm quyền đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng này không hề có dấu hiệu thuyên giảm.

Thầy giáo Thanh An cho rằng công tác bổ nhiệm cán bộ và chế độ thủ trưởng ở các trường học hiện nay đang có nhiều bất cập, gây ra nhiều hệ luỵ cho ngành giáo dục.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những năm học gần đây, chúng ta chứng kiến rất nhiều những tiêu cực ở các trường học. 

Nào là lạm thu, bố trí nhân sự, vi phạm qui chế dân chủ trong đơn vị, mất đoàn kết nội bộ, trù dập giáo viên, không công khai tài chính và vô vàn những sai phạm khác.

Những sự việc như thế đang làm khủng hoảng niềm tin của giáo viên, của phụ huynh học sinh và của toàn xã hội. Vì sao có thực trạng như vậy?

Phải chăng chúng ta đang trao cho hiệu trưởng quá nhiều quyền hành mà cơ chế giám sát thì chưa đủ mạnh và chưa có tính răn đe?

Bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng) bị đình chỉ chức vụ vì lạm thu. (Ảnh phụ huynh học sinh cung cấp).
Bà Lê Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng) bị đình chỉ chức vụ vì lạm thu. (Ảnh phụ huynh học sinh cung cấp).

Trong trường, hiệu trưởng là người đóng vai trò trụ cột. Hiệu trưởng tốt, có năng lực thì sẽ thúc đẩy được chất lượng giáo dục, tạo được môi trường giáo dục đoàn kết để cùng nhau phấn đấu, thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Hiệu trưởng thiếu năng lực, tham lam và lạm quyền thì dẫn đến việc không chỉ đạo sát sao được chuyên môn, không đánh giá đúng năng lực cấp dưới của mình dẫn đến sự bất mãn cho cấp dưới.

Nếu tham lam, lạm quyền thì dẫn đến việc nhà trường mất đoàn kết nội bộ, giáo viên chia bè, chia phái, làm việc trong tâm thế chán chường, nghi kị và đề phòng lẫn nhau.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị nên trong trường học, hiệu trưởng là người có một quyền lực tối thượng.

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền ảnh 2

Cái tâm của người hiệu trưởng

Nhiều hiệu trưởng đã lợi dụng qui định này để tự ban ra những qui định hay quyết định sai trái mà không cần bàn bạc hay thông qua các đoàn thể trong trường.

Ngay cả đối với các phó hiệu trưởng cũng không thể nào góp ý được. Các công cụ giám sát trong nhà trường mặc dù có nhưng vô cùng yếu ớt bởi chẳng có ai dám nói lên những sai phạm của cấp trên mình.

Vì thế, nhiều tổ chức đoàn thể trong nhà trường chỉ hoạt động trên danh nghĩa “hình thức”, qui chế dân chủ trong đơn vị bị lu mờ bởi ai cũng phải dè chừng về những phát ngôn của mình về hiệu trưởng.

Mỗi năm có mấy lần đánh giá hiệu trưởng nhưng tuyệt nhiên không ai dám nói về những hạn chế, khuyết điểm của thủ trưởng mình.

Ai cũng biết rằng quyền lực của hiệu trưởng nhà trường rất lớn, bởi tại mục 1, Điều 19 của Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường Phổ thông có nhiều cấp học đã qui định nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng như sau:

a) Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;

b) Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường được quy định tại khoản 3 Điều 20 của Điều lệ này;

c) Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

d) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

đ) Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền ảnh 3

Bỏ Ban phụ huynh, Hiệu trưởng vẫn còn lòng tham, lạm thu có hết không?

e) Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

g) Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;

h) Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục của nhà trường;

i) Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;

k) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.[1]

Chính từ những qui định như vậy nên trong trường các giáo viên đứng đầu các Tổ chuyên môn đều do hiệu trưởng bổ nhiệm, đề bạt.

Các thành viên khác như Chủ tịch Công đoàn, Thanh tra nhân dân đều là người hiệu trưởng “định hướng”, thành ra các “ban bệ” trong trường đều phải là người toàn tâm, toàn ý với hiệu trưởng.

Dĩ nhiên là phải thực hiện theo mệnh lệnh của hiệu trưởng, dù cho mệnh lệnh không phải lúc nào cũng đúng, cũng có lợi cho tập thể.

Tất nhiên, thực tế những hiệu trưởng có năng lực và phẩm chất đạo đức vẫn nhiều, song người không có năng lực và tham lam, cửa quyền cũng không hề ít trong ngành giáo dục hiện nay.

Nhiều người ngồi vào ghế hiệu trưởng không phải là sự phấn đấu bằng chuyên môn, bằng phẩm chất đạo đức của người thầy, người đảng viên mà đi lên bằng nhiều cách khác nhau.

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền ảnh 4

Kỷ luật "ngọt ngào và êm ái" thế này thì ai cũng muốn vi phạm

Họ không được lòng đồng nghiệp bởi những lời nói và việc làm của họ không vì lợi ích chung của tập thể, của ngành giáo dục.

Đầu năm học này, chúng ta bắt gặp rất nhiều những chuyện tai tiếng trong ngành giáo dục có  liên quan đến hiệu trưởng nhà trường.

Trong những chuyện tai tiếng ấy thì chuyện bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương, An Dương, Hải Phòng là một ví dụ điển hình.

Chính vì thế mà chiều 6/10 vừa qua, Uỷ ban nhân dân huyện An Dương đã chính thức có Thông báo số 564/TB-UBND về việc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh năm học 2017 - 2018, việc quản lý sử dụng viên chức hợp đồng lao động tại trường có nhiều sai phạm.

Thông báo đã nêu rõ những sai phạm của bà Thủy:

Năm học 2017 - 2018 nhà trường đã triển khai vận động thu các khoản ủng hộ cơ sở vật chất khối lớp 1 đã thu từ tháng 6/2017 với số tiền là 228.345.000 đồng.

Đã triển khai mua sắm lắp đặt khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Kế hoạch thu chi đầu năm của nhà trường chưa niêm yết công khai theo quy định.

Đơn ủng hộ cơ sở vật chất của một số phụ huynh cho thấy nhà trường chưa có cơ sở để khẳng định sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Những khoản huy động không công khai bằng văn bản với cha mẹ học sinh.

Tính đến ngày 20/9 nhà trường đã thu từ phụ huynh học sinh là 1.857.945.400 đồng của 13 loại quỹ (không bao gồm tiền ăn bán trú) không lập phiếu thu do giáo viên chủ nhiệm thu hộ. Các khoản thu này được in sẵn để gửi cho phụ huynh”.

Thông báo này cũng đã chỉ ra những sai phạm trong công tác đánh giá, xếp loại giáo viên có nhiều sai phạm và khuất tất:

“Trong những năm gần đây liên quan đến quy chế làm việc, dân chủ ở nhà trường chưa được thực hiện nghiêm túc.

…Cụ thể đối với bà Bùi Thị Quý, ông Đỗ Tuấn Hải nhà trường đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với hai người này nhưng không đảm bảo về trình tự, thủ tục xem xét kỷ luật cụ thể; không thông báo trước 45 ngày theo quy định.

Đối với ông Hải là thiếu khách quan, còn thiếu nội dung do viên chức đánh giá, thiếu chữ ký, họ và tên của thủ trưởng trực tiếp đánh giá; (đối với phiếu đánh giá và phân loại 2017 của ông Hải nhưng lại đánh giá, phân loại viên chức… không hoàn thành nhiệm vụ”.[2]

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền ảnh 5

Khi hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán 

Phải nói rằng chuyện lạm thu của một số trường đã đang làm cho bức tranh của ngành giáo dục thêm nhiều màu tối.

Không chỉ ở Hải Phòng mà hàng loạt các tỉnh cũng để xảy ra tình trạng như vậy để rồi phụ huynh đã phản đối không cho con đến trường như ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

Và, tình trạng một số hiệu trưởng trù dập giáo viên trong trường đã không còn là chuyện hiếm nữa.

Năm học nào chúng ta cũng bắt gặp, cũng phải chứng kiến. Chỉ tiếc rằng nhiều sai phạm của hiệu trưởng chưa được làm thấu đáo, tường tận vấn đề.

Người viết bài này không dám nói là tất cả nhưng rõ ràng công tác bổ nhiệm cán bộ và chế độ thủ trưởng ở các trường học hiện nay đang hiện hữu nhiều bất cập và dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nếu các cơ quan chức năng bổ nhiệm các hiệu trưởng nhà trường không công tâm, minh bạch thì dẫn đến nhiều lãnh đạo nhà trường không đủ tâm, đủ tầm để gánh vác trọng trách của ngành, gây ra sự ức chế cho đồng nghiệp trong đơn vị và tạo dư luận xấu cho xã hội.

Nếu để chế độ thủ trưởng mà không có công cụ giám sát hiệu quả sẽ dẫn đến việc nhiều hiệu trưởng hống hách, cửa quyền và độc đoán.

Tạo một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở, minh bạch là việc ngành giáo dục phải thực hiện được trong bối cảnh hội nhập của nước nhà.

Nếu không minh bạch, môi trường làm việc ngột ngạt sẽ dẫn đến sự nghi kị và không khuyến khích được sự phấn đấu của giáo viên. Và, điều tất yếu là mục tiêu giáo dục sẽ khó thực hiện được.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.google.com.vn/Thong-tu-12-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-120867.

[2]https://www.google.com.vn/sai-pham-xay-ra-tai-truong-tieu-hoc-dang-cuong-rat-nghiem-trong-299854.

Thanh An