Chân dung Hiệu trưởng tương lai qua phác thảo của Bộ Giáo dục

06/02/2018 06:42
Bích Ngọc
(GDVN) - Dự thảo Thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo Thông tư chuẩn hiệu trưởng phổ thông để xin ý kiến các thầy cô giáo và toàn thể xã hội.

Đây là một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực…

Dự thảo Thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; quy định đánh giá, xếp loại hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn.

Hiệu trưởng phổ thông (Ảnh minh họa: NOP17).
 Hiệu trưởng phổ thông (Ảnh minh họa: NOP17).

Hiệu trưởng phổ thông mới được đề xuất tuyển dụng giáo viên

Trong các tiêu chuẩn của hiệu trưởng trường phổ thông, lãnh đạo trường phổ thông phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực.

Gương mẫu chấp hành và tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhà trường.

Phải công bằng, bao dung, vị tha, tôn trọng người khác, trung thực, trách nhiệm với công việc. Có lối sống lành mạnh, chân thành, giản dị, gần gũi với đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.

Người hiệu trưởng mới cũng phải vững vàng về chuyên môn, am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường, sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

Cụ thể phải đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định:

Có kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ giáo viên phát triển nghiệp vụ sư phạm.

Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với hiệu trưởng công tác ở vùng dân tộc thiểu số) và tin học: Sử dụng được ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

Chân dung Hiệu trưởng tương lai qua phác thảo của Bộ Giáo dục ảnh 2Giáo sư Đặng Quốc Bảo: Hiệu trưởng phải có 3 năng lực tổng quát và 12 bộ số hai

Hiệu trưởng phải tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường gồm: phân tích tình hình, mục tiêu, kết quả, hoạt động và điều kiện thực hiện phù hợp với bối cảnh cụ thể của nhà trường, của địa phương và định hướng của ngành Giáo dục…

Đề xuất để tuyển dụng được giáo viên, nhân viên có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt; tạo được động lực, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Trong tiêu chí 15, hiệu trưởng mới phải xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học: Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong nhà trường hiệu quả, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiến về các hoạt động giáo dục.

Trong tiêu chuẩn 5, người hiệu trưởng mới cần có năng lực phát triển các quan hệ xã hội bao gồm: quan hệ với cấp quản lí ngành, với cha mẹ học sinh, với chính quyền địa phương, với các cá nhân, tổ chức xã hội và biết cách thông tin tổ chức phản hồi từ các bên liên quan về hoạt động, kết quả giáo dục của nhà trường.

Người hiệu trưởng mới sẽ được xếp loại, đánh giá theo các mức: Đạt, Khá, Tốt

Việc đánh giá, xếp loại sẽ dựa trên năng lực, dựa trên quá trình và kết quả làm việc của hiệu trưởng.

Việc đánh giá, xếp loại còn phải dựa trên các nguồn ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng (điều này có hồ sơ minh chứng); Ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; Ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng và ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp.

Đánh giá, xếp loại hiện thông qua việc đánh giá từng tiêu chí và xem xét các minh chứng liên quan. Các mức cụ thể là:

Mức Đạt: Người hiệu trưởng hiểu khái niệm, nguyên tắc, thực hiện nhiệm vụ theo quy định một cách độc lập song chưa có nhiều kinh nghiệm.

Chân dung Hiệu trưởng tương lai qua phác thảo của Bộ Giáo dục ảnh 3Hiệu trưởng phổ thông ở Mỹ cần những tiêu chí nào?

Mức Khá: Người hiệu trưởng đạt các yêu cầu của mức 1; tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, thành thạo, có thể hướng dẫn đồng nghiệp, có nhiều kinh nghiệm.

Mức Tốt: Người hiệu trưởng đạt các yêu cầu của mức 2; vượt qua khó khăn để vươn lên, đổi mới, sáng tạo, thường xuyên đánh giá để điều chỉnh các hoạt động của nhà trường phù hợp với thực tiễn.

Phòng giáo dục và đào tạo sẽ chủ trì đánh giá hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở;

Sở giáo dục và đào tạo: chủ trì đánh giá hiệu trưởng trường trung học phổ thông, trường liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông;

Bộ Giáo dục và Đào tạo: chủ trì đánh giá hiệu trưởng trường dự bị đại học và các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, các viện, học viện đánh giá hiệu trưởng các trường phổ thông chuyên, trường phổ thông thực hành trực thuộc.

Việc tự đánh giá đối với mỗi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được thực hiện mỗi năm một lần (gắn với xây dựng kế hoạch học tập bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của cá nhân).

Cơ quan cấp trên 3 năm đánh giá 1 lần (đánh giá giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ hiệu trưởng). Thời điểm các sở giáo dục và đào tạo chuẩn bị và tổ chức đánh giá hiệu trưởng là cuối năm học, thời gian cụ thể do địa phương chủ động.

Bích Ngọc