Những đứa trẻ Nậm Mười chỉ mong học hết lớp 9!

23/10/2011 08:00
Xuân Trung
(GDVN) - Những  món quà mùa đông của đoàn công tác Báo GDVN lên với trẻ em Nậm Mười khiến các em và thầy cô rưng rưng.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tôi lên với Nậm Mười, nhưng cũng không thể hình dung được đường xá giờ lại khó đi tới thế. Các thầy cô giáo trường tiểu học và THCS Nậm Mười thay nhau đứng chờ đoàn tận ngoài đường quốc lộ lớn, hễ có đoàn xe ô tô đi qua lại vẫy xem có đúng đoàn của báo không.
Cho tới quá nửa buổi chiều chúng tôi mới bắt đầu có mặt tại “cửa ngõ” vào Nậm Mười. Các thầy thay nhau chở nhà hảo tâm cùng đoàn vào trường mà luôn miệng nhắc đi nhắc lại: “Trước kia đường vào Nậm Mười còn dễ đi, giờ qua mấy trận mưa nước chảy còn trơ đá thỏi, mùa này tối lạnh lắm, các em phải thay nhau về nhà lấy chăn, nhiều em chưa có áo ấm nên đổi nhau mặc, em nào học sáng thì cho bạn học chiều mặc”. Mùa đông - mùa bỏ học!

Tới Nậm Mười trong một ngày chớm đông, lòng tôi trở nên se sắt hơn rất nhiều bởi đây cũng là mùa các em học sinh “chịu khó” nghỉ học nhất.
Thầy hiệu trưởng trường THCS Nậm Mười, ông Vũ Trường Thành cho biết: “Mùa này cũng là dịp vào mùa màng, các gia đình cần người làm, các em cấp hai ở độ tuổi lao động chính trong gia đình nên thường nghỉ học khoảng 3-4 hôm làm việc giúp bố mẹ. Những lần như thế các thầy cô lại vào tận nhà động viên đi học lại. Khó khăn là thế nhưng giáo viên ở đây vẫn hoàn thành nhiệm vụ hàng năm” thầy Thành nói.
Hiệu trưởng trường THCS Vũ Trường Thành cho biết: Vào mùa đông các em lại kiếm cớ nghỉ học vài ngày để về giúp gia đình, những lúc như thế rất khó với thầy cô để đi động viên quay lại học tiếp. Ảnh Xuân Trung
Hiệu trưởng trường THCS Vũ Trường Thành cho biết: Vào mùa đông các em lại kiếm cớ nghỉ học vài ngày để về giúp gia đình, những lúc như thế rất khó với thầy cô để đi động viên quay lại học tiếp. Ảnh Xuân Trung
Chúng tôi có mặt tại gian phòng của khu bán trú trường THCS Nậm Mười khi có 4 em đang mải miết đọc sách trước khi xuống dự bữa cơm có thịt của các nhà hảo tâm và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức. Thấy người lạ, các em bẽn lẽn lắm. Được biết, HS trường tiểu học nghỉ học cũng không kém, những em lớn học lớp 5 cũng đã nghỉ học giữa chừng để ở nhà làm việc.
Triệu Ton Sềnh, dân tộc Dao là đứa mạnh dạn nhất khi đứng dậy mời chúng tối vào giường tầng của em. Tại đây, em nói rất biết ơn báo GDVN đã lên đây chơi cùng các em một tối. Nhà Sềnh ở bản xa nhất của xã Nậm Mười, bản Khe Trang cách điểm trường chính 21km, mỗi lần đi từ nhà hết 4 tiếng đồng hồ mới tới được trường. Những lần về nhà chỉ vào dịp cuối tuần thứ 7, về lấy lương thực rồi hôm sau lại xuống trường. Sự nghiệp học hành cứ như thế trôi qua. Năm nay, Triệu Ton Sềnh đã học lớp 6. Nhà em có 5 anh em, trong đó chỉ có Sềnh và hai người em nữa được đi học vì nhà không có tiền. “Nhà cháu chỉ làm lúa, bố  mẹ cày ruộng không làm gì cả. Có nuôi 2 con trâu và 8 con lợn nhưng cũng không đủ ăn. Em phải đi cùng bố mẹ cuốc đất trồng sắn, mỗi lần như thế lại nghỉ học thôi” - Sềnh buồn rầu cho biết. Sềnh cho biết, đối với em bữa ăn có thịt rất hiếm, hầu như không có, chỉ ăn rau dớn và  rau cải trồng trên đồi. Mỗi ngày em cũng như bạn khác chỉ có 600 đồng để mua thức ăn nên chỉ có rau với cơm. Ước mơ của Sềnh là học hết lớp 9 rồi về làm ruộng.
Triệu Ton Sềnh mong học hết lớp 9 để trở thành người có ích. Ảnh Xuân Trung
Triệu Ton Sềnh mong học hết lớp 9 để trở thành người có ích. Ảnh Xuân Trung
Học để không đánh mẹ như bố Cũng giống với Triệu Ton Sềnh, Đặng Ton Nhị, dân tộc Dao đang học lớp 6B trường THCS Nậm Mười cho biết, gia đình em có 2 chị em, người chị năm nay mới 16 tuổi nhưng đã lấy chồng cách đây 2 năm. Hỏi vì sao chị lấy chồng sớm vậy, Nhị cho biết do không có người làm nên lấy chồng về cho đủ người làm. “Cuối tuần cháu về nhà đi cày cho bố mẹ” Nhị nói dứt khoát. Cho tới bây giờ, ngay cả tôi cũng không hiểu Đặng Ton Nhị cầm chiếc cày nặng và to đi sau con trâu cứ băng băng như thế nào mà em nói dứt khoát là đi cày được, và đã cày từ lâu. Nhị cho biết, cày làm bằng gỗ nên cũng nhẹ thôi. Cũng giống như Sềnh, Nhị quyết tâm học hết lớp 9 rồi mong ước trở thành người tốt (người không nóng tính – lời của Nhị). Chứng kiến nhiều lần bố cầm roi đánh mẹ nên Nhị quyết tâm học để trở thành người tốt. “Mỗi lần bố đánh mẹ, cháu thương mẹ lắm, bố nóng tính mà” Nhị bày tỏ.
Đặng Ton Nhị với mong muốn thành người tốt khi chứng kiến cảnh bố thường xuyên đánh mẹ. Ảnh Xuân Trung
Đặng Ton Nhị với mong muốn thành người tốt khi chứng kiến cảnh bố thường xuyên đánh mẹ. Ảnh Xuân Trung
Mỗi HS có 600đ/ tiền thức ăn mỗi bữa

