Lãnh đạo nào ở Agribank phải chịu trách nhiệm khi tăng chi tiền tỷ in lịch Tết?

10/11/2017 08:51
Vũ Phương
(GDVN) - Là doanh nghiệp nhà nước, Agribank không thực hiện việc mua sắm tập trung theo Luật Đấu thầu mà tự xé nhỏ gói thầu nên đã không đạt được hiệu quả kinh tế.

Những dấu hiệu bất thường trước việc mấy năm gần đây Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) không tổ chức đấu thầu tập trung in lịch Tết theo quy định đã dần hé lộ.

Thay vì in lịch Tết theo hình thức đấu thầu tập trung để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thời gian, chi phí tiết kiệm cho ngân sách, chống lãng phí thì Agribank lại chọn hình thức phân bổ tiền để các chi nhánh tự đấu thầu và in lịch.

Thông tin nghi vấn Agribank tổ chức thực hiện in lịch Tết gây tốn kém nhiều tỷ đồng một cách đầy khó hiểu những năm gần đây đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận cũng như các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đấu thầu và kinh tế.

Agribank không tổ chức đấu thầu tập trung in lịch tết là vi phạm Luật Đấu thầu dẫn đến chi phí in lịch Tết lãng phí, không đạt hiệu quả kinh tế. Ảnh: T.A
Agribank không tổ chức đấu thầu tập trung in lịch tết là vi phạm Luật Đấu thầu dẫn đến chi phí in lịch Tết lãng phí, không đạt hiệu quả kinh tế. Ảnh: T.A

Mới đây, theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Cục Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chính thức trả lời về việc Agribank không tổ chức in các ấn phẩm lịch Tết vào dịp cuối năm để tặng đối tác, khách hàng.

Lãnh đạo nào ở Agribank phải chịu trách nhiệm khi tăng chi tiền tỷ in lịch Tết? ảnh 2Agribank chọn cách chi thêm nhiều tỷ đồng in lịch Tết cho...nhàn thân?

Theo đó, Cục Đấu thầu khẳng định: “Luật Đấu thầu (Điều 3, Khoản 2) đã quy định trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước;

Thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Trường hợp việc thuê đơn vị tổ chức in lịch là hoạt động mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của Agribank thì Agribank phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu (quy chế mua sắm) theo quy định nêu trên để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Phía Cục Đấu thầu cũng chỉ ra Agribank phải theo nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định 63 nêu rõ, hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.

Như vậy, rõ ràng việc Agribank là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước thì dự án đầu tư phát triển của Agribank thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Còn theo Khoản 1 Điều 71 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, hướng dẫn quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu 2013/QH13, hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm tập trung là hàng hóa, dịch vụ mua sắm với số lượng lớn hoặc chủng loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước; Hoặc hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu tính đồng bộ, hiện đại.

Tuy nhiên, điều bất ngờ,  trong những năm qua, Agribank lại không hề ban hành bất kỳ quy chế mua sắm quy định về việc lựa chọn nhà thầu đối với mặt hàng lịch mặc dù tại văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước, Agribank lại khẳng định việc mua sắm mặt hàng lịch để đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị mình.  

Lãnh đạo nào ở Agribank phải chịu trách nhiệm khi tăng chi tiền tỷ in lịch Tết? ảnh 3Chi tiền tỷ in lịch Tết của Agribank có bóng dáng nhóm lợi ích?

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc làm này rõ ràng đã vi phạm pháp luật về đầu thầu.

Không dừng lại ở vi phạm trên, tại văn bản ngày số 8917/NHNN-TTTr ngày 24/10/2107 gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam,  Agribank thừa nhận việc in mặt hàng lịch là sản phẩm đỏi hỏi phải có tính đồng bộ, thống nhất, tuy nhiên đơn vị này lại cố tình chia gói thầu về cho các chi nhánh thực hiện.

Cách làm này đã vi phạm một trong các hành vi cấm theo quy định của Luật đấu thầu.

Tại khoản 6, điều 89 của Luật Đầu thầu đã quy định “Nghiêm cấm việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”.

Suy cho cùng, ý nghĩa của việc thực hiện đấu thầu đối với hoạt động mua sắm hàng hóa của các doanh nghiêp nhà nước nói chung và Agribank nói riêng để đảm bảo việc minh bạch, hiệu quả nhưng việc cố tình “trốn đấu thầu” như của Agribank của không những đã vị phạm các quy định của Luật đấu thầu, đồng thời cũng không đảm bảo được mục tiêu trên.

Hậu quả của việc bất tuân trên đã phần nào thấy được qua số tiền chi ra để in lịch Tết của Agribank tăng vượt trội so với cách đấu thầu tập trung in như Agribank đã thực hiện trước đó.

Trở lại vấn đề, năm 2012 và các năm trước đó Agribank cũng tổ chức đấu thầu tập trung in lịch Tết với chi phí chỉ trên chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo số liệu năm 2016 của Agribank cho thấy số tiền ngân hàng này chi cho việc in lịch Tết theo phương thức mới đã bị đẩy lên gấp đôi.

Điều này cũng dễ hiểu, nếu Agribank tổ chức đấu thầu tập trung in lịch Tết, toàn hệ thống sẽ in với số lượng lớn chi phí sẽ giảm đi rất nhiều so với việc để hàng trăm chi nhánh tự tổ chức đấu thầu và in lịch với số ít.

Như thông tin đã đưa, sau thời điểm 2012, Agribank có sự thay đổi về nhân sự, từ đó cũng dẫn đến việc thay đổi phương thức in lịch Tết của toàn hệ thống ngân hàng này.

Phương thức tổ chức in theo kiểu xé nhỏ gói thầu được thực hiện đã không đạt được hiệu quả kinh tế mà còn gây tốn kém cả về nhân lực, vật lực nhưng Agribank vẫn làm.

Lãnh đạo nào ở Agribank phải chịu trách nhiệm khi tăng chi tiền tỷ in lịch Tết? ảnh 4Agribank chọn cách chi thêm nhiều tỷ đồng in lịch Tết cho...nhàn thân?

Nhiều ý kiến độc giả gửi về tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đặt dấu hỏi, Agribank có biết việc thay đổi từ đấu thầu tập trung sang in xé nhỏ đã và sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, đồng nghĩa với việc sử dụng đồng thuế của dân đóng, biết mà vẫn làm là vô trách nhiệm?

Trong việc này chỉ lợi ích của nhà nước, đồng thuế đóng của dân bị thiệt hại, còn ai được lợi cần phải làm rõ.

Trong khi đó, không ít chuyên gia khi được phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tham vấn cũng chỉ rõ “có vấn đề”, thậm chí có biểu hiện lợi ích nhóm trong việc Agribank tổ chức thực hiện việc in lịch theo kiểu rất khó hiểu và đi ngược lại bài toán hiệu quả kinh tế.

Nếu như các doanh nghiệp ngoài nhà nước họ sẽ tìm phương án tối ưu nhất, giảm chi phí thấp nhất có thể mà vẫn đạt được mục đích, còn Agribank có 100% vốn nhà nước lại chọn cách “nhàn thân” biết là chi phí bị đội lên nhưng vẫn làm, phải chăng vì đó là tiền của nhà nước, của nhân dân đóng góp. 

Tuy nhiên, tại văn bản số 8917 gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam do bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ký ngày 24/10 thay vì cầu thị, tiếp thu và rút kinh nghiệp, phía Agribank vẫn một mực bảo lưu cách làm của mình dù gây tốn kém.

Sáng 9/11, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để hỏi về việc Agribank không tổ chức đấu thầu tập trung in lịch Tết theo Luật Đấu thầu.

Về việc này, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với Cục Đấu thầu. Agribank sẽ mời báo làm việc về việc in lịch. Hiện, tôi đang bận chủ trì họp”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh những khuất tất đằng sau việc cố tình không đấu thầu tập trung lịch của Agribank.

Vũ Phương