Thầy trò trường Tiên Yên đêm ngày "ngồi trên đống lửa"

05/02/2018 06:00
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Trường tư xây dựng hoành tráng, cơ sở vật chất thừa vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng để rồi sau đó xuất hiện đề án trường công bị xem xét chuyển đổi, sáp nhập.

Ngày 2/2, Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Tân, Hiệu trường Trường Trung học phổ thông Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết từ sau khi có văn bản xem xét chuyển đổi mô hình, sáp nhập với trường tư đã khiến cho cả học sinh và thầy cô luôn trong tâm trạng bất an.

Theo thầy Tân, Ban giám hiệu nhà trường đã làm công tác tư tưởng, trấn an cho cả thầy cô và học trò vì đây mới chỉ là xây dựng đề án chứ chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, thầy trò trường Tiên Yên vẫn như ngồi trên đống lửa.

Đề án “xoá sổ” trường công

Theo tìm hiểu, việc xem xét chuyển đổi Trường Tiên Yên ra ngoài công lập xuất phát từ đề án sáp nhập của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hợp Tiến (chủ đầu tư Trường trung học phổ thông tư thục Nguyễn Trãi tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên).

Cụ thể, tháng 11/2017, Công ty Hợp Tiến có trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề án sắp xếp mô hình quản lý, sắp xếp lại trường Tiên Yên với Trường Nguyễn Trãi.

Theo đề án này, Công ty Hợp Tiến cho rằng Trường Tiên Yên với 36 giáo viên, hơn 560 học sinh nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, đã xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo đạt chuẩn.

Trường Tiên Yên có bề dày thành tích hơn 50 năm có thể bị xoá sổ bởi đề án chuyển đổi, sáp nhập
Trường Tiên Yên có bề dày thành tích hơn 50 năm có thể bị xoá sổ bởi đề án chuyển đổi, sáp nhập

Trong khi đó Trường Nguyễn Trãi của Công ty Hợp Tiến có khuôn viên rộng 3,7ha được đầu tư hoành tráng có khu phòng học 3 tầng khang trang với 21 phòng, khu hiệu bộ 17 phòng, khu ký túc xá 15 phòng, khu nhà công vụ cho giáo viên 18 phòng cùng các công trình phụ trợ nhà ăn, nhà đa năng, giáo dục thể chất, nhà xe.

Công ty Hợp Tiến đề nghị tỉnh Quảng Ninh cho sáp nhập hai trường với nhau, sử dụng cơ sở vật chất đã và đang đầu tư của Trường Nguyễn Trãi, lấy tên Trường trung học phổ thông Tiên Yên.

Sau khi có đề xuất này, ngày 19/1, bà Vũ Thị Thuỷ, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ký văn bản giao huyện Tiên Yên chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và Công ty Hợp Tiến xây dựng đề án chuyển đổi mô hình Trường Tiên Yên từ công lập ra ngoài công lập.

Ngày 23/1, Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Yên có văn bản giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với Trường Tiên Yên, Công ty Hợp Tiến tham mưu xây dựng đề án trình lãnh đạo huyện trong tháng 1/2018.

Thầy trò cùng ngồi trên đống lửa

Ngày 24/1, khi chủ trương chuyển đổi, sáp nhập được nhà trường chính thức công bố, hàng trăm thầy trò, phụ huynh Trường Tiên Yên đã như ngồi trên đống lửa. Phụ huynh có đơn kiến nghị, học sinh gửi thư ngỏ tới những người có trách nhiệm xin sớm bãi bỏ đề án này để các em không bị hoang mang.

Em N.T.N. học sinh lớp 12A1 Trường Tiên Yên cho biết hầu hết học sinh trong trường lo lắng vì so sánh về kết quả học tập giữa Trường Tiên Yên với Trường Nguyễn Trãi chênh nhau một trời một vực, điều này thể hiện qua tỉ lệ thi đỗ đại học và các kỳ thi học sinh giỏi.

Cụ thể, năm học 2016-2017, Trường Tiên Yên đạt 41 giải học sinh giỏi cấp tỉnh còn Trường Nguyễn Trãi không có một giải gì kể cả khuyến khích. Năm học 2015-2016, Trường Tiên Yên đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, Trường Nguyễn Trãi chỉ có một giải khuyến khích.

“Tất cả học sinh ở huyện cháu học hết lớp 9 đều khát khao được vào trường Tiên Yên. Chỉ những bạn nào học kém mới phải vào Trường Nguyễn Trãi, chẳng phải phấn đấu gì cứ đăng ký là vào học, học hành chấn chơ cũng có điểm cao. Thế mà bắt chúng cháu nhập vào trường đó thì làm sao chúng cháu phản đối” – N. nói.

Theo em D.T.H., học sinh 12A1 Trường Tiên Yên, trước chủ trương chuyển đổi, sáp nhập này, các em không chỉ lo việc học hành bị sa sút mà còn canh cánh nỗi lo gánh nặng đóng góp ở trường tư, nhất là những bạn dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu.

