Ủy ban Chứng khoán không thể vô can khi các "sếp" lớn bán chui cổ phiếu

20/12/2017 09:02
Vũ Phương
(GDVN) - Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bán "chui" lượng cổ phiếu lớn nhằm trục lợi cá nhân nếu chỉ phạt hành chính thì vô tình tiếp tay cho vi phạm.

Hàng loạt đại gia, sếp lớn bán "chui" cổ phiếu

Thời gian gần đây khá nhiều đại gia, sếp lớn thực hiện hành vi bán “chui” cổ phiếu bất chấp các quy định của pháp luật để trục lợi. Bản thân những người thực hiện các hành vi này sẵn sàng chấp nhận mức phạt, vì số lợi họ thu được lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền nộp phạt.

Vì vậy mà không ít nhà đầu tư lo ngại, thị trường chứng khoán đang méo mó, thiếu minh bạch vì những ông lớn, đại gia sàn chứng khoán tung hỏa mù, nói một đằng làm một nẻo, mua bán “chui” cổ phiếu nhưng cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại có phần ưu ái, nương nhẹ.

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến đâu khi xử lý hành vi vi phạm thiếu thuyết phục dẫn đến việc nhờn luật?

Đặc biệt là khi thực hiện xử phạt, nhiều ý kiến cho rằng, Ủy ban chứng khoán chưa thực sự thể hiện sự công bằng. Điều này có làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ, gây mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán không thể vô can khi các "sếp" lớn bán chui cổ phiếu ảnh 1Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt vì bán "chui" cổ phiếu FLC

Có thể chỉ ra hàng loạt các đại gia, sếp lớn vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì bán “chui” cổ phiếu thời gian gần đây.

Đáng chú ý là trường hợp đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) bị xử phạt 65 triệu đồng vì bán "chui" 57 triệu cổ phiếu FLC.

Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt 130 triệu đồng đối với doanh nghiệp của đại gia họ Trịnh là Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros. Ông Trịnh Văn Quyết hiện vừa là cổ đông lớn nhất vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC và FLC Faros.

Cùng đợt này, bà Lưu Hải Anh - Kế toán trưởng của CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (SKG) cũng đã bị xử phạt 450 triệu đồng vì đã bán “chui” 5.400 cổ phiếu SKG.

Còn vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Lê Văn Hòa - Trưởng Ban kiểm soát Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (nay đã sáp nhập vào Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh) bị phạt 25 triệu đồng vì mua “chui” 40.000 cổ phiếu BHS vào ngày 16/6…

Ông Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC không thông báo. Ảnh:FLC
Ông Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC không thông báo. Ảnh:FLC

Rõ ràng các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán còn khá lỏng lẻo. Điều này dẫn đến hành vi vi phạm của không ít đại gia, sếp lớn dễ dàng nhằm trục lợi cho bản thân. Trong khi đó mức xử phạt nếu so với số lợi do hành vi vi phạm mà có chỉ bằng một phần rất nhỏ.

Còn các nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ thì thiếu thông tin, dễ bị ngậm trái đắng khi chạy theo những giao dịch “thiếu đàng hoàng” của các đại gia, sếp lớn.

Cần phải xem xét trách nhiệm của Ủy ban chứng khoán

Để thị trường chứng khoán minh bạch, giá cả không bị méo mó và đặc biệt xử lý hành vi vi phạm của cơ quan cầm cân nảy mực đảm bảo đúng tính chất, hành vi vi phạm thì mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xử lý hành vi bán “chui” lượng lớn cổ phiếu có dấu hiệu bất thường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo kiến nghị, hành vi bán “chui” cổ phiếu của một số cổ đông lớn nhằm trục lợi số liền lớn, nhưng mức xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ như “gãi ghẻ” và chưa thuyết phục.

Cụ thể, trường hợp ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) bán “chui” 57 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 65 triệu đồng là quá nhẹ.

Đáng nói, quyết định trên chỉ đề cập đến xử phạt vi phạm hành chính, còn số tiền thu về khoản lợi nhuận bao nhiêu từ hành vi bán “chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không hề đề cập trong biên bản xử phạt.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng không đề cập đến việc áp dụng biện pháp khắc phục bằng việc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do hực hiện hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết. Phải chăng quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có ưu ái cho ông Trịnh Văn Quyết?.

