Quảng cáo núp bóng nhà trường, hoa hồng bạc triệu ai được hưởng?

04/11/2017 08:16
Hồng Đăng
(GDVN) - Lẽ nào chỉ vì những món tiền hoa hồng được trả (như lời đồn của một số người) mà nhiều vị lãnh đạo đã dễ dàng biến trường học thành nơi kinh doanh như thế.

LTS: Từ câu chuyện của chính gia đình mình, tác giả Hồng Đăng đã có những chia sẻ thực tế về việc nhiều đơn vị, trung tâm tiếng anh hiện nay đang núp bóng nhà trường để chiêu dụ học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Cầm trên tay chiếc phong bì ghi rõ họ tên: Kính gửi phụ huynh em Nguyễn Ngọc Thùy Trinh lớp 9C, tôi lấy làm giật mình.

Nhìn kĩ mới biết chiếc phong bì của trung tâm dạy Anh ngữ trên địa bàn. Có điều tôi cứ thắc mắc hoài “Sao họ lại biết rõ họ tên, lớp của con mình thế?”.

Còn chưa hết bất ngờ, chỉ khoảng chục phút sau đó, tôi nhận được số điện thoại lạ. Giọng một cô gái vô cùng nhẹ nhàng vang lên:

“Xin lỗi chị, chị có phải là phụ huynh em Thùy Trinh không ạ? Chúng em ở Trung tâm Anh ngữ... muốn tư vấn cho chị gói học tiếng Anh của bên em…”.

Câu hỏi cứ xoắn lấy trong đầu “Không chỉ biết tên con mình mà đến số điện thoại họ cũng biết luôn. Sao họ tài thế không biết? Nghĩ là vậy nhưng tôi lại chẳng biết hỏi ai”.

Tình trạng quảng cáo núp bóng nhà trường đang diễn ra phổ biến hiện nay (Ảnh minh họa trên tuoitre.vn).
Tình trạng quảng cáo núp bóng nhà trường đang diễn ra phổ biến hiện nay (Ảnh minh họa trên tuoitre.vn).

Vài ngày sau, gặp cô em gái đang là giáo viên một trường tiểu học trong thị xã. Thấy tôi, em bức xúc nói: “Làm không hết việc, suốt ngày phải trả lời những cuộc điện thoại hỏi đâu đâu”.

Rồi em nói tiếp, nhà trường đưa xuống các lớp những tập phong bì của các trung tâm Anh ngữ ghi sẵn tên của học sinh và yêu cầu giáo viên phát về cho phụ huynh.

Cầm được những tờ giấy mời theo hình thức quảng cáo ấy, không ít phụ huynh thắc mắc đã gọi điện hỏi cô:

 “Cháu mang giấy mời của trung tâm dạy ngoại ngữ về xin đi học, vậy là tự nguyện hay bắt buộc hả cô?”.

Có người năn nỉ “Học ở trung tâm ngoại ngữ học phí cao lắm, cháu cứ đòi cho đi hoài bảo là giấy cô phát nên phải đi”. Có người lại xin “Không cho cháu đi được không cô?”.

Rồi có lần cô em tôi gọi điện cho phụ huynh của một bé để nhắc nhở việc em học yếu, đọc chậm, viết chính tả sai và đề nghị gia đình kèm thêm cho em.

Mẹ em nói rằng: “Tối cháu phải đi học thêm Anh văn ở trung tâm nên không còn thời gian cô ạ”.

Cô em nói với họ “Cháu học tiếng Việt chưa tốt, anh chị đầu tư tiếng Anh sớm như thế làm gì”.

Bất ngờ vị phụ huynh giãy nảy nói “Chứ không phải cô phát giấy mời về buộc phải đi học sao? Tưởng thế, tôi cho cháu đi học từ hôm trước rồi”.

Quảng cáo núp bóng nhà trường, hoa hồng bạc triệu ai được hưởng? ảnh 2

Lãnh đạo ngành Giáo dục Ba Đình tìm mọi cách che giấu liên kết dạy ngoại ngữ

Có lẽ do núp bóng nhà trường nên các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn đã tuyển được một lượng lớn học sinh đi học. Vì thế, các trung tâm này luôn tận dụng mọi cơ hội quý báu ấy.

Có trung tâm vào trường làm luôn buổi giao lưu (đương nhiên là được sự chỉ đạo của cấp trên chứ không hiệu trưởng nào dám tự ý), mới đầu họ đăng kí nội dung tạo cho học sinh cơ hội giao tiếp về tiếng Anh, chơi một số trò chơi học tập, phát quà cho học sinh nghèo, trao học bổng cho học sinh xuất sắc…

Một số hiệu trưởng dù không ủng hộ nhưng lại chẳng dám từ chối. Họ cũng buộc phải dành hẳn một tiết học buổi chiều để các trung tâm tổ chức giao lưu cho học sinh.

Tạo cơ hội cho học sinh giao tiếp bằng tiếng Anh đâu không thấy, nhiều trung tâm lợi dụng học sinh và phần đông phụ huynh đứng đợi con bên ngoài để quảng bá hình ảnh cho trung tâm của mình.

Những câu hỏi đại loại là “Em biết trung tâm ngoại ngữ này tên gì không?”, “Trung tâm có mấy cơ sở dạy học?”, “Em thích học ở trung tâm này không?”, “Hãy về bảo ba mẹ đăng kí vào học nhé!”…Thế rồi họ liệt kê nào là được ca hát, vui chơi, đóng kịch… để lôi kéo bọn trẻ.

Sau mỗi đợt tổ chức phát tờ rơi, giao lưu để quảng bá hình ảnh của các trung tâm Anh ngữ như thế, phụ huynh phần vì tò mò về những lời quảng cáo đường mật, phần vì tin tưởng nhà trường giới thiệu nên thi nhau đăng kí cho con vào học khá đông.

Chỉ thương các em học cả ngày, tối tối lại phải cày đến 8 giờ mới được nghỉ. Có em tiếng Việt đọc chưa ra nhưng vẫn phải theo để học tiếng Anh. Thương thầy cô phải dạy bù thời gian đã bỏ ra cho những lần giao lưu ấy.

Không ít người đặt câu hỏi “Tại sao nhà trường lại đứng ra quảng cáo cho các trung tâm ? (mà thực chất cũng chỉ là hình thức dạy thêm tiếng Anh).

Ai cung cấp tên, lớp học của học sinh cho họ? Ai đồng ý cho các trung tâm này đưa tờ rơi vào trường học? Ai cho phép các trung tâm lấy tiết học chính khóa để quảng cáo cho thương hiệu riêng của trung tâm mình?

Lẽ nào chỉ vì những món tiền hoa hồng được trả (như lời đồn của một số người) mà nhiều vị lãnh đạo đã dễ dàng biến trường học thành nơi kinh doanh như thế.

Hồng Đăng