Dạy thêm tràn lan trái phép, không phải cứ cấm là được

26/01/2018 07:13
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Quan trọng nhất là chế độ lương bổng, đãi ngộ cho nhà giáo phải được cải thiện. Khi họ đủ sống bằng đồng lương thì hiện tượng dạy học thêm sẽ giảm và mất đi.

LTS: Bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và những hệ lụy của nó, tác giả Kiên Trung cho rằng vấn nạn này không thể cấm là được.

Từ đó, tác giả cũng đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng đáng buồn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói, diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam là nơi có số lượng bài viết phản ánh về tình trạng dạy, học thêm tràn lan và trái phép nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Các bài viết đã đánh giá, phân tích rất đúng, chân thực những nguyên nhân, hệ lụy cũng như đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, chấn chỉnh vấn nạn trên.

Mỗi bài viết về dạy học thêm đều nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả cả nước, qua đó số lượng độc giả gửi phản hồi, bình luận ngày càng đông.

Có tác giả, bạn đọc còn đề xuất bãi bỏ hoàn toàn Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nghiêm cấm triệt để dạy học thêm dưới bất cứ hình thức nào.

Có nhà giáo bày tỏ lo lắng, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được thông qua và triển khai đại trà trong một, hai năm tới, liệu có góp phần giảm được dạy học thêm tràn lan và trái phép như hiện nay không?

Mặc dù, các cấp quản lý giáo dục đã sử dụng nhiều biện pháp, quy định, tuyên truyền, thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất, xử phạt hành chính…đối với các đơn vị, cá nhân tổ chức dạy học thêm không đúng quy định nhưng không thể nào ngăn cản nổi một vấn nạn quá trầm trọng và phổ biến ở mọi địa phương, nhất là các thành phố lớn, khu vực kinh tế phát triển.

Dạy thêm tràn lan trái phép, không phải cứ cấm là được ảnh 1Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thừa nhận, hàng năm, đều có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở và phối hợp với các đơn vị khác kiểm tra và kiến nghị xử lý nhiều trường hợp;

Hoặc các địa phương cũng trực tiếp kiểm tra và xử lý những nơi, cá nhân sai phạm, nhưng thực tế vẫn còn chuyện dạy thêm, học thêm sai quy định.

Theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với cấp tiểu học thì nghiêm cấm hoàn toàn việc dạy học thêm các môn văn hóa ở nhà trường, trung tâm và nhà giáo viên.

Tại các nhà trường tiểu học thì thực hiện nghiêm túc, không có chuyện dạy học thêm các môn văn hóa. Nhưng ở nhà riêng của giáo viên (hoặc thuê nhà) thì có mấy ai không dạy học thêm đối tượng học sinh mình đã dạy 1 buổi hoặc 2 buổi trong ngày?

Con em của cán bộ, thầy cô giáo trong trường và ngoài trường đều gửi gắm cho các cô giáo cả.

Họ thừa biết cấp học này là nghiêm cấm dạy học thêm ở mọi hình thức (trừ bồi dưỡng các môn năng khiếu, nghệ thuật) song lại đồng tình và chấp nhận việc học thêm của con em mình và việc dạy thêm của giáo viên.

Như vậy, giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học đều không thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước.

Giáo viên tiểu học thì muốn tăng thêm thu nhập, lấy lý do đồng lương ít ỏi, không đủ sống… Còn phía nhiều phụ huynh có lý do khác, cha mẹ đi làm cả ngày, để con em ở nhà một mình sợ chúng hư hỏng, mất an toàn…., chứ không nặng nề về điểm số, thành tích.

Ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông các nhà trường, trung tâm được cấp quản lý giáo dục cấp giấy phép dạy học thêm khi đầy đủ hồ sơ, tục thủ, điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc, bàn ghế theo quy định.

Giáo viên được dạy thêm trong trường, dạy thêm ngoài trung tâm, nếu những nơi đó được cấp phép.

Phụ huynh, học sinh và dư luận bức xúc ở chỗ một số nhà trường, trung tâm, giáo viên lợi dụng việc cấp giấy phép để chèn ép, dụ dỗ, buộc học sinh phải đi dạy thêm trên danh nghĩa tự nguyện và đồng thuận.

Về tính pháp lý của việc cấp giấy phép dạy thêm theo Thông tư 17 đến nay so với luật đầu tư sửa đổi đã không còn phù hợp nữa.

Vấn nạn dạy, học thêm trái phép tràn lan (Ảnh minh họa: P.L).
Vấn nạn dạy, học thêm trái phép tràn lan (Ảnh minh họa: P.L).

Cụ thể, năm 2016, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Đầu tư, trong đó bổ sung danh mục các ngành nghề có điều kiện, nên dạy thêm, học thêm không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện.

Hoặc theo luật Ban hành những quy phạm pháp luật thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không được ban hành những quy định về thủ tục hành chính. Do đó, việc điều chỉnh Thông tư 17 là cần thiết, để phù hợp với luật pháp hiện hành.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng phân tích, theo luật Đầu tư sẽ không có chuyện cấp phép dạy thêm. Tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu và hội đủ điều kiện chỉ cần đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, để quản lý, kiểm tra, thanh tra được trong khi ngành Giáo dục và Đào tạo có những điều kiện đặc thù, nên vẫn phải có những quy định phù hợp.

Chẳng hạn, về trình độ đào tạo của người dạy, bàn ghế, cơ sở vật chất, không gian sư phạm, sự an toàn cho người học và người dạy…

Những quy định này không phải là tiền kiểm mà là hậu kiểm. Tức là phải có những điều kiện trong quy định của chuyên ngành, để sau này đi kiểm tra thì có căn cứ, nơi nào làm sai với quy định của nhà nước sẽ bị xử lý.

Và quan trọng là làm thế nào để quản lý được, chứ không phải ban hành rồi để đấy.

Quản lý thế nào, những ai tham gia quản lý và làm thế nào cho hiệu quả…, đó là những câu hỏi mà chúng tôi hiện còn lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia và các nhà chuyên môn.

Trong thời gian đến, Vụ Giáo dục phổ thông được giao chủ trì tìm các giải pháp nhằm gỡ các nút thắt trong quản lý vấn đề dạy thêm, tuyển sinh trung học cơ sở và chống lạm thu.

Chúng ta không thể cấm hoàn toàn hoạt động dạy thêm, học thêm bởi đó là một nhu cầu có thật, và không chỉ có ở Việt Nam”, ông Chuẩn nhấn mạnh.

Dạy thêm tràn lan trái phép, không phải cứ cấm là được ảnh 3Dạy thêm chính khóa lan tràn vì miếng ngon khó bỏ, cần liều thuốc cực mạnh

Quan điểm của cá nhân tôi (một thầy giáo, cán bộ quản lý ở trường trung học phổ thông) cho rằng, không phải cái gì ngành giáo dục chúng ta quản lý không được là ra lệnh cấm tiệt.

Trước hết, các văn bản quy định về dạy học thêm sau một thời gian triển khai thực hiện nảy sinh những “lỗ hổng”, hạn chế và bất cập thì cần xem xét, rà soát lại một cách nghiêm túc và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay.

Ủng hộ, đồng tình với việc dạy học thêm đúng quy định, xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh và phụ huynh để củng cố, nâng cao chất lượng dạy học đối với các em học còn yếu và học sinh khá, giỏi.

Lên án và xử lý nghiêm những trường hợp nhà trường, thầy cô giáo chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm, chỉ với mục đích vụ lợi, vì tiền.

Tiếp đến, nhận thức của phụ huynh về giáo dục cần thay đổi, không nặng chuyện khoe mẽ, thành tích, điểm số, bằng cấp của con em, để con trẻ được phát triển tự nhiên, cùng nhà trường xây dựng thói quen, ý thức tự học trong mọi học sinh.

Các nhà trường, giáo viên có hành vi chèn ép, trù dập những em không có yêu cầu học thêm thì chính phụ huynh và học sinh cần dũng cảm, mạnh dạn đấu tranh, tố cáo đến các cấp quản lý giáo dục để họ có trách nhiệm vào cuộc, xử lý.

Đằng này cứ thường cam chịu, sợ đủ thứ, nói ở đâu đâu….làm sao tiêu cực, biến tướng, khổ sở, hệ lụy từ dạy học thêm đỡ bớt nhức nhối?   

Mặt khác, hy vọng nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều đổi mới, cải tiến theo hướng tinh giảm, gần gũi, dễ nắm bắt, bám sát thực tiễn đời sống, chủ yếu phát huy năng lực và phẩm chất người học…sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng dạy học thêm tràn lan và trái phép.

Hơn nữa, công tác kiểm tra, thanh tra dạy học thêm cần có những con người, cán bộ quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm như ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (trong cuộc chiến dành lại vỉa hè cho người đi bộ và mỹ quan của thành phố) thì các tổ chức, cá nhân mới biết sợ hãi, hết đường dạy “chui”, trái quy định của pháp luật.

Quan trọng nhất, căn cơ nhất là đời sống, chế độ lương bổng, đãi ngộ cho nhà giáo phải được cải thiện, nâng cao.

Tôi tin rằng, một khi họ đủ sống bằng đồng lương thì hiện tượng tiêu cực, chèn ép dạy học thêm sẽ tự khắc giảm dần và mất đi.

KIÊN TRUNG