Lời kể đẫm nước mắt của một nạn nhân trong vụ vỡ nợ khủng

20/10/2011 10:51
Yến Thanh
(GDVN) - Một điểm chung dễ nhận thấy ở các nạn nhân trong các vụ vỡ nợ khủng xảy ra gần đây là việc “trao nhầm niềm tin” cho bạn bè, anh em, họ hàng...

Tin bạn... mất trắng cơ nghiệp

Trở lại với câu chuyện vỡ nợ khủng vài trăm tỷ đồng ở Phú Xuyên (Hà Nội), con nợ Nguyễn Thị Cúc (SN 1979, xã Văn Nhân) đã cao chạy xa bay với đống tiền mang theo tuy nhiên hậu quả mà Cúc để lại đến thời điểm này đang khiến hàng trăm con người sống ở phố thị phải lao đao...

Cơ quan Công an khám xét nhà ở của con nợ vụ vỡ nợ khủng ở Cầu Giấy.
Cơ quan Công an khám xét nhà ở của con nợ vụ vỡ nợ khủng ở Cầu Giấy.

Việc Cúc cố tình xây dựng hệ thống “tín dụng đen cấp dưới” để gom tiền về đã thể hiện được sự “lưu manh” của thị. Không cần động chân, động tay nhưng tiền vẫn rót vể túi cho mình vì thế chẳng mấy chốc mà Cúc trở thành tỷ phú với cơ ngơi xây dựng bằng tiền của người khác.

Trong tất cả những người vừa là con nợ, vừa là nạn nhân đang điêu đứng vì số nợ phải gánh, Chị Nguyễn Thị Vượng – một tiểu thương buôn gà vịt ở chợ Phú Minh được nhiều người nhắc đến với sự cảm thông sâu sắc nhất.

Trình bày với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong tiếng thút thít, sự ân hận muộn màng chị Vượng đã tâm sự về câu chuyện buồn “vỡ nợ” như một lời ăn năn muộn màng: “Khoảng hơn hai tháng trước, đứa bạn thân nó đến chơi, thấy tôi cứ đầu tắt mặt tối chạy chợ nhưng lời lãi không được bao lại một nách nuôi ba đứa con ăn học nên nó khuyên tôi đứng gom tiền dồn cho nó!

Tôi  đã gặng hỏi chuyện gom tiền sẽ dồn cho ai nhưng nó tuyệt đối kín như bưng không cạy nửa lời, tin bạn tôi không đòi hỏi thế chấp gì cứ thế nhận lời làm. Chỉ biết, tiền ấy sẽ cho người khác vay còn tôi sẽ được trích lại phần trăm lãi sẽ dùng phụ đỡ nuôi con ăn học, ai dè chưa nhận xu lời nào mà đã bỏ tiền túi ra để trả lãi cho người ta!”

 Sau khi hay tin nhà Cúc vỡ nợ, chị Vượng như ngồi trên đống lửa. Lúc này chị mới ngã ngửa, số tiền mà chị dành dụm, tích cóp, vay nợ của anh em họ hàng.

“Buôn bán ở chợ thị trấn đã lâu nên tôi biết hết cung cách mua bán của từng khách. Chị này đi chợ rất hào phóng, tiền thừa ít khi lấy lại, thậm chí còn cho tôi thêm dăm bảy nghìn cho được giá. Nhưng những lần như vậy, trong thâm tâm tôi đều nghĩ, trong thời buổi gạo nước đều khó chỉ có tiêu tiền chùa mới hoang phí như vậy", Chị Vượng nói về con nợ (Nguyễn Thị Cúc-PV).

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Vượng kể ra hàng chục những trường hợp thân quen từng gom tiền cho chị, trong số đó có không ít người lao động nghèo khổ, như trường hợp của một bác vốn bị dị tật bẩm sinh làm nghề gánh gạch, tích góp cả đời được vài chục triệu cũng tin tưởng gửi gắm chị vậy mà bây giờ xảy ra cơ sự thế này…!

“Nhiều người bảo tôi đến nhà bạn bắt nợ xe cộ, đất cát để vớt vát phần nào nhưng lương tâm đâu làm thế. Phút cuối tôi vẫn tin bạn, giờ vẫn tin bạn nhưng có ai biết tôi đã phải cầm cố cả ngôi nhà của mẹ mình để trả vơi đi số nợ. Còn bạn thì vẫn bặt vô âm tín chưa giúp nổi một đồng. Cực lắm gọi điện thì chỉ được vài lời trấn an.  

Rồi thì đến giờ trong nhà không còn nổi một nghìn đồng chẵn, cơm gạo cũng là nhờ họ hàng giúp đỡ. Nhưng tôi nghĩ mình không thể gục gã vì còn ba đứa con sẽ không biết nương tựa vào ai. Chỉ cực một nỗi, tôi cũng  chỉ  là nạn nhân nhưng sợ rằng mang tiếng thế này sẽ chợ búa sao đây. Tôi chỉ ân hận một điều đó là cách đây chưa lâu, thấy việc làm này cũng mạo hiểm nên có tâm sự với một người họ hàng sẽ đoạn tuyệt trong tháng này nhưng không ngờ nhanh quá. Chỉ hai tiếng đồng hồ nghe tin chủ nợ "chuồn"  thế là vỡ tung cả thị trấn luôn".

Có tiền nên gửi tiết kiệm ở ngân hàng!

Liên quan đến các vụ vỡ nợ xảy ra liên tiếp gần đây, Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ vỡ nợ này đều có liên quan đến việc thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán, vàng bị thổi bong bóng cùng với việc các chính sách áp dụng ở các ngân hàng hiện nay có những thay đổi khiến cho nhà đầu tư “trở mặt”.

PGĐ Công an Hà Nội, Đại tá Đinh Văn Toản
PGĐ Công an Hà Nội, Đại tá Đinh Văn Toản

Theo đó, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết đã nhóm họp, dự báo, nắm tình hình kinh tế xã hội và đặc biệt là liên quan tới tài chính ngân hàng, tài chính đen, thị trường bất động sản, chứng khoán trong những tháng qua.

Lãnh đạo Công an Hà Nội cũng cho hay, cùng với việc thanh tra ngân hàng, theo dõi chặt chẽ, đảm báo các hoạt động của ngân hàng đúng pháp luật. Đông thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, những vấn đề liên quan tới chính sách ngân hàng hiện nay, để người dân hiểu và cảnh giác những đối tượng lợi, sử dụng để thế chấp, lấy ra một khoản tiền, rồi cho đối tượng vừa đủ trả lãi suất ngân hàng nên người dân tin.

“Sau khi ủy quyền, các đối tượng này vay với một số tiền nhiều hơn thực tế. Khi vỡ nợ, các ngân hàng quay lại phát mại nhà đất của người ta. Có đối tượng thu gom được hàng trăm sổ đỏ để mang tới ngân hàng thế chấp”, PGĐ Công an Hà Nội, Đại tá Đinh Văn Toản cho hay.

Đại tá Toản cũng đưa ra lời khuyên rằng: Nếu nguồi dân có vốn nhàn rỗi nên gửi vào tín dụng, ngân hàng. Thận trọng hơn nữa thì gửi vào ngân hàng nhà nước, không nên bắt tay và cho các đối tượng tín dụng đen vay tiền.

Yến Thanh