Theo phân tích của một lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC ước tính thu về hơn 400 tỷ đồng, trong khi nếu bán công khai số cổ phiếu trên chỉ thu về hơn 300 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy ông Quyết lời cả mấy chục tỷ đồng do bán “chui”. Con số này rất lớn so với mức phạt chỉ 65 triệu đồng.

Chuyên gia chứng khoán độc lập Huy Nam. Ảnh: Chu Văn Hoàn.
Chuyên gia chứng khoán độc lập Huy Nam. Ảnh: Chu Văn Hoàn. 

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng: “Thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch thì những hành vi mua bán “chui” cổ phiếu là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý đôi khi có những quyết định xử phạt để cho người ta tồn tại, trong khi đó, người vi phạm thấy hành vi vi phạm mang lại số lợi bất chính nhiều hơn nhiều so với số tiền bị xử phạt nên vẫn thực hiện”.

Chuyên gia Huy Nam nhấn mạnh: “Việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định trong thị trường chứng khoán đã có rồi, nhưng việc xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước mà không đúng hành vi, mức độ vi phạm là có vấn đề. Điều này vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm.

Ví dụ hai trường hợp cùng hành vi vi phạm như nhau, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại áp dụng mức xử lý khác nhau thì rất khó hiểu”.

Theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, đối với những nhà đầu tư mới, chưa hiểu và nắm vững luật do họ vô tình vi phạm cũng có thể xem xét xử lý ở mức vi phạm hành chính. Nhưng những người hiểu rõ luật mà vẫn vi phạm thì phải xử lý nghiêm.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bán cổ phiếu "chui" lượng lớn mà chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải xem lại. Ảnh: V.P
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bán cổ phiếu "chui" lượng lớn mà chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải xem lại. Ảnh: V.P

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế phân tích: “Việc anh bán cổ phiếu “chui” mà chỉ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính và phải nộp phạt một số tiền nhỏ và so với số lợi có được rất lớn do hành vi vi phạm mà có thì sao đủ sức răn đe.

Cần thiết với những trường hợp bán “chui” lượng cổ phiếu lớn gây thiệt hại cho các nhà đầu tư khác thì cần thiết phải có biện pháp xử phạt bổ sung như buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có như thế mới đảm bảo công bằng.

Còn chỉ xử phạt hành vi đó vi phạm hành chính như thế sẽ vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm nhằm trục lợi làm méo mó thị trường chứng khoán”.

Ủy ban Chứng khoán không thể vô can khi các "sếp" lớn bán chui cổ phiếu ảnh 5Ủy ban Chứng khoán có dễ dãi trước hành vi bán "chui" cổ phiếu của Chủ tịch FLC?

Luật sư Đức nhấn mạnh: “Rõ ràng việc bán chui lượng lớn cổ phiếu lớn sẽ gây hại rất lớn cho thị trường chứng khoán, bởi vậy mức xử phạt không thể chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính mà phải thu hồi khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.

Đối với những vụ bán “chui” cổ phiếu lượng lớn cần phải đánh giá đầy đủ thiệt hại của các nhà đầu tư vì hành vi đó gây ra, thậm chí có dấu hiệu hình sự thì cần phải xem xét xử lý hình sự.

Những hành vi vi phạm công bố thông tin dạng mua chui, bán lén không thể coi đó là vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần. Mà phải coi người vi phạm thường cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường”.

Đánh giá về vai trò của cơ quan nhà nước trong việc xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm sao phải đảm bảo việc xử phạt vi phạm theo hướng công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng.

Anh phải xây dựng quy định để ngăn chặn cũng như xử lý những hành vi bán chui, thao túng chứng khoán đủ mạnh, đủ sức răn đe để các cá nhân, tổ chức không dám vi phạm.

Việc xử lý theo cảm tính, phạt hành chính thì không khác gì trò đùa. Người ta vẫn bất chấp vi phạm vì cân đo đong đếm thì vẫn lợi hơn nhiều dù bị xử phạt. Hơn nữa, là cơ quan cầm cân nảy mực phải xử phạt làm sao đúng tính chất, đúng mức độ vi phạm”.

Vũ Phương