Tập đoàn TH đầu tư 2.500 tỷ đồng chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Hà Giang

28/11/2017 08:50
Hồ Thu
(GDVN) - Ngày 27/11/2017, tại xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), tập đoàn TH tổ chức Lễ Động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang.

Ngày 27/11/2017, tại xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), tập đoàn TH tổ chức Lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang.

Dự án có quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Lễ động thổ vinh dự có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;

Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

Ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành đoàn thể Trung ương;

Lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang và lãnh đạo nhiều tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc quan tâm tới lĩnh vực đầu tư chặn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của tập đoàn TH.

Các vị đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang
Các vị đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang trại bò sữa công nghệ cao Hà Giang (thuộc tập đoàn TH) có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Tại huyện Vị Xuyên, Dự án sẽ xây dựng các hạng mục của trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô đàn khoảng 10.000 con; quy hoạch diện tích đất trồng cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa gồm 663 ha vùng lõi và 2.000 ha liên kết với vùng nguyên liệu của người dân địa phương.

Dự án dự kiến tạo việc làm cho 500 trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp thông qua việc liên kết trồng cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa cũng như thúc đẩy phát triển các ngành kinh doanh dịch vụ khác.

Tại Việt Nam, tập đoàn TH được biết tới là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu trong nước và vươn tầm quốc tế.

Khởi dựng Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” từ năm 2009 tại Nghệ An, tới nay TH đã sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á với quy mô đàn bò 45.000 con; nhà máy chế biến sữa công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn/năm.

Thủ tướng thăm hỏi người dân trong vùng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang.
Thủ tướng thăm hỏi người dân trong vùng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang.

Sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK của tập đoàn TH đã chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi thị trường Việt Nam.

Từ thành công của Dự án sữa Nghệ An, tập đoàn TH tiếp tục khảo sát, nghiên cứu xây dựng trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa.

Hà Giang là địa bàn trọng điểm được tâp đoàn lựa chọn đầu tư chuỗi sản xuất tương tự ở Nghệ An.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn TH khẳng định, thị trường sữa dạng lỏng tại Việt Nam vẫn còn tới 66% sữa bột pha lại, chỉ có 34% sữa tươi.

Dư địa thị trường cho ngành hàng sữa tươi vẫn còn rất lớn.

Việc đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang của tập đoàn TH thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng bản đồ sữa tươi tại Việt Nam, đón đầu dư địa thị trường trong nước và khu vực .

Dự án ghi dấu ấn lần đầu tiên tại các tỉnh vành đai biên giới phía Bắc có chuỗi chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi công nghệ cao lớn như vậy, làm thay đổi một cách căn bản phương thức chăn nuôi khu vực.

Trang trại TH tại Hà Giang áp dụng quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại... theo quy trình công nghệ của Israel với phần mềm quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afifarm;

Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…

Ly sữa TH true MILK sản xuất tại vùng đất biên cương sẽ đạt các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất thế giới trên nền tảng công nghệ cao, tự động hóa mà tập đoàn TH sẽ lắp đặt.

Ngoài cung ứng sữa tươi cho thị trường trong nước, Dự án sẽ tiếp cận thị trường sữa Trung Quốc và triển khai xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sữa tươi sang thị trường nhiều tiềm năng này.

Với trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến giáp biên giới, tập đoàn TH rút ngắn được thời gian vận chuyển, thông thương sang Trung Quốc

Trước đó, tại buổi hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC (tháng 11/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất phía Trung Quốc đẩy nhanh hoàn thành đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc đối với sữa, sản phẩm từ sữa và một số loại hoa quả, thủy hải sản của Việt Nam.

Đây là tiền đề mạnh mẽ để sản phẩm sữa tươi của Việt Nam, trong đó có TH true MILK tiếp cận sâu rộng hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.

Sau Nghệ An, Hà Giang, tập đoàn TH tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Thanh Hóa (20.000 con), Phú Yên (20.000 con) và Sóc Trăng (10.000 con).

Như vậy, trong tương lai gần, các trang trại bò sữa của TH sẽ hình thành tại nhiều vùng kinh tế của Việt Nam giúp tiếp cận nhanh thị trường trong nước, bù đắp cho lượng sữa phải nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu.

Hiện, bản đồ sữa tươi Việt Nam đang tập trung tại một số điểm có lượng chăn nuôi bò sữa lớn: Thành phố Hồ Chí Minh (có lượng bò sữa nhiều nhất cả nước với hơn 90.000 con), Nghệ An (hơn 62.000 con), Sơn La, Lâm Đồng (khoảng 20.000 con), Hà Nội (hơn 15.000 con).

Trong đó chủ yếu chăn nuôi bò sữa trong các trang trại, gia trại nhỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ động thổ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ động thổ

Các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của tập đoàn TH sẽ vẽ thêm các điểm mới trên bản đồ sữa tươi Việt Nam, in dấu ấn Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới.

Cũng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tập đoàn TH đã nhận chứng nhận đầu tư cho Dự án trồng và chế biến dược liệu công nghệ cao.

Dự án triển khai tại huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Bắc Mê với tổng diện tích đất 5.536 ha (gồm toàn bộ khu vực trồng cây nguyên liệu và nhà máy).Vốn đầu tư Dự án là 2.000 tỷ đồng.

Các loại dược liệu được quy hoạch gồm: Nhóm dược liệu chiết xuất làm đồ uống và Nhóm dược liệu sử dụng làm thuốc và thực phẩm chức năng (trong đó đặc biệt có xạ đen, nấm linh chi, nấm lim xanh...).

Dự án Dược liệu sẽ hình thành các vùng trồng dược liệu tập trung và trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng nông – lâm kết hợp góp phần bảo vệ rừng đặc dụng, tăng hệ số sử dụng đất, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên dược liệu.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang nhận định, với 2 dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Tập đoàn TH là nhà đầu tư lớn nhất tỉnh với tổng vốn đầu tư là 4.500 tỷ đồng.

Hồ Thu