Hội đồng trường có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu

04/01/2018 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Tờ trình của Bộ Giáo dục, Hội đồng trường có tối thiểu 30% thành viên là các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… ở ngoài trường;

Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực giáo dục đại học, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động Giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Những hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục đại học 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học trên thực tiễn, đó là:

Hội đồng trường phải có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục thời đại)
Hội đồng trường phải có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục thời đại)

Về tự chủ đại học và quản trị đại học. Các quy định của Luật giáo dục đại học hiện hành chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học công lập để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tự chủ đại học trên cả ba phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính tài sản. 

Cụ thể: Cơ sở giáo dục đại học vẫn còn bị quản lý khá chặt chẽ của cơ quản chủ quản, cơ quản quản lý ngành, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo; 

Luật chưa phân định rõ được chức năng quản trị và chức năng quản lý giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong mỗi cơ sở giáo dục đại học; Mức học phí chưa chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các loại hình đào tạo và bậc đào tạo...

Về Quản lý đào tạo, quy định của Luật giáo dục đại học hiện hành còn nhiều điểm chưa phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới;

Làm cho Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam mới được ban hành, do vướng Luật nên một số điều không thể triển khai thực hiện, không phát huy đươc tác dụng thực tế. 

Trong Quản lý nhà nước, về cơ cấu tổ chức, mô hình của các trường đại học quy định tại Luật giáo dục đại học còn chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế; 

Quy định về phân tầng, xếp hạng chưa phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới và điều kiện của Việt Nam, chưa rõ về vai trò của các chủ thể tham gia nên chưa thể triển khai thực hiện.

Sau các hội nghị góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu chỉnh sửa đưa ra Dự thảo lần 3 trình Chính phủ tập trung ở một số nội dung như sau: 

Hiệu trưởng “là người đại diện theo pháp luật”

Theo tờ trình, Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được sửa đổi theo hướng Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và cho các bên có liên quan. Bổ sung cơ cấu có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện và cơ sở giáo dục đại học có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức.

Hội đồng trường có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu ảnh 2Ai sẽ công nhận kết quả bầu hiệu trưởng của Hội đồng trường?

Quy định về Hiệu trưởng tại Điều 20 được sửa đổi, bổ sung theo hướng Hiệu trưởng “là người đại diện theo pháp luật” của cơ sở giáo dục đại học cho phù hợp với Bộ luật dân sự. 

Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý trực tiếp công nhận trên cơ sở kết quả tổ chức bầu hoặc thi tuyển hiệu trưởng của Hội đồng trường. Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị bổ nhiệm.

Giảng viên đã được công nhận đạt chuẩn chức danh thì được Hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, bổ sung quy định cho phép giảng viên được ký hợp đồng với các tổ chức khác (cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…) vừa tiếp cận thực tiễn, vừa để đa dạng hóa hình thức hợp tác với bên ngoài, gắn kết đào tạo, nghiên cứu với thực tiễn và thực hiện nhiệm vụ xã hội đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn lực của cơ sở giáo dục đại học.

Mức giá dịch vụ đào tạo phải được công khai cùng với thông báo tuyển sinh

Về tự chủ tài chính, tài sản, Dự thảo lần 3 đã sửa đổi bổ sung, cơ sở giáo dục đại học được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Hội đồng trường có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu ảnh 3Hiệu trưởng không nên tham gia Hội đồng trường đại học

Đối với việc quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học, Tờ trình quy định cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ toàn bộ hoặc một phần kinh phí (chi thường xuyên, chi đầu tư), có nghị quyết thông qua chủ trương của hội động trường được sử dụng nguồn tài chính trong việc quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học và các nguồn hợp pháp khác do cơ sở giáo dục đại học tự huy động;...

Đối với tự chủ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, dự thảo nêu các cơ sở giáo dục đại học được mở ngành khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng như được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ; trừ nhóm ngành sức khoẻ, an ninh quốc phòng.

Về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác;

Đặc biệt, về trách nhiệm giải trình, được sửa đổi, bổ sung theo hướng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong các hoạt động về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế phù hợp với năng lực tự chủ, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Hội đồng trường có tối thiểu 30% thành viên ở ngoài trường

Đối với Quản trị đại học, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Hội đồng trường có tối thiểu 25% là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu ảnh 4Có nên đưa đại diện sinh viên vào hội đồng trường?

Các trường đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới quản trị đại học với Hội đồng trường là hội đồng quyền lực, đại diện cho các bên có lợi ích liên quan của nhà trường; thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ.

Hội đồng trường có tối thiểu 30% thành viên là các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… ở ngoài trường;

Có tối thiểu 25% là các giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo tiêu biểu ở các khoa, bộ môn; có quyền quyết định định hướng phát triển, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, tổ chức bầu hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng.

Ban giám hiệu thực hiện chức năng quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường.

Đối với các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, quy định cơ chế quản trị gần giống trường công lập tự chủ, phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.

Trong đổi mới quản lý đào tạo, dự thảo quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ sở giáo dục đại học trong việc quy định thời gian đào tạo phù hợp với từng trình độ, hình thức, phương thức đào tạo và người học.

Dự thảo cũng cho phép Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian đào tạo được kéo dài hoặc rút ngắn phù hợp với các trình độ, hình thức, phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.

Thùy Linh