Trang mua sắm Hotdeal bị tố 'ém' thông tin

22/10/2011 07:30
Đem voucher thời trang trẻ em đến mua sắm tại một shop ở Hà Nội, chị Nga (Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng) khó khăn lắm mới tiêu hết trị giá số tiền ghi trên thẻ...

Bất chấp mức giảm giá hấp dẫn 30-90%, các trang mua sắm cộng đồng nhận không ít phàn nàn về chất lượng dịch vụ, giảm giá giả... Trang Hotdeal còn bị tố là "ém" thông tin, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.


Đem voucher thời trang trẻ em đến mua sắm tại một shop ở Hà Nội, chị Nga (Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng) khó khăn lắm mới tiêu hết trị giá số tiền ghi trên thẻ. Chị Nga cho biết, trong một lần "dạo chơi" trên mạng, chị ghé website mua theo nhóm Hotdeal. Thấy quần áo dành cho bé từ sơ sinh đến 10 tuổi được quảng cáo "chất liệu mềm mại, thoáng mát, mẫu mã đáng yêu, hàng về liên tục", chị Nga đã mua một voucher 200.000 đồng để được mua hàng trị giá 400.000 đồng.

Khi đến mua, chị Nga cảm thấy thất vọng. "Với hóa đơn 400.000 đồng, tương ứng 3 - 4 sản phẩm. Nhưng để chọn được 3 chiếc có vể ổn ổn một chút, tôi mất hơn một giờ đồng hồ, vì đa phần hàng chất xấu, kiểu dáng cũng không bắt mắt, khác hẳn với quảng cáo. Mà không mua thì xem như mất 200.000 đồng", chị Nga chia sẻ.
Hotdeal bị khách hàng tố "ém" thông tin, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hotdeal bị khách hàng tố "ém" thông tin, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, ở Hà Nội, một khách hàng quen thuộc của các trang mua sắm theo nhóm, mới đây đã phát hiện là admin của Hotdeal "ém" thông tin xấu của nhà kinh doanh, gây thiệt hại cho người mua hàng. Anh Tuấn cho biết những comment khen nhà cung cấp thì luôn được Hotdeal trưng lên đầu trang. Còn những ý kiến trái chiều, phản đối thì bị xóa hoặc chỉ bản thân người bình luận thấy.

Anh Tuấn kể, anh và bạn bè đã ghé một cửa hàng ăn uống theo giới thiệu của Hotdeal nhưng chất lượng thực tế không giống như thông tin mà trang mua sắm cộng đồng này cung cấp.

"Giá cả, chất lượng món ăn đều không giống như quảng cáo. Khi biết chúng tôi đến ăn theo kiểu mua voucher, cung cách phục vụ của nhân viên cũng không niềm nở. Hơn nữa, tất cả comment phàn nàn của chúng tôi về cửa hàng đó đều bị xóa hoặc chỉ mình account của người comment là thấy được", anh Tuấn bức xúc.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của Hotdeal, chị Lê Thị Ngân cho rằng trang mua sắm cộng đồng này không “ém” thông tin doanh nghiệp hợp tác. Chi tiết tên, logo, hình ảnh về dịch vụ, sản phẩm, địa chỉ, số điện thoại… đều được niêm yết cụ thể trong phần “Điểm nổi bật” và “Thông tin chi tiết”.

Việc nhiều comment của khách hàng bị Hotdeal admin ẩn hoặc xóa, đại diện đơn vị này cho biết, đã thông báo rõ trên trang về quy định bình luận. Thông thường, khi có nhận xét về thái độ, chất lượng dịch vụ, sản phẩm, Hotdeal sẽ liên hệ trực tiếp với khách hàng và đối tác để kiểm chứng. Nếu xóa họ cũng sẽ gọi điện thông báo đến khách về động thái này.

Chị Ngân cũng khẳng định, trước khi đưa mỗi deal lên, họ có một bộ phận kiểm tra chất lượng dịch vụ, đóng giả khách hàng, dùng thử sản phẩm của đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sẵn sàng thu nhận voucher đã mua nếu khách không đồng ý tiếp tục sử dụng. Hotdeal thừa nhận từng bị khách hàng than phiền quá nhiều vào tháng 6/2011 và đã hoàn tiền cho khách mua deal (những chương trình có phiếu mua giảm giá).

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Lê Media cho biết, bản chất của các trang mua sắm theo nhóm online là quảng bá, marketing cho doanh nghiệp liên kết. Việc giảm giá nhằm thu hút người sử dụng, khách hàng đến với sản phẩm, dịch vụ đó.

Theo chuyên gia về marketing này, thành công được thể hiện bằng việc tạo tiếng vang, uy tín trong cộng đồng và có nhiều khách hàng quay lại sau lần đã được khuyến mãi. Do vậy, nếu PR một cách thái quá khiến người tiêu dùng thất vọng thì cũng như con dao hai lưỡi. "Không những hình ảnh của doanh nghiệp trong lòng khách hàng méo mó mà việc lấy lại uy tín, thương hiệu cũng rất khó", ông Vinh nói

Theo Vnexpress