Thầy giáo Vũ Trường Thanh, hiệu trưởng trường cấp II Nậm Mười cho biết, trường có 246 học sinh, phần lớn là dân tộc Dao (98%) còn lại là Mông và Kinh. “Do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, điểm xa nhất cách trường hơn 20 km là bản Khe Trang và Nậm Piếu, những bản này lại có nhiều học sinh nên nhà trường bố trí để các em ở nội trú.

Hiện toàn trường có 15 phòng nội trú với 173 em ở. Các em ở đây phải tự túc tiền ăn, mỗi em chỉ có 600 đồng tiền thức ăn/bữa. Ngoài ra, các thầy cô cũng huy động đóng góp thêm mỗi thầy cô 20.000/tháng để cải thiện bữa ăn cho các em”.

Ở các trường cấp I và cấp II, ngoài các khoản thầy cô ủng hộ thêm, nhà trường còn được sự bảo trợ của hai cơ quan là Văn phòng huyện ủy và Phòng LĐTB&XH huyện, nơi đây mỗi tháng cũng quyên góp được một chút tiền cho các em có bữa ăn ngon hơn.

Cái thiếu thốn bây giờ mà theo thầy Thành là văn hóa. Tại trường, các em bán trú muốn xem tivi cũng không có, các em phải đi vào nhà dân mới xem được. Hơn nữa, tập tục nghỉ học về nhà làm vào mùa đông này khiến các thầy cô lại bắt đầu lo.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn

Xuân Trung