Bà lão nghèo và hành trình 30 năm nhặt ve chai làm từ thiện

03/12/2017 07:37
Minh Ngọc – Hường Lê
(GDVN) - “Tuy vất vả nhưng mỗi lần được nhìn thấy niềm vui của những mảnh đời kém may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của mình, tôi thấy như mọi mệt mỏi đều tan biến”.

30 năm, gần một nửa đời người bà lão già vẫn cặm cụi mỗi ngày nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi, góp lại thành chút tiền để giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

Người dân ở phường 3 đã chẳng còn xa lạ với hình ảnh bà lão nghèo Lê Thị Gái (sinh năm 1942, ở đường Lê Lợi, phường 3, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) với mái tóc trắng như cước vì màu thời gian ngày ngày hai buổi miệt mài trong mưa nắng nhặt nhạnh ve chai, dành dụm những đồng bạc lẻ để làm công việc chẳng mấy người biết.

Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng không có vật dụng gì đáng giá, bà cụ đang lom khom dọn dẹp lại đống phế liệu. Bà bảo cả tuần nay trời mưa lạnh làm bà ho mãi, cái lưng lại đau nên không đi xa mà chỉ quẩn quanh ở mấy con hẻm gần đây để nhặt phế liệu.

Bà Gái đang dọn dẹp lại đống phế liệu trước thềm nhà (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bà Gái đang dọn dẹp lại đống phế liệu trước thềm nhà (Ảnh: tác giả cung cấp).

Những năm trước, bà vẫn đi khắp nơi, đến tận những hang cùng ngõ hẻm trong cái thành phố nhỏ bé yên bình ở ven biển này để nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi rồi mang về, gom lại được kha khá thì mới bán một lần.

Mỗi lần như vậy được vài chục ngàn đồng, bà góp dần dần, được vài trăm ngàn, số tiền dù nhỏ thôi nhưng bà vẫn mang đến giúp những người khó khăn.

Bà nói: “cuộc sống còn nhiều khốn khó, nhiều người còn khổ hơn mình, thôi thì còn sức giúp được gì thì giúp. Mình không có sức để làm được nhiều, thì mỗi này góp một chút vậy!”.

Với tâm nguyện ấy, hơn 30 năm qua, bà một mình nhặt nhạnh phế liệu, xin nhôm nhựa bán lấy tiền cho người nghèo.

Quần áo cũ, sách vở cũ hay các đồ dùng cũ bà xin được cũng mang cho những gia đình khốn khó. Với quần áo cũ, bà gom góp lại rồi khi đã được nhiều, bà lại chọn lựa, giặt giũ sạch sẽ, sắp xếp cẩn thận để đi trao tặng.

Chỉ cần ở đâu, người nào cần sự giúp đỡ mà nằm trong khả năng thì bà đều giúp hết. Tùy vào mỗi hoàn cảnh, bà có cách giúp đỡ khác nhau, ai đói bà cho mì cho gạo, ai thiếu mặc bà cho quần áo, ai hoạn nạn thì bà giúp đỡ và kêu gọi sự ủng hộ từ xung quanh. Những người được bà giúp đỡ đều như được tiếp thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống.

Để có thêm nhiều sự giúp đỡ dành cho học sinh nghèo và những mảnh đời bất hạnh, trong quá trình đi nhặt nhạnh phế liệu, bà không quên vận động, kêu gọi sự chia sẻ từ những người tốt bụng.

Ban đầu nhiều người cũng ái ngại, chưa tin tưởng nhưng rồi sau đó thấy bà thật lòng thật dạ giúp người, họ mới chia sẻ mỗi người một ít, người thì gửi quần áo cũ, người thì sách vở, phế liệu sinh hoạt… nhiều người góp lại thì được số lượng lớn.

Cặm cụi như ong mẹ, mỗi tháng bà đều chuẩn bị được một thùng quà trị giá năm, sáu trăm nghìn đồng để tặng cho học sinh nghèo trong chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai”.

Ngoài ra, bà cũng dành dụm được số tiền nhỏ để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó trong chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

Hàng tháng, bà Gái đều chuẩn bị những thùng qua để tặng học sinh nghèo (Ảnh: tác giả cung cấp).
Hàng tháng, bà Gái đều chuẩn bị những thùng qua để tặng học sinh nghèo (Ảnh: tác giả cung cấp).

“Tuy vất vả nhưng mỗi lần được nhìn thấy niềm vui của những mảnh đời kém may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của mình, tôi thấy như mọi mệt mỏi đều tan biến”, bà gái cười trong niềm thỏa mãn như thế.

Cuộc đời của bà cũng trải qua rất nhiều khốn khó, nên bà hiểu và cảm thương với những mảnh đời bất hạnh như vậy.

Năm 12 tuổi, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ bởi chiến tranh, phải sống nhờ vào sự cưu mang của anh chị em trong nhà.

Lớn lên, bà lấy chồng và sinh được 2 người con. Đến năm 1985, chồng bà bỏ qua Mỹ định cư, để lại bà cùng 2 người con.

Từ ngày ấy, bà mưu sinh bằng công việc buôn gánh bán bưng ở chợ nên lúc nào cũng tranh thủ nhặt nhạnh, gom góp phế liệu.

Những thứ tưởng chừng chẳng còn giá trị gì lại được bà tập hợp số lượng lớn rồi mang đi bán lấy tiền, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó xung quanh.

Hai người con của bà Gái nay đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định, nhưng bà vẫn giữ lối sống giản dị như bao năm qua.

Nhìn bà suốt mấy chục năm làm từ thiện, ít ai biết rằng đó cũng là bấy nhiêu năm gia đình bà thuộc diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, với bà điều đó không quan trọng, cái bà luôn đau đáu đó là được sống, được giúp đỡ mọi người, thực hiện tâm nguyện của bản thân trước đây, đó là ở lại để gắn bó với quê hương.

Tiễn tôi ra về, bà Gái nói: “Đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khốn khổ, bất hạnh. Đó có thể là những gia đình cùng quẫn vì bệnh tật, tai nạn, những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, những cụ già không nơi nương tựa… mình giúp họ được gì thì giúp, chứ đời người rồi cũng về cát bụi thôi!”.

Tình thương của bà Gái đã khơi dậy trong bao người những tình cảm tốt đẹp, biết yêu thương và cho đi yêu thương.

Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên nhiều năm liền ghi nhận tấm lòng vàng của bà Gái (Ảnh: tác giả cung cấp).
Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên nhiều năm liền ghi nhận tấm lòng vàng của bà Gái (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ông Trần Văn Hân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 3, cho biết: “Mấy chục năm âm thầm làm từ thiện, đến nay tuổi cao, sức yếu, nhưng bà Gái vẫn miệt mài với những việc làm thầm lặng có ích cho cộng đồng.

Những khoản tiền dành dụm từ việc bán ve chai, những đôi giày, bộ quần áo cũ, áo mưa… tuy không nhiều về vật chất nhưng đó là cả tấm lòng của bà.

Với những việc làm giàu ý nghĩa, bà Gái là tấm gương tiêu biểu về công tác xã hội - từ thiện tại địa phương, đã được Ủy ban nhân dân phường 3 và Thành phố Tuy Hòa nhiều lần tuyên dương”.

Minh Ngọc – Hường Lê