Trung - Mỹ chạy đua vũ khí siêu thanh sẽ đặt thế giới trước nhiều rủi ro

16/01/2018 07:00
Phạm Doãn Tình
(GDVN) - Cuộc đua này cũng đặt cục diện an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước những thách thức mới, khi Trung Quốc sở hữu các loại vũ khí tiên tiến.

Ngoài cuộc chiến thương mại dự báo nhiều căng thẳng, một cuộc chạy đua nữa cũng không kém phần gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đó chính là cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh.

Những năm gần đây, sự tiến bộ trong chế tạo vũ khí siêu thanh và sự triển khai chiến lược loại vũ khí này đang có tác động sâu sắc tới khả năng leo thang trong cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh.

Vũ khí siêu thanh có tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5), thậm chí lớn hơn.

Loại vũ này được giới chuyên gia nhận định có khả năng tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới chỉ trong một giờ đồng hồ.

Và nó có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa ở thời điểm hiện tại để tấn công vào các mục tiêu nhạy cảm nhất như sở chỉ huy, kho vũ khí hạt nhân của đối phương…

Vào tháng 11/2017, Hải quân Hoa Kỳ đã thử thành công một đầu đạn cơ động siêu thanh Prompt Global Strike.

Đầu đạn này còn được biết đến với tên gọi vũ khí tấn công nhanh toàn cầu, có khả năng cài đặt vũ khí hạt nhân ở trong đó và được gắn lên đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa. [1]

Loại vũ khí siêu thanh AHW của Hoa Kỳ (Ảnh: AP)
Loại vũ khí siêu thanh AHW của Hoa Kỳ (Ảnh: AP)

Washington đang kỳ vọng loại đầu đạn cơ động siêu thanh sẽ cho phép quân đội Mỹ tấn công chính xác bất kỳ địa điểm nào trên trái đất chỉ trong vòng một giờ.

Nó không chỉ được trang bị trên tên lửa đạn đạo mà có thể tiến tới trang bị cả trên thế hệ máy bay ném bom vũ trụ trong tương lai.

Để hoàn thiện các công nghệ liên quan, Cơ quan phụ trách các dự án tương lai thuộc Lầu Năm Góc đã giới thiệu dự án Falcon, nhằm hợp tác với Không quân Hoa Kỳ để phát triển phương tiện bay siêu thanh không người lái trên quỹ đạo thấp của trái đất.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa hành trình siêu thanh.

Trong vài năm qua, Hoa Kỳ đã phát triển được tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Waverider có khả năng đạt tốc độ bay lên đến Mach 5+.

Tuy nhiên Washington cho biết sẽ vẫn cần phải cải tiến thêm nữa vì thời gian để đạt đến tốc độ bay tối đa vẫn còn dài.

Lầu năm góc dự tính, tên lửa hành trình X-51 Waverider có thể được đưa vào trang bị trong quân đội vào đầu những năm 2020 và có thể được trang bị cả trên máy bay ném bom chiến lược B-2 và máy bay cường kích F-35. [2]

Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc có vẻ kín tiếng hơn, nhưng theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, Bắc Kinh cũng đang âm thầm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí siêu thanh chiến lược này.

Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 7 vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới DF-17 được trang bị đầu đạn cơ động siêu thanh, riêng trong tháng 11/2017, Bắc Kinh tiến hành tới hai vụ thử.

Theo giới phân tích quân sự Hoa Kỳ, thế hệ đầu đạn cơ động siêu thanh mà Trung Quốc đang phát triển có thể phù hợp trang bị trên cả tên lửa đạn đạo liên lục địa lẫn tên lửa đạn đạo tầm trung.

Đồng thời, loại vũ khí chiến lược này của Trung Quốc được trang bị công nghệ cho phép tấn công với độ chính xác cao, kể cả khi cơ động ở tốc độ siêu thanh.

Nhiều khả năng đây sẽ là hướng đi của Trung Quốc để phát triển vũ khí diệt các cụm tàu sân bay của đối phương.

Một điểm nữa mà các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ lưu ý là, mặc dù Trung Quốc không tiết lộ bất cứ thông tin nào về quá trình phát triển tên lửa hành trình siêu thanh, nhưng Bắc Kinh đang có những bước tiến rất nhanh chóng trong các nỗ lực nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm loại tên lửa này. [3]

Mô phỏng một loại máy bay siêu thanh của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Mô phỏng một loại máy bay siêu thanh của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng một đường hầm gió đặc biệt, nơi mà các tua-bin cánh quạt cực lớn thổi các luồng gió có tốc độ cực đại, để thử nghiệm các máy bay siêu thanh mà nước này đang phát triển.

Dự kiến đến năm 2020 cơ sở hạ tầng này sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động, điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp sự cố khi các máy bay siêu thanh được thử nghiệm. [4]

Đánh giá về hai chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của Washington và Bắc Kinh, dù chương trình của Trung Quốc tỏ ra khá kín đáo và không minh bạch, nhưng hiện tại có vẻ như Hoa Kỳ đã đạt được bước tiến dài hơn so với Bắc Kinh trong cuộc đua này.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, sự âm thầm của Trung Quốc mới là điều khó lường.

Trong tương lai không xa Bắc Kinh sẽ cho công bố những số liệu đạt được, khi đó có thể Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về chương trình phát triển vũ khí siêu thanh.

Có thể nói, cùng với cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng, thì chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang làm tăng thêm khả năng cạnh tranh, xung đột giữa hai siêu cường này.

Bởi cuộc cạnh tranh, xung đột trên hai lĩnh vực này có thể gây ra áp lực mới, nguy hiểm hơn cho bất kỳ cuộc khủng hoảng hoặc xung đột nào đang phát triển giữa Washington và Bắc Kinh.

Cuộc đua này cũng đặt cục diện an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước những thách thức mới, khi Trung Quốc sở hữu các loại vũ khí tiên tiến và có sức hủy diệt lớn.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.popularmechanics.com/military/research/news/a28940/navy-hypersonic-weapon-prompt-global-strike

[2]http://www.thedrive.com/the-war-zone/11177/heres-how-hypersonic-weapons-could-completely-change-the-face-of-warfare

[3]https://thediplomat.com/2017/12/introducing-the-df-17-chinas-newly-tested-ballistic-missile-armed-with-a-hypersonic-glide-vehicle

[4]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2120072/china-builds-worlds-fastest-wind-tunnel-test-weapons

Phạm Doãn Tình