Phận mồ côi nơi cửa Phật

11/02/2018 07:18
Minh Ngọc
(GDVN) - Tất cả các em đều nghèo, đều khổ, bất hạnh nhưng luôn phấn đấu và cố gắng cho tương lai. Chốn cửa thiền Phật pháp nhiệm màu, mọi giấc mơ đều là có thể.

Chúng là những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ khuyết tật phải chịu số phận hẩm hiu của cuộc đời. Nhưng trong những đôi mắt buồn của tuổi thơ, chúng vẫn luôn phấn đấu và cố gắng cho tươi lai của đời mình.

Chốn cửa thiền Phật pháp nhiệm màu, mọi giấc mơ đều là có thể.

Phận mồ côi nơi cửa Phật

Chùa Thanh Sơn, nằm bên đầm Thủy Triều (Cam Hải Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa) gần 20 năm trước, nơi đây vốn chỉ là một ngôi chùa bỏ hoang cũ nát, thế nhưng chỉ sau chừng ấy thời gian, nơi đây đã trở thành mái ấm cho những mảnh đời nhỏ bé bất hạnh.

Chùa Thanh Sơn vốn bị bỏ hoang từ năm 1939 đến năm 1995. Thấy chùa lớn bị bỏ hoang, theo yêu cầu của người dân, giáo hội Phật giáo đã bổ nhiệm thầy Thanh Quang về làm trụ trì của chùa năm 1996.

Sư thầy Thích Thanh Quang trụ trì ngôi chùa này đã đón những đứa trẻ đầu tiên về đây khi sư thầy không cầm lòng thấy cảnh hàng ngày chúng lang thang trên đường phố, đêm về vạ vật ngủ ngoài hè, trong nhà ga, trên những cái sạp ở chợ trong mưa gió bão bùng, trong đói rét và biết bao hiểm nguy rình rập…

Từ đó, gặp những đứa trẻ lang thang, mồ côi, ăn xin…, bà con lại đưa chúng đến chùa. Nhiều em sau khi trải qua những tháng ngày bơ vơ trên đường phố đã kéo nhau về đây xin tá túc như chốn dung thân cuối cùng của niềm tin. 

Một góc chùa Thanh Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Một góc chùa Thanh Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Thanh Sơn cho biết: “Trên những nẻo đường khất thực, tôi đã gặp và thu nhận 107 em nhỏ, có 17 người khuyết tật, có người lành lặn, có ấu nam, ấu nữ.

Nhưng tất cả các em đều lớn lên như bao người bình thường. Tôi đã làm tất cả cho các em, và mong các em có tương lai tốt đẹp nhất”.

Hiện nay, “dân số” của chùa là 134 người, gồm cả trẻ em và người già, tàn tật. Đại đức Thích Thanh Quang chia sẻ, để đảm bảo bữa ăn cho những con người nơi đây, một bữa cơm chùa có khi phải dùng đến hơn 13 cân gạo, các em lúc nhỏ và lúc lớn, lượng lương thực tiếp nhận đều khác nhau, nên dù chùa không lớn lắm, nhưng những người phụ trách nấu nướng đều rất vất vả.

Họ luôn phiên nhau vào bếp, mỗi ngày vài người. Ngôi chùa là nơi cư trú của một đại gia đình, mọi người đều là thân thiết.

Những đứa trẻ mồ côi trong chùa. Ảnh: Minh Ngọc
Những đứa trẻ mồ côi trong chùa. Ảnh: Minh Ngọc

Chùa Thanh Sơn, nằm bên đầm Thủy Triều vừa xanh mát lại trù phú thủy sinh, khách thập phương phúng viếng và cúng dường đông đúc, cũng nhờ đó mà chùa có thêm kinh phí để nhận nuôi và chăm sóc các em nhỏ lang thang, người già cơ nhỡ.

“Mỗi tháng phải mất hơn 30 triệu để chăm sóc các thành viên mà nhà chùa đã cưu mang, số tiền này phần lớn là do các Phật tử tứ phương cúng dường, phát tâm mà có được.

Dù vậy, vẫn không đủ, nhà chùa phải chăm sóc thêm cây hoa để có thể phụ giúp các em lúc ốm đau, học hành”, sư thầy Thích Thanh Quang cho hay.

Tiếng học bài dưới mái chùa tình thương

Đại đức Thích Thanh Quang kể chuyện về cư dân “trẻ” nhất chùa là cậu bé Chế Trường Xuân (3 tuổi), bị mẹ bỏ rơi trước cửa chùa khi mới 1 ngày tuổi.

Nhờ tình thương của thầy Quang, sự tận tụy của bà Phạm Thị Hương (thường gọi là bà Ba) và những đứa trẻ có chung hoàn cảnh khác, bé Xuân lớn lên từng ngày, khôi ngô, khỏe mạnh.

“Bé Xuân bị mẹ bỏ rơi khi vừa mới sinh ra. Người ta không biết cha mẹ bé là ai. Họ hàng thân thích cũng chẳng có.

Các sư thấy bé có hoàn cảnh không may, không người chăm sóc nên nhận nuôi. Chẳng ai biết tên bé tên gì nên các sư thầy gọi bé là Trường Xuân, một cái tên gợi lên sự vĩnh cử của mùa xuân.