Thầy trò trường Tiên Yên đêm ngày "ngồi trên đống lửa" ảnh 2Trường trung học công lập 50 tuổi ở Tiên Yên có nguy cơ...giải tán

Trong số 560 học sinh Trường Tiên Yên có một nửa là học sinh dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu. Học trường công các em chỉ phải đóng học phí 20 nghìn đồng/ tháng nhưng do đa số gia đình đều khó khăn nên có nhiều em tới kỳ không có tiền đóng, thầy cô phải ứng ra trước, hết năm gia đình mới thu xếp trả được.

“Nếu mà sang trường tư, mức học phí gấp 20 lần thì các bạn ấy làm sao xoay xở được, tâm lý chung đều hết sức lo lắng, nhiều bạn chỉ có nước nghỉ học” – H. nói.

Cũng như học sinh, hầu hết giáo viên Trường Tiên Yên những ngày qua luôn trong tâm trạng lo lắng. Theo các thầy cô, mọi người đều không đồng tình với chủ trương chuyển đổi này bởi ngôi trường chính của huyện có bề dày thành tích hơn 50 năm sẽ bị xoá sổ, dù có thể cái tên vẫn còn được giữ lại.

Nhiều thầy cô Trường Tiên Yên tham gia thỉnh giảng ở Trường Nguyễn Trãi cũng đồng cảm với nỗi lo của học sinh vì môi trường học tập ở hai ngôi trường này khác xa nhau.

Theo các thầy cô, ở Trường Nguyễn Trãi tình trạng cắt xén tiết học, học sinh không học vẫn cho điểm cao diễn ra không ít.

Các thầy cô lo lắng vì hiện họ đang là viên chức nhà nước khi chuyển đổi, sáp nhập vào trường tư thục, họ đương nhiên trở thành người làm thuê cho ông chủ tư nhân, tương lai sẽ không biết đi về đâu.

Bởi thực tế, khi tham gia thỉnh giảng ở đây, họ không được trả tiền thừa giờ nhưng cũng không biết kêu ai. Giáo viên dạy tại đây, một giáo viên phải dạy nhiều môn, không được thanh toán chế độ thừa giờ. Vì thế, dù đã thành lập 12 năm nhưng đội ngũ cán bộ giáo viên của trường này không ổn định.

Hơn nữa, khi trở thành lao động của doanh nghiệp, thầy cô về hưu mức lương sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức lương hưu của viên chức vì cách tính lương hưu khác nhau.

Thôn tính để độc quyền?

Được biết, lý do chính mà Trường công lập Tiên Yên phải xem xét chuyển đổi ra ngoài công lập, sáp nhập do cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Cụ thể, trường có 2 dãy phòng học một dãy hai tầng được xây dựng từ năm 1970, một dãy một tầng được xây dựng từ năm1990. Huyện Tiên Yên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng trường đã xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây dựng lại ở vị trí khác gần Trường Nguyễn Trãi.

Nhưng tỉnh Quảng Ninh yêu cầu xem xét phương án khác nhằm tiết kiệm tiền cho ngân sách, đồng thời cắt giảm đầu mối nên dừng.

Trường Nguyễn Trãi được đầu tư hoành tráng, thừa cơ sở vật chất vẫn tiếp tục được đầu tư để xin... sáp nhập
Trường Nguyễn Trãi được đầu tư hoành tráng, thừa cơ sở vật chất vẫn tiếp tục được đầu tư để xin... sáp nhập

Sau khi có đề án chuyển đổi, sáp nhập của Công ty Hợp Tiến, lập tức Trường Tiên Yên bị xem xét chuyển đổi mô hình dù đây là trường trung học phổ thông công lập chính, có bề dày thành tích nhất ở huyện vùng cao này.

Tuy nhiên, nhà trường cho biết cả hai dãy phòng học của Trường Tiên Yên dù đã cũ nhưng đã được sửa chữa nâng cấp nên chưa tới mức xuống cấp nghiêm trọng.

Phụ huynh và thầy trò Trường Tiên Yên cho rằng lý do cơ sở vật chất xuống cấp không phải là vấn đề bức thiết khiến nhà trường bị xem xét chuyển đổi, sáp nhập.

Theo đó, việc chuyển đổi chỉ hình thành sau khi Trường Nguyễn Trãi được đầu tư xây dựng hoành tráng nhưng chất lượng đào tạo chưa cao, không thu hút được học sinh nên muốn thôn tính Trường Tiên Yên.

Phương án này sẽ khiến phần lớn học sinh ở huyện miền núi này không còn lựa chọn nào khác phải vào học trường tư.

Theo tìm hiểu, mặc dù cơ sở vật chất của Trường Nguyễn Trãi còn dư thừa nhưng hiện trường này đang tiếp tục được Công ty Hợp Tiến đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học cùng 15 phòng ký túc xá (tất cả đã xây xong phần móng).

Dư luận cho rằng việc đầu tư này nhằm đón lõng khi Trường Tiên Yên bị xoá sổ, tạo thế độc quyền ở huyện vùng cao bởi hai trường còn lại ở Tiên Yên là Trường dân tộc nội trú số lượng tuyển sinh hạn chế đối với các xã vùng cao khó khăn, còn Trường Đông Hải chỉ có quy mô tuyển sinh ở ba xã (Đông Ngũ, Đông Hải và Đại Dực).

ĐỖ HOÀNG