Cực đoan mới không cho người chưa có bằng chính quy vào quy hoạch

24/11/2017 08:02
XUÂN QUANG
(GDVN) - Kết quả công việc phải được xem là yếu tố quyết định trong việc bổ nhiệm. Còn chuyện bằng cấp dù là tại chức hay chính quy chỉ nên xem là điều kiện cần...

Quy định chưa phù hợp 

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 61/2017/QĐ-UBND về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng. 

Theo quy định này, cán bộ muốn lên chức phải có bằng đại học hệ chính quy theo quy định.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay chưa có bằng đại học chính quy.

Bên cạnh luồng dư luận ủng hộ quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi, một số ý kiến khác cho rằng, việc tỉnh này đưa ra quy định nêu trên mang tính cực đoan và chưa toàn diện khi đánh giá, nhận xét bổ nhiệm cán bộ.

Bình luận về việc này, hôm 23/11 trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng do tỉnh Quảng Ngãi ban hành là chưa hợp lý, thậm chí có phần cực đoan.

"Trong thực tế, rất nhiều đơn vị sử dụng lao động nghi ngờ về trình độ, năng lực của người học tại chức, hoặc sinh viên các trường dân lập.

Cực đoan mới không cho người chưa có bằng chính quy vào quy hoạch ảnh 1Cán bộ chưa tốt nghiệp đại học hệ chính quy bị loại khỏi quy hoạch ở Quảng Ngãi

Nhưng làm như vậy là không được.

Nhà nước không có sự phân biệt giữa người học tại chức và người học chính quy, tư thục cũng như công lập trong việc tuyển dụng cũng như bổ nhiệm cán bộ cả", ông Dĩnh cho biết.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, quan trọng nhất trong việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm cán bộ là việc đánh giá năng lực thực tế cán bộ đó qua kết quả công việc.

"Kết quả, hiệu quả công việc phải được xem là yếu tố quyết định trong việc bổ nhiệm. Còn chuyện bằng cấp (tại chức hay chính quy) chỉ nên xem là điều kiện cần để tuyển dụng hoặc bổ nhiệm. 

Bởi giữa việc học và thực tế công việc có khoảng cách rất lớn.

Có những người học tại chức nhưng khi đi làm việc thì công việc họ làm rất tốt.

Nhưng có những người tốt nghiệp chính quy bằng giỏi nhưng công việc thực tiễn chưa chắc đã tốt, bởi ngoài kiến thức được đào tạo trong trường, nó phụ thuộc vào năng lực thực tiễn cá nhân nữa.

Kiến thức mà người ta có được trong nhà trường không quyết định năng lực của người được bổ nhiệm.

Kiến thức chỉ chiếm khoảng 30% năng lực con người, còn lại 70% là kỹ năng và tinh thần thái độ làm việc.

Nếu anh có kiến thức được đào tạo trong trường, nhưng không có kỹ năng thì không thể chuyển tải kiến thức đó ra/thành thực tiễn được.

Thực tế cũng chứng minh, rất nhiều người học giỏi chưa chắc đã thành công. Còn những người học bình thường, thậm chí là học hệ tại chức thì lại thành công, bởi họ luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong cuộc sống thương nhật.

Tất nhiên, kiến thức là quan trọng, nhưng ở đây nó (kiến thức) phải được hiểu là kiến thức tiếp thu từ thực tế, tự học, tìm tòi, sáng tạo chứ không chỉ có kiến thức được đào tạo trong nhà trường.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: quangngai.gov.vn.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: quangngai.gov.vn.

Do đó, để đánh giá toàn diện trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải xem trong quá trình làm việc người ta có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay không, chuyên môn có đáp ứng được nhu cầu công việc không...

Nếu quy định như Quảng Ngãi thì thiên về bằng cấp (đại học chính quy, chứ chưa tính toán đến kỹ năng, tinh thần, thái độ làm việc - yếu tố chiếm tới 70% năng lực con người", ông Dĩnh nêu quan điểm. 

Quan trọng là kỹ năng, tinh thần, thái độ làm việc

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc Quảng Ngãi đưa ra quy định nói trên sẽ khiến người có bằng đại học tại chức cảm thấy thiệt thòi trong trường hợp cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

"Có nhiều người học tại chức trước đây do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử không có điều kiện học chính quy.

Khi đất nước thoát khỏi chiến tranh họ được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước làm việc, sau đó đi học tại chức. Thực tế chúng ta vẫn có những người làm việc rất tốt. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhà nước mở đào tạo tại chức để người ta vừa học vừa làm nhằm hoàn thiện kiến thức chuyên môn hoặc muốn học thêm một ngành khác với ngành mình đang làm.

Tuy nhiên, dù học đại học tại chức hay chính quy, thì khi người học đạt được yêu cầu thì cơ sở đào tạo mới cho tốt nghiệp. 

Do đó, khi tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của Quảng Ngãi, những người này sẽ thất thiệt hơn người có bằng đại học chính quy", ông Dĩnh nêu ý kiến.

Thi tuyển công chức .Ảnh minh họa trên Báo Điện tử Tri thức trực tuyến (Zing.vn).
Thi tuyển công chức .Ảnh minh họa trên Báo Điện tử Tri thức trực tuyến (Zing.vn).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, địa phương nào đưa ra quy định không quy hoạch cán bộ có bằng đại học tại chức (theo quy định của địa phương) là biểu hiện sự bất lực trong việc tuyển chọn cán bộ.

"Ở nước ngoài, người ta không quan trọng chuyện bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm là những người đáp ứng được mục đích, yêu cầu công việc thông qua thi tuyển.

Tôi nghĩ, cơ quan đưa ra quy định này đang bất lực trong việc tuyển chọn cán bộ.

Ông Dĩnh cũng cho rằng, để tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ có năng lực, cơ quan, cơ quan có thẩm quyền phải có phương pháp để đánh giá năng lực con người.

"Để tuyển, bổ nhiệm cán bộ tốt, thì cứ tổ chức thi tuyển là biết ngay chứ không nên phân biệt người đó học tại chức hay chính quy, dân lập hay công lập", ông Dĩnh nêu quan điểm.

Trước đó, ngày 15/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 61/2017/QĐ-UBND về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng (quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017).

Cực đoan mới không cho người chưa có bằng chính quy vào quy hoạch ảnh 4Lãnh đạo các trường ngoài công lập phản đối chỉ tuyển công chức học công lập

Theo đó, người được bổ nhiệm "phải có trình độ đại học trở lên theo chuyên ngành, chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí, chức danh bổ nhiệm", cụ thể:

"Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở ban ngành, sinh từ năm 1965 đến 1975 tốt nghiệp đại học hệ chính quy.

Trường hợp tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.

Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu.

Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải tốt nghiệp đại học chính quy.

Trưởng, phó phòng cấp huyện sinh năm 1965 trở về sau tốt nghiệp đại học chính quy.

Trường hợp sinh năm 1965 đến năm 1975 tốt nghiệp đại học không phải chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.

Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu (trừ chức danh Trưởng phòng giáo dục và đào tạo).

Trường hợp sinh năm 1976 trở về sau tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội.

Có uy tín và phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ba năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu.

XUÂN QUANG