Nhiều người Việt đang lãng phí thời gian!

27/01/2018 06:09
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Thói quen hưởng thụ bù, chi tiêu bù, tình cảm bù... cũng làm chúng ta sống bị động trong cuộc sống.

LTS: Thầy giáo Nguyễn Văn Lự chia sẻ với độc giả những suy nghĩ của mình về cách ứng xử của một bộ phận người Việt đối với thời gian.

Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những hệ quả đáng tiếc nếu như chúng ta lãng phí thời gian.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Văn hóa thời gian của một bộ phận người Việt thể hiện ở cách ứng xử với tự nhiên, với ứng xử xã hội và ứng xử tâm linh, đã và đang trở thành thách thức trong thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng 4.0.  

Vì sao qua nhiều thế kỷ hội nhập, văn hóa thời gian của một bộ phận lớn người Việt vẫn rất khác với người phương Tây?

Người phương Tây tôn trọng và ứng xử theo thời gian chính xác, theo thứ tự, trật tự nghiêm túc còn nhiều người Việt dùng thời gian tùy hứng và lãng phí.

Nhiều người rất coi trọng việc chọn ngày giờ tốt, chọn số đẹp, nhưng lại sử dụng thời gian tùy tiện, nhiều khi không theo quy tắc, quy luật nào.

Cái sự chính xác thời gian xem ra chỉ thấy ở nhà máy hiện đại hay công xưởng sản xuất tư bản hoặc một số lĩnh vực kinh tế, công nghệ cao.

Sống chậm đủng đỉnh “chén nước, miếng trầu”; hoặc sống nhanh gấp gáp, nhanh và ẩu có thể đã thành lối mòn tư duy làm hại chúng ta!

Ngược lại, nhịp sống, công việc của người phương Tây theo tác phong công nghiệp, tiền tính theo giờ, thời giờ là tiền nên họ làm ra làm, chơi ra chơi.

Từ bao giờ, nhiều người Việt đã thờ ơ với văn hóa thời gian? (Ảnh: molisa.gov.vn)
Từ bao giờ, nhiều người Việt đã thờ ơ với văn hóa thời gian? (Ảnh: molisa.gov.vn)

Dân ta dùng nhiều thời giờ đủng đỉnh ăn nhậu lai rai, lướt web, hay chuyện gẫu.

Văn hóa thời gian từ từ trong bước đi thong thả, lời nói vòng vo và cách nghĩ, cách làm “không vội được đâu”;

Và suy rộng ra là cách sống an phận của không ít người dân mình hiện nay đã giảm thu nhập, giảm của cải vật chất và chất lượng cuộc sống chậm được cải thiện.

Văn hóa thời gian theo quan niệm sống nhanh, sống chậm hay sống nhịp nhàng đều có tác động hai mặt tích cực và tiêu cực.

Nhiều lĩnh vực kinh tế, sản xuất và đời sống nước ta đã bắt kịp tốc độ thế giới nhưng văn hóa thời gian cao su trong nhiều lĩnh vực đời sống và các tầng lớp cán bộ và nhân dân còn khá nặng nề và nguy hại.

Người ta vội vàng chen lấn, chỉ vì vài phút, vài giây bất chấp tính mạng và lợi ích người khác.

Người ta làm nhanh, làm ẩu, ít chú ý đến danh dự và trách nhiệm trong hành động nhưng lại ngồi than trách số phận và tin vào may rủi…  

Nhiều người Việt đang lãng phí thời gian! ảnh 2“Chúng ta đang làm thanh niên lãng phí thời gian”

Ta đã bỏ phí bao nhiêu trong quãng ba vạn sáu ngàn ngày? Một tờ lịch lật đi, một tuần mới bắt đầu, nhịp sống lặp lại như một chu trình khép kín.

Mỗi người cảm nhận và sử dụng văn hóa thời gian một cách để nhận và cho những gì thời gian ban tặng và lấy lại.

Thời gian vốn công bằng và cũng nghiêm khắc. Đời ta cuồng theo vòng quay vô vàn mâu thuẫn từ khi chào đời đến khi thành cát bụi!

Không ai tránh được sinh - lão - bệnh - tử, không ai sống mãi và cũng không ai buồn khổ, nghèo đói mãi.

Nếu ứng xử tốt văn hóa thời gian, con người sẽ luôn được tự do, được tôn trọng và thư thái cả trong công việc, trong tư tưởng, tình cảm và cả thế giới tâm linh huyền bí.

Ta bất lực hay ta đã bỏ phí thời gian vàng ngọc? Ta chưa nỗ lực hay ta mải rong chơi đến nỗi sống phí sống hoài trong vòng xoáy của số phận?

Tự bao giờ, nhiều người Việt đã thờ ơ với văn hóa thời gian?

Tự bao giờ, một bộ phận lớn người Việt ta chưa đồng tâm quý trọng và tiết kiệm thời gian để cuộc mưu sinh đỡ vất vả, để hạnh phúc sẽ vững bền?

Dù người Việt có thêm một tháng (năm nhuận) thì chúng ta vẫn chỉ có chừng ấy việc cho một đời người và chúng ta vẫn đi sau người phương Tây hàng thế kỷ!

Biết rằng không ai mang được tài sản sang cõi bên kia và cũng không ai chỉ ngồi chờ thời gian.

Sử dụng văn hóa thời gian chưa đúng và kém hiệu quả làm chúng ta khổ sở, xót xa và nuối tiếc.

Nhiều người Việt đang lãng phí thời gian! ảnh 3"Chúng ta lãng phí thời gian dùng mạng xã hội cho những việc vô bổ"

Chúng ta đã sử dụng thời gian và tiền của vô cùng lãng phí khi tạo ra số trí thức thất nghiệp lên tới hàng trăm nghìn người hàng năm.

Hiện nay, nhà nước ta đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp từng bước giải quyết sự mất cân đối cung và cầu nhân lực qua đường lối đổi mới giáo dục toàn diện sau năm 2019.

Dù chúng ta đang sống trong no đủ và hạnh phúc, yên bình và tươi vui hôm nay thì vẫn cần phải đặt ra câu hỏi: Bao giờ dân ta thực sự biết tiết kiệm thời gian?

Văn hóa thời gian đánh giá và phản ánh phẩm chất thực sự của một con người trong những công việc hàng ngày tháng. Nó cũng là cách tự trọng mình và tôn trọng người khác.

Thói quen tranh thủ thời gian, làm tranh thủ, ngủ tranh thủ, ăn tranh thủ, nghĩ tranh thủ, yêu tranh thủ… là lề thói làm việc không rõ mục tiêu, không kế hoạch.

Thói quen thời gian bù, nghỉ bù, làm bù, hưởng thụ bù, chi tiêu bù, tình cảm bù cũng làm chúng ta sống bị động trong cuộc sống.

Hạnh phúc, phồn vinh của người Việt rõ ràng tùy thuộc vào cách ứng xử với thời gian. Mỗi người làm việc và sống đúng văn hóa thời gian sẽ góp phần cho xã hội văn minh, hiện đại, sẽ giúp chúng ta thực sự vươn lên với các cường quốc trên thế giới.

Muốn vậy, chúng ta phải tự thay đổi chính mình, thay đổi nhận thức và cách thức sử dụng thời gian và góp phần làm thay đổi cách ứng xử với văn hóa thời gian của toàn xã hội. Để ta thấy mỗi ngày trôi qua, mỗi năm trôi qua càng thêm ý nghĩa và thanh thản, yên vui và hạnh phúc.

Nguyễn Văn Lự