Mậu Thân 1968 qua lời kể của cựu sĩ quan trực tiếp tham chiến

17/02/2018 08:30
THẢO NGUYÊN - XUÂN QUANG
(GDVN) - "Đơn vị có anh Tiến, cũng quê hương Thanh Hóa, khi đánh nhau giáp lá cà, bị địch dùng súng lưỡi lê kéo đi vẫn hô vang “Quyết tâm không đầu hàng kẻ địch".

LTS: Đã 50 năm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những chiến công, những trận đánh vang dội vẫn in đậm trong ký ức mỗi người về thời "hoa lửa".

Những người lính mà chúng tôi may mắn có dịp gặp gỡ từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm ấy rất hãnh diện đã từng cầm súng chiến đấu vì sự độc lập cho Tổ quốc.

Thượng tá Phạm Quang Thư, nguyên Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa:

"Ăn Tết bằng 1 điếu thuốc Điện Biên và 3 cái kẹo Hải Hà"

Bầu trời Quảng Trị đêm 30 Tết xám xịt màu đen của mùa đông Đinh Mùi (1967), chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là bước sang mùa Xuân 1968.

Cả đơn vị nằm chờ lệnh nổ mà thần kinh căng như sợi dây đàn.

Phía trước là 7 hàng rào dây thép gai mà bọn địch đã cài sẵn đặt đủ các loại mìn sáng. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ chạm vào là đèn bật sáng, lập tức hỏa lực từ các lô cốt, hầm ngầm của địch bắn như vãi đạn.

Kế bên tôi là Đại đội trưởng Long, trong màn đêm mông lung, tôi liếc thấy chiếc đồng hồ trên tay Đại đội trưởng liên tục đưa lên, đặt xuống.

Ông nóng lòng chờ lệnh phát hỏa. Tôi khẽ cựa chân chạm vào chân ông. Ông nói trong hơi thở ghé sát mặt tôi “Còn 15 phút nữa là đến giờ “G” chuẩn bị xung phong nghe không”.

Tôi gật đầu “Vâng ạ”.

Thượng tá Phạm Quang Thư, nguyên Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thảo Nguyên.
Thượng tá Phạm Quang Thư, nguyên Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thảo Nguyên.

Nằm ở cửa mở chờ lệnh, tôi nhớ đến chặng đường hành quân 4 tