Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô

14/10/2017 07:21
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Các nhà quản lý cùng các chuyên gia đổi mới giáo dục hãy trung thực và nghiêm túc tự vấn lại những việc làm thời gian qua của mình.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết mới của nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ, trao đổi xung quanh ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gần đây.

Trên tinh thần tranh luận đa chiều, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn thầy Nguyễn Trọng Bình!

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

1.  “Quả bóng trách nhiệm” phải chăng đang được đá về phía các thầy cô giáo?

Quan sát và theo dõi những cuộc thảo luận liên quan đến đề án“đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông” gần đây cá nhân tôi nhận thấy:

Dường như đang có một xu hướng lo lắng về khả năng thành công của lần đổi mới này từ phía các chuyên gia đang trực tiếp phụ trách đề án và những người làm công tác quản lý giáo dục. 

Không những vậy, đi kèm với sự lo lắng ấy là tâm lý “rào trước đón sau” rồi tiện đà đá luôn “quả bóng trách nhiệm” về phía các thầy cô giáo nếu như công cuộc đổi mới bị thất bại?

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông giới thiệu phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới. Ảnh: VA / dangcongsan.vn.
GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông giới thiệu phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới. Ảnh: VA / dangcongsan.vn.

Tại “Hội thảo giáo dục 2017 và chất lượng giáo dục phổ thông” do “Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội” tổ chức ngày 22/9/2017 ông Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa cho rằng:

“Đổi mới giáo dục gặp trở ngại lớn nhất chính từ giáo viên”. 

Ông Sum lấy ví dụ và cho rằng: 

"Rất nhiều giáo viên không thích đổi mới VNEN vì ảnh hưởng tới việc dạy thêm học thêm. 

Việc tổ chức tập huấn đổi mới không chính quy, đại khái chủ nghĩa lan rộng, không tạo ra ảnh hưởng gì mới bởi chính những con người cần phải đổi mới. 

Bộ có hình dung ra hết những ảnh hưởng này không?".

Tương tự như vậy là quan điểm của bà Hoàng Thị Tuyết đến từ Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo đó, bà Tuyết cho rằng, sự sáng tạo, đổi mới của giáo viên đang bị "đè bẹp" bởi chính những người đồng nghiệp của mình. 

"Những em mới về trường và muốn sáng tạo bao giờ cũng bị tổn thương vì những người đồng nghiệp trong trường không chấp nhận sáng tạo. 

Sáng tạo luôn phải qua một quy trình, phải thông qua tổ trưởng, khối trưởng nên nhiều người chặc lưỡi: Thôi nhiêu khê quá, khỏi sáng tạo, cứ như cũ mà làm".

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô ảnh 2

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới

Những ý kiến trên đây được Báo Điện tử Việt Nam nét phản ánh lại trong bài viết nhan đề “Trở ngại lớn nhất của đổi mới giáo dục là ở giáo viên” số ra ngày 23/9/2017 [1].

Trước đó không lâu, trong vai trò Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong khi trả lời phỏng vấn cũng nói rằng:

Điều ông “quan tâm nhất là giáo viên có sẵn sàng đổi mới không, xã hội có đồng thuận không”

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng rất “tâm tư” và “khéo léo” củng cố cho quan điểm này của mình bằng việc so sánh và gợi lại “quá khứ vàng son” của dân tộc trong thời điểm đất nước còn chiến tranh. 

Ông nói:

“Tôi nhớ trong những năm chiến tranh gian khổ, chúng ta đã đúc kết được chân lý này: “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. 

Nói như vậy không phải là phó mặc mọi sự cho dân mà là đề cao yếu tố con người, yếu tố đồng chí, đồng tình. 

Nếu giáo viên đồng lòng, xã hội đồng thuận thì chương trình mới chắc chắn thành công. 

Do đó, điều quan trọng nhất là phải làm sao để khơi gợi được cảm hứng đổi mới cho mọi người, trước hết là giáo viên”. [2]

2. Thầy cô giáo chỉ là thừa hành mệnh lệnh cuối cùng

Nghiêm túc và khách quan mà nói, các ý kiến thể hiện sự lo lắng và trăn trở như trên không phải không có cơ sở. 

Vì trên thực tế, có không ít giáo viên ở phổ thông hiện nay thực sự đang có vấn đề, đặc biệt là cái sức ì trong quá trình dạy học.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học nói riêng và công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà nói chung. 

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây và nhất là cố tình không tìm hiểu để lý giải thấu đáo cái nguyên nhân gây ra chuyện này thì sẽ không giải quyết được gì; 

Hoặc nếu chỉ quy hết trách nhiệm, cho rằng sự thành công hay thất bại của cuộc đổi mới lần này cho các thầy cô giáo ở phổ thông hiện nay, theo tôi là không rất thỏa đáng. 

Thậm chí có thể xem quan điểm như vậy là cực kỳ phiến diện, vô cảm!

Thật ra, không ai phủ nhận vai trò tối quan trọng của người giáo viên trong hoạt động dạy học.

Nhưng hãy nghiêm túc nhìn lại xem “vị thế” của họ hiện nay trong toàn bộ cái “quy trình” và hệ thống giáo dục nước nhà hiện nay như thế nào? 

Các thày cô giáo luôn là người "đứng mũi chịu sào" trước thành bại của các chương trình đổi mới liệu có công bằng, ảnh minh họa: Thanh Hùng / Vietnamnet.
Các thày cô giáo luôn là người "đứng mũi chịu sào" trước thành bại của các chương trình đổi mới liệu có công bằng, ảnh minh họa: Thanh Hùng / Vietnamnet.

Nên nhớ rằng, hiện nay nền giáo dục của chúng ta đang được lãnh, chỉ đạo và quản lý điều hành bằng một bộ máy rất đồ sộ. 

Giúp Trung ương Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo với giáo dục đào tạo là Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Về thực thi nhiệm vụ từ phía Chính phủ chúng ta có: “Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực” và “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo”. 

Về phía Quốc hội giám sát, chúng ta có “Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội”.

Ở cấp lãnh đạo và quản lý thấp hơn, chúng ta có Bộ Giáo dục và Đào tạo với 27 đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ “tham mưu”“quản lý”

Chúng ta có 63 Sở giáo dục và đào tạo địa phương; dưới các Sở là vô số Phòng, ban…trực thuộc huyện cũng tham gia vào việc chỉ đạo, điều hành, quản lý…

Nhắc lại vấn đề trên tôi muốn nói rằng, các thầy cô giáo hiện nay thực ra chỉ là một mắc xích rất nhỏ; 

Hay nói cách khác, các thầy cô giáo chỉ là người thừa hành cuối cùng những mệnh lệnh giáo dục trong toàn bộ “quy trình” giáo dục được lãnh, chỉ đạo và điều hành từ bộ máy trên. 

Thế nên, nói rằng giáo viên là người giữ vai trò quyết định thực ra chỉ là chuyện “hữu danh vô thực”. 

Đây là một sự thật cần được nghiêm túc nhìn nhận.

Từ thực tế trên, tôi cho rằng các nhà quản lý cùng các chuyên gia đổi mới giáo dục hãy trung thực và nghiêm túc tự vấn lại những việc làm thời gian qua của mình, chứ không nên tìm cách “đổ hết” mọi chuyện lên đầu các thầy cô giáo hiện nay. 

Thực sự bản thân tôi cũng rất đồng cảm và chia sẻ với sự lo lắng của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về tâm lý ngại đổi mới của không ít giáo viên phổ thông hiện nay trong bài trả lời phỏng vấn của ông. 

Nhưng rất tiếc tôi không thể đồng cảm khi ông bảo rằng:

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô ảnh 4

Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

“Những người biên soạn chương trình có thể cố gắng hết mức để xây dựng một chương trình vừa kế thừa được nhiều nhất những ưu điểm của các chương trình đã có từ trước tới nay;

Vừa tiếp thu được nhiều nhất những điểm mới của chương trình các nước tiên tiến, nhưng cũng không quyết định được thành công. 

Những người thật sự quyết định thành công của chương trình là giáo viên”. [2]

Nói như thế này, theo tôi hóa ra Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chỉ biết nghĩ cho ông và những nhà quản lý.

Chứ Giáo sư chưa thật sự thấu hiểu những khó khăn, vất vả thật sự của các thầy cô giáo trong môi trường và hoàn cảnh giáo dục nước nhà hiện nay. 

Chúng ta nói các thầy cô giáo giữ vai trò quyết định, nhưng thử hỏi các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý nghĩ gì nghĩ gì về việc:

Các thầy cô giáo muốn được làm nghề cao quý đôi khi phải “đánh đổi” không những tiền bạc mà còn nhân cách, phẩm giá như trường hợp cô giáo phải đổi tình lấy biên chế mà thời gian qua dư luận đã lên tiếng?

Quý thầy nghĩ gì về việc, các thầy cô giáo ngoài chuyện lên lớp giảng dạy còn phải chấp nhận đi tiếp khách theo sự điều động của cấp trên mình?

Nghĩ gì về việc các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng sâu đang ngày đêm cắm bản mang cái chữ đến cho các em học sinh với đồng lương ba cọc, ba đồng?

Nghĩ gì về chuyện mô hình VNEN chẳng đâu vào đâu thì nay lại phải bỏ đó chuẩn bị tâm lý và đầu tư cho chương trình và SGK mới?

Thử hỏi những vấn đề cũ mèm này đã được mang ra mổ xẻ, bàn luận không biết bao nhiêu lần rồi? Và tại sao cho đến nay vẫn không có gì thay đổi? 

Trách nhiệm này sẽ quy cho người nào trong bộ máy lãnh chỉ đạo và điều hành quản lý đây?

3. Thay lời kết

Để kết lại bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện có thật về người bạn vong niên của tôi để các nhà quản lý cùng các chuyên gia đổi mới suy ngẫm.

Người bạn của tôi hiện là một giáo viên dạy Văn tại một trường phổ thông ở miền Tây Nam bộ. 

Chuyện là có hơn 10 năm trở lại đây, bạn tôi không được Ban giám hiệu trường phân công dạy cho các em học sinh ở khối lớp 12 nữa. 

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô ảnh 5

3 thầy 1 sách và nguy cơ tích hợp “thịt chó - nước chè”

Lý do theo như lời của Ban giám hiệu trường thì bạn tôi tuy dạy rất hay nhưng rất tiếc việc dạy học của bạn lại không đáp ứng được cái mục đích và nhu cầu “học để thi” (theo quan điểm thi cử thời gian qua của Bộ giáo dục và Đào tạo) và đạt điểm cao cho các em học sinh. 

Từ đó làm ảnh hưởng đến thành tích chung của trường. 

Ví như theo lời của một người đồng nghiệp trong tổ Văn của trường (vốn cũng là học trò trước đây của bạn tôi) thì khi dạy về đoạn trích “Hồi trống cổ thành” trong chương trình văn lớp 10 (trích từ tác phẩm Tam quốc chí) bạn tôi đã “tích hợp” rất nhiều kiến thức có liên quan để giảng dạy. 

Ví như bạn liên hệ, đặt vấn đề và giải thích cho các em học sinh hiểu thêm tại sao người dân miền Nam (đặc biệt là ở Tây Nam bộ), nhiều người Việt (nhất là người Việt gốc Hoa) lập miếu thờ, chùa (thường gọi là Chùa Ông) để thờ Quan Vân Trường (Quan Vũ)?

Ý nghĩa tâm linh trong vấn đề này là gì…? Vì thế, các em học sinh lúc nào cũng hứng khởi mong đến giờ học văn do bạn đảm nhiệm.

Nói tóm lại, bạn tôi là một giáo viên được đồng nghiệp và các thế học sinh rất kính trọng và yêu quý cả về năng lực lẫn sự tận tụy trách nhiệm trong công việc. 

Nhưng oái oăm là, việc dạy học của bạn tuy giúp các em học sinh trưởng thành rất nhiều về phương diện cảm xúc, thẩm mĩ và nhận thức nhưng lại không phù hợp với quan điểm dạy và học hiện nay ở trường phổ thông.

Kể lại câu chuyện có phần nghịch lý trên đây, tôi muốn nói rằng các chuyên gia giáo dục cùng các nhà quản lý xin hãy cẩn trọng trong cái nhìn nhận xét, đánh giá về vai trò, vị thế của các thầy cô giáo phổ thông hiện nay. 

Đặc biệt, xin hãy nghiêm túc và trung thực nhìn lại vai trò cùng những việc làm của chính mình để tìm ra giải pháp đồng bộ cho bài toán “đổi mới giáo dục”.

Hết năm học này bạn tôi sẽ chính thức được nghỉ hưu, nhưng theo chỗ tôi biết cách đây mấy năm bạn làm đơn xin về sớm nhưng không được giải quyết. 

Và mới hôm qua đây thôi, bạn có nhắn tin cho tôi hai câu thơ vui (mà theo tôi đây cũng là lời tự thán trong nỗi chán chường của bạn) như thế này:

“Ta muốn hét thật lớn giữa sân trường
Cho ngày về hưu mỏi mòn trông đợi!”

                                                                     Cần Thơ, 13/10/2017

Tài liệu tham khảo:

[1]: “Trở ngại lớn nhất của đổi mới là ở giáo viên”. Xem tại:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tro-ngai-lon-nhat-cua-doi-moi-giao-duc-la-o-giao-vien-400348.html

[2]: “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Quan tâm nhất là tinh thần giáo viên khi triển khai chương trình mới”. Xem tại:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-nguyen-minh-thuyet-quan-tam-nhat-la-tinh-than-giao-vien-khi-trien-khai-chuong-trinh-pho-thong-moi-395729.html

Nguyễn Trọng Bình