Không dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh viện tư nhân

09/12/2017 12:12
Vũ Phương
(GDVN) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, không chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành dừng thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở y tế tư nhân.

Giải thích về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc- Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết:  "Trong công văn 5163/BHXH-CSYT, ngày 17/11/2017, gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố hướng dẫn về ký hợp đồng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2018. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế- Tài chính.

Cụ thể, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục ký hợp đồng KCB BHYT trong năm 2018 phải có thêm Quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc".

Ông Lê Văn Phúc khẳng định, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, để cơ quan Bảo hiểm xã hội ký hợp đồng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế phải được phân hạng để xác định mức giá thanh toán và tuyến chuyên môn kỹ thuật để làm căn cứ xác định mức hưởng Bảo hiểm y tế của bệnh nhân khi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu.

Đối với cơ sở y tế, việc được xếp hạng và phân tuyến còn là căn cứ pháp lý để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc và chuyển tuyến người bệnh. Các yêu cầu về ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế được cụ thể trong Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên bộ Y tế- Tài chính.

Tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư này đã nêu rõ: Các cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế phải có Quyết định phân hạng bệnh viện của cấp có thẩm quyền (nếu có); đối với cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập phải có Quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định. Ảnh: Tuổi trẻ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định. Ảnh: Tuổi trẻ. 

Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng bệnh viện tư nhân

Trên thực tế, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện tư nhân. Việc chậm ban hành đã gây khó khăn vướng mắc cho cơ quan Bảo hiểm xã hội và các bệnh viện tư nhân trong việc xác định mức giá thanh toán và mức hưởng Bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Ví dụ: Cùng quy mô bệnh viện như nhau nhưng có địa phương thì áp mức giá tương đương hạng 3 và tạm phân tuyến huyện, có địa phương lại áp mức giá tương đương hạng 2 và tạm phân tuyến tỉnh.

Đặc biệt, khi áp dụng quy định khám chữa bệnh thông tuyến huyện, đã xảy ra tình trạng các bệnh viện tư nhân được tạm xếp tương đương bệnh viện công lập hạng 2, tuyến tỉnh lại xin xuống hạng 3, tuyến huyện.    

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhiều kiến nghị với Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến cho các bệnh viện tư nhân để giải quyết các vướng mắc này.

Như vậy, việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố rà soát các cơ sở khám chữa bệnh chưa đủ điều kiện để yêu cầu bổ sung các hồ sơ tài liệu để ký hợp đồng là phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm y tế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.

Lời giải cho vướng mắc hiện nay chính là việc Bộ Y tế cần kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xếp hạng bệnh viện, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với bệnh viện tư nhân, hoặc ít nhất là có các tiêu chuẩn tạm thời làm căn cứ để đánh giá, xếp hạng và xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật cho tất cả cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Vũ Phương