Hồi đó đời sống cơ cực lắm. Mỗi lần đi nương trồng khoai trồng sắn, các sư phải cầm theo cái nón để xin tiền mua sữa, mua thức ăn mặn nuôi bé vì không thể để bé ăn chay như các sư được”, bà Phạm Thị Hương nhớ lại. Đó chỉ là một trong rất nhiều những hoàn cảnh đặc biệt nơi cửa phật này.

Chùa Thanh Sơn, đã có những sinh viên đại học y dược, khoa học tự nhiên, năm cuối. Trẻ em nhà chùa nuôi dưỡng đến tuổi đều được đi học, nếu các em học lên cao hơn, nhà chùa vẫn sẵn sàng xin tài trợ cho các em. Điều đáng quí chính là các em khi lớn lên đều trưởng thành và là người có học, không hư hỏng.

Hơn 107 học sinh hiện nhà chùa đang nuôi dưỡng đều có kết quả học tập khá, giỏi. Các em đều trưởng thành với thể trạng tốt, trừ những người bị khuyết tật bẩm sinh, bệnh kinh niên. Với những em nhỏ, sự chăm sóc trong lúc ốm đau, đêm khóc thực sự là điều không hề dễ dàng.

Một buổi học Kinh Phật của những đứa trẻ mồ côi trong chùa Thanh Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Một buổi học Kinh Phật của những đứa trẻ mồ côi trong chùa Thanh Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sư Thanh Nguyên, chùa Thanh Sơn cho biết: “Các em đều được nhà chùa nuôi dưỡng đến cùng với ước mong thành đạt, nên người, nhà chùa hoàn toàn vì tương lai các em”.

Ngày bình thường, nếu ghé thăm chùa Thanh Sơn sẽ rất khó gặp các em nhỏ trong chùa, vì các em phải học hành và tụng niệm pháp kinh.

Sau khi rời trường trở về chùa, các em được tự do vui chơi khắp mọi nơi, nhưng không được vi phạm giáo điều pháp lý, ngoài ra, vì có đầm Thủy Triều ngay trước mặt nên phải cẩn thận để tránh đuối nước.

Học thêm là khái niệm rất ít khi tồn tại nơi cửa Phật này, dù vậy các em vẫn học hành đạt kết quả cao.

“Các em ở đây ít học thêm lắm, dù vậy, vẫn đạt thành tích khá giỏi, nhiều em đã đỗ đạt cao. Trong cuộc sống các em vẫn chăm ngoan, nghe lời thầy cô và sư phụ trong chùa.

Chúng tôi thấy chỉ cần cho các em học tốt chương trình ở trường là đủ rồi, nếu các em có nhu cầu học thêm, chúng tôi vẫn cung cấp cho các em kinh phí để theo học.

Tất cả các em đều được bình đẳng trong việc học hành”, một sư thầy khẳng định chắc chắn như vậy.

Cảnh học tại lớp 5 của chùa (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cảnh học tại lớp 5 của chùa (Ảnh: tác giả cung cấp).

Những đứa trẻ được đưa đến đây dưới sự cưu mang của nhà chùa đều nghe theo tiếng gọi của Phật pháp, chúng đã tìm được bến đỗ bình yên, một cuộc đời mới cho chính mình.

Có đứa trẻ đã 15 tuổi nhưng chỉ mới học hết lớp 6, có người nhà nghèo không biết chữ, vào chùa học mới biết chữ, lại có người vào chùa từ khi mới lọt lòng, bị bỏ rơi, không người nuôi nấng. Tình người đã níu kéo tất cả những con người ấy.

Trường hợp Chế Trung Chỉnh, pháp danh Trừng Tuân, được nhiều người nhắc đến. Hồi ấy Chỉnh đến chùa khi mới 14 tuổi, đang học dở lớp 3.

Chỉnh bị khuyết tật hai chân, nhờ có nhà chùa chăm lo, chạy chữa nên đã đi đứng lại bình thường.

Hay như trường hợp của Vũ Tiến Trình, quê tại Ninh Hòa – Khánh Hòa, có cha mẹ chết trong tai nạn giao thông, sau hơn 10 năm tu học trong chùa đã tốt nghiệp Đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành một kĩ sư có tiếng.

Với sự tài trợ của công ty Khánh Việt, những trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, sau khi học xong chương trình phổ thông sẽ được nhận vào công ty làm việc.

Sư thầy Thích Thanh Quang hồ hởi cho biết: “Nhà chùa rất mong mỏi năm mới các em học hành thành công hơn, tiến xa hơn và có nhiều thành tích tốt, là con ngoan trò giỏi!”.

Nụ cười của một cô bé trong lớp học tình thương ở chùa Thanh Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Nụ cười của một cô bé trong lớp học tình thương ở chùa Thanh Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trong bữa cơm trầm lắng nơi cửa chùa của những mảnh đời bị bỏ rơi luôn lắng đọng một nỗi niềm sâu thẳm.

Có được chốn ăn, ngủ nhưng những trái tim nhỏ bé vẫn khát vọng cháy bỏng về một người mẹ, một gia đình của mình.

Nhưng trong nỗi bất hạnh đó, những đứa trẻ ấy vẫn có được những niềm vui, kèm theo đó là giấc mơ về tương lai tốt đẹp.

Tất cả các em đều nghèo, đều khổ, bất hạnh nhưng luôn phấn đấu và cố gắng cho tương lai của đời mình. Chốn cửa thiền Phật pháp nhiệm màu, mọi giấc mơ đều là có thể.

Minh Ngọc