Giáo dục đại học nghề nghiệp châu Âu có đặc trưng, cấu trúc như thế nào?(1)

19/02/2018 06:55
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh
(GDVN) - Giáo dục đại học nghề nghiệp (PHE) chỉ là một bộ phận của giáo dục đại học nghĩa rộng (tức Giáo dục sau Phổ thông trung học hay Giáo dục bậc Ba).

LTS: Hiện nay ở Việt Nam việc nghiên cứu thiết kế lại hệ thống giáo dục quốc dân có cấu trúc mở, năng động và thích hợp cho phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29/2013 là một yêu cầu quan trọng và cấp bách.

Quyết định số 1981/QĐ-TTg Thủ tướng ký ngày 18/10/2016 “Phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”, tại khoản 1 Điều 1, đã qui định:

Mục c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; mục d) Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Khoản 4 Điều 2 của Quyết định đã định nghĩa về Giáo dục đại học như sau:

“Giáo dục trình độ đại học và giáo dục trình độ thạc sĩ có hai định hướng nghiên cứu và ứng dụng; giáo dục đại học trình độ tiến sĩ có định hướng nghiên cứu".

Nhưng trên thực tế, cộng đồng học thuật trong nước gần đây đã tranh luận nhiều về phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (1*);

hai bất cập lớn của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại là thất bại trong phân luồng giáo dục và khiếm khuyết của việc phân tầng giáo dục đại học (2*).

Một trong các bức xúc lớn hiện nay trong cải cách thể chế giáo dục đại học (tức giáo dục sau bậc phổ thông trung học (Post secondary; hay Giáo dục bậc Ba - Tertiary education) là phải hài hòa hóa mối quan hệ qua lại giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp với cơ sở giáo dục đại học hàn lâm.

Nghiên cứu tác động của toàn cầu hóa, kinh nghiệm quốc tế hóa vào quá trình thâm nhập, đan xen và tách biệt về sứ mạng, chức năng và cấu trúc hai loại hình giáo dục đào tạo này là rất cần thiết để xác định các yếu tố thành công trong hoạch định chính sách phát triển giáo dục sau phổ thông trung học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam phục vụ những thách thức mới của nền kinh tế số hóa hay còn gọi là Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tiếp theo các bài giới thiệu mô hình Cao đẳng cộng đồng xuất xứ từ Bắc Mỹ với triết lý kép “phát triển nhân đạo và phát triển kinh tế” có quá trình phát triển thăng trầm trong 50 năm qua ở Việt Nam, Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ giới thiệu loạt bài về bức tranh tổng quát Giáo dục đại học nghề nghiệp (Professional Higher Education-PHE) ở châu Âu, nơi sinh ra thuật ngữ này và phân tích đặc điểm mô hình trường đại học ứng dụng ở Phần Lan.

Mục đích của nghiên cứu là giúp bạn đọc hình dung rõ hơn bản chất đa chiều, phức tạp về các đặc trưng, cấu trúc và chức năng của đào tạo đại học nghề nghiệp trong mối quan hệ qua lại với giáo dục đại học truyền thống (university education) ở châu Âu nói chung và quá trình phát triển mô hình trường đại học ứng dụng ở Phần Lan nói riêng.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc kỳ 1 của loạt bài viết này.

Bức tranh chung về giáo dục đại học nghề nghiệp ở châu Âu

Cho đến nay, thuật ngữ giáo dục đại học nghề nghiệp (Professional higher education - PHE) vẫn chưa có một định nghĩa chính xác.

Đây là một từ khóa vạn năng dành cho các chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp tồn tại trong các cấu trúc giáo dục khác nhau ở hầu hết các nước châu Âu để chỉ những cơ sở giáo dục cung ứng chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp (Profession Oriented Higher Education - POHE).

Giáo dục đại học nghề nghiệp (PHE) chỉ là một bộ phận của giáo dục đại học nghĩa rộng (tức Giáo dục sau Phổ thông trung học hay Giáo dục bậc Ba).

Ảnh minh họa: debatingeurope.eu
Ảnh minh họa: debatingeurope.eu

Và do vậy, nó hoạt động bên trong cùng một hình tam giác có 3 đỉnh là Giáo dục - Tạo ra tri thức (nghiên cứu) - Dịch vụ cộng đồng.

Mấy thập kỷ qua, châu Âu đã chứng kiến các quá trình hội tụ và phân kỳ khác nhau trong giáo dục đại học có ảnh hưởng tới nhận thức qua lại giữa giáo dục đại học nghề nghiệp với giáo dục đại học truyền thống.

Một mặt, xu thế tiến triển tự nhiên về học thuật đã thúc đẩy nhiều cơ sở đào tạo phi học thuật (non-academic) tự nhận mình là tương đương với các trường đại học truyền thống, và thường là thành công, (ví dụ trường hợp ở Đức với mô hình Fachhochschulen).

Giáo dục đại học nghề nghiệp châu Âu có đặc trưng, cấu trúc như thế nào?(1) ảnh 2Bộ Lao động đào tạo theo đơn đặt hàng, cả trăm ngàn chỗ làm đang chờ đợi

Mặt khác, sự bùng nổ các lĩnh vực công nghệ và thương mại từ thập kỷ 1970 kết hợp gia tăng số gia đình trung lưu, đã làm tăng đột biến số lượng sinh viên được đào tạo trong các Cao đẳng bách nghệ (Polytechnics) mới thành lập, chủ yếu là ở các nước Tây Âu, ví dụ loại trường Cao đẳng-Đại học (University-College) kiểu trường đại học gạch đỏ (red-brick university) sau khi được chính quyền địa phương trao quyền tự chủ như ở Anh.

Bên cạnh đó, xu thế phát triển đào tạo nghề cũng làm cho nhiều cơ sở giáo dục đại học hàn lâm truyền thống tham gia cung ứng chương trình đào tạo nghề nghiệp.

Thuật ngữ trường đại học ứng dụng (Universities of Applied Sciences-UAS) được dịch từ tiếng Đức Hochschule für angewandte Wissenschaften (HAW).

Hochschulen là thuật ngữ gốc tiếng Đức chỉ các cơ sở đào tạo cấp văn bằng đại học hàn lâm.

Khi tiến trình Bologna bắt đầu thì các trường đại học ứng dụng được phép cấp văn bằng cử nhân và thạc sĩ tương đương văn bằng hàn lâm.

Các nước Thụy Sĩ và Áo đều dùng tên gọi này. Tiếp theo là Hà Lan, Phần Lan và các nước vùng Baltic cũng đi theo ví dụ đó (3*).

Khảo sát năm 2013 của Hiệp hội cơ sở giáo dục đại học châu Âu (EURASHE) ở 15 nước thành viên EU cho biết châu Âu có 3 loại hệ thống cung ứng giáo dục đại học nghề nghiệp như sau:

1) Hệ thống nhất nguyên từng phần (Partial Unitary), nghĩa là giáo dục đại học nghề nghiệp được cung ứng trong cơ sở đào tạo chuyên ngành nằm trong đại học (University), ví dụ như ở Pháp và Slovenia;

2) Hệ thống nhị nguyên (Binary/Dual), nghĩa là giáo dục đại học hàn lâm được cung ứng trong trường đại học truyền thống (University);

Và giáo dục đại học nghề nghiệp được cung ứng trong cơ sở đào tạo chuyên ngành như thường thấy ở các nước Lithuania, Estonia, Cộng hòa Séc, Malta, Hà Lan, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Đức;

3) Hệ thống hỗn hợp là hệ thống nhị nguyên không phân biệt rõ ràng giữa đại học hàn lâm (university) và các cơ sở giáo dục đại học khác;

Nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học hàn lâm có thể cung ứng giáo dục đại học nghề nghiệp hoặc các cơ sở giáo dục đại học nghề nghiệp có thể cung ứng giáo dục hàn lâm, ví dụ như ở Ba Lan và Flanders.

Giáo dục đại học nghề nghiệp (PHE) ở châu Âu có các nét đặc trưng gì?

Kết quả cuộc khảo sát nói trên với các bên liên quan tham gia vào đặc trưng hóa giáo dục đại học nghề nghiệp đưa ra tỷ lệ trả lời trên 50% như sau:

Giáo dục đại học nghề nghiệp châu Âu có đặc trưng, cấu trúc như thế nào?(1) ảnh 3Sự phát triển của mô hình Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam

Giáo dục đại học nghề nghiệp (PHE) nhấn mạnh vào học ứng dụng thực hành (59%);

Chương trình đào tạo này đặt trọng tâm vào các bình diện thực tiễn và các thành tố phát triển kỹ năng và năng lực (56%);

Trong chương trình giáo dục đại học nghề nghiệp có các giai đoạn mở rộng trải nghiệm thực hành dưới dạng thực tập (internships) hay tập sự (56%).

Ngoài ra, kết quả trả lời khác cũng cho tỷ lệ dưới 50% về các đặc trưng sau:

Kết hợp các thành tố đào tạo hàn lâm với đào tạo nghề nghiệp;

Chương trình học nhấn vào bình diện thực hành của một số nghề cụ thể (44%);

Hợp tác giữa các cơ sở đào tạo giáo dục đại học với công nghiệp có kèm theo nghiên cứu và giáo dục (42%)

Đặt trọng tâm mạnh vào ứng dụng thực tiễn công tác nghiên cứu (40%);

Nhà trường phải cung ứng giáo dục và đào tạo để cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn của sinh viên có kinh nghiệm làm việc (tức là đào tạo tại chức) (33%);

Nhà trường cung ứng trình độ chuyên môn cho các nhóm học viên phi truyền thống (học viên lớn tuổi, nhóm chịu thiệt thòi với cơ chế học tập linh hoạt (13%)

Có thể nói rằng các ranh giới ban đầu giữa giáo dục hàn lâm thuần túy và đào tạo nghề nghiệp là không rõ nét.

Xét trên quan điểm của lĩnh vực đào tạo đại học nghề nghiệp, luôn luôn có nội dung giáo dục đại cương trong chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, và chính thành tố này làm cho nó thuộc về “Giáo dục đại học”.

Sự chuyển dịch mô hình sang chương trình đào tạo dựa trên kết quả đầu ra học tập, cùng với kết hợp đúng đắn các kỹ năng dạy nghề, kỹ thuật và kỹ năng nhân văn đại cương hơn đã củng cố quan niệm và nhận thức cho rằng giáo dục đại học nghề nghiệp chỉ là một “biến dạng” của Giáo dục đại học.

Khung trình độ chuyên môn châu Âu 8 bậc (Europian Qualifications Framewok) xếp lĩnh vực giáo dục đại học thuộc các bậc từ 5 đến 8.

Kết quả khảo sát của Hiệp hội giáo dục đại học châu Âu cho thấy, căn cứ mức độ kết quả đầu ra học tập, có 8 nước thành viên cung ứng chương trình giáo dục đại học nghề nghiệp ở bậc 5 là: Pháp, Flanders, Croatia, Ireland, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia.

Tất cả 15 nước được khảo sát đều cung ứng giáo dục đại học nghề nghiệp ở bậc 6; có 9 nước cung ứng giáo dục đại học nghề nghiệp ở bậc 7 là Cộng hòa Séc, Đức, Phần Lan, Pháp, Croatia, Ireland, Balan và Bồ Đào Nha.

Duy nhất chỉ có Ireland cung ứng giáo dục đại học nghề nghiệp ở bậc 8.

Để hiểu rõ hơn bản chất và đặc trưng của giáo dục đại học nghề nghiệp châu Âu, chúng ta sẽ đi xem xét mô hình trường đại học ứng dụng (UAS) Phần Lan qua 3 giai đoạn phát triển của nó dưới đây.

Giáo dục đại học nghề nghiệp ở Phần Lan hình thành như thế nào?

Giáo dục đại học nghề nghiệp châu Âu có đặc trưng, cấu trúc như thế nào?(1) ảnh 4Giáo dục Việt Nam ở đâu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư?

Mấy thập kỷ qua, giáo dục đại học Phần Lan đã phát triển một cách hệ thống dựa trên mô hình nhị nguyên (Dual model).

Bên cạnh hệ thống giáo dục đại học truyền thống (university education), đã xuất hiện một phân hệ giáo dục đại học nghề nghiệp mới (new PHE) hình thành mạng lưới các trường đại học ứng dụng (universities of applied sciences - UAS).

Qua việc phân tích các giai đoạn phát triển khác nhau của loại hình trường đại học ứng dụng Phần Lan, đồng thời xem xét các thảo luận của giới học thuật về chủ đề đại học ứng dụng tiến triển như thế nào, trên cơ sở đó có thể rút ra một số suy nghĩ và bài học thích hợp cho Việt Nam trong quá trình tìm kiếm lý luận và áp dụng hình thành loại hình cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng trong Giáo dục nghề nghiệp (nghĩa là Giáo dục sau bậc Phổ thông trung học).

Quá trình hình thành phát triển các trường Đại học ứng dụng ở Phần Lan

Sự phát triển loại hình trường đại học ứng dụng (university of applied sciences-UAS) ở Phần Lan được chia thành 3 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn 1: là thời kỳ thử nghiệm một phân hệ giáo dục đại học nghề nghiệp từ 1992 đến 2000 sau khi chính thức hóa đưa phân hệ này vào hoạt động từ 1996.

Các cơ sở giáo dục đại học ứng dụng được thành lập trên cơ sở trường cao đẳng Bách nghệ (Polytechnics) hay học viện dạy nghề (Vocational Institute) nhằm mục đích đạt địa vị của cơ sở giáo dục đại học bằng cách thiết kế chương trình đào tạo và đưa ra loại thực tiễn sư phạm kiểu mới.

Cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa giáo dục nói chung với cả Giáo dục nghề nghiệp lẫn Giáo dục đại học hàn lâm là nét đặc trưng của giai đoạn I này.

Giai đoạn 2: ngay từ đầu những năm 2000, việc củng cố địa vị trường Đại học ứng dụng đã chiếm vị trí nổi bật với trọng tâm mở rộng chức năng cốt lõi loại hình trường này và thiết kế nội dung thích hợp với chúng.

Luật trường đại học ứng dụng 2003 (UAS Act 2003) xác định sứ mệnh của loại hình trường này là thực hiện nghiên cứu ứng dụng và phát triển để hỗ trợ phát triển vùng.

Việc kiểm định văn bằng trình độ thạc sĩ nghề nghiệp là bước đi đáng kể đối với loại hình cơ sở giáo dục đại học mới này để trở thành trường đại học hợp pháp, và chuyển sang hệ tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu (ECTS) để tuyên bố gia nhập giáo dục đại học châu Âu (EHEA).

Giai đoạn 3: là vào cuối thập kỷ 2000, việc phát triển cấu trúc và đảm bảo chất lượng đã nổi lên như mục đích phát triển chính của các trường Đại học ứng dụng.

Mục tiêu phát triển cấu trúc là hình thành các đơn vị giáo dục đại học lớn hơn thông qua các thỏa thuận hợp tác khác nhau và những hợp nhất các trường.

Các cuộc thảo luận công khai đã nhấn mạnh vào hoạt động đổi mới và cũng là quan niệm cốt lõi trong tranh luận về loại hình trường đại học ứng dụng.

Bảng 1 dưới đây tóm tắt 3 giai đoạn phát triển Giáo dục đại học nghề nghiệp ở Phần Lan:

Thành lập hệ thống trường Đại học ứng dụng 1992–2000

Mở rộng hoạt động và phát triển nội dung 2000–2005

Phát triển cấu trúc từ 2005

Xây dựng chương trình cử nhân đại học ứng dụng

(UAS Bachelor’s Degree programs) từ 1992–1996

Thể chế hóa chính thức hệ thống Đại học ứng dụng từ 1996–2000

Các hoạt động nghiên cứu và phát triển sứ mệnh cơ bản của các Đại học ứng dụng năm 2003

Gia nhập quá trình Bologna thông qua hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu- ECTS

Xây dựng cấu trúc từ 2007 - một cách chi tiết cụ thể

Kiểm định các hệ thống đảm bảo chất lượng từ năm 2005 – Làm nổi bật các hoạt động đổi mới

Còn nữa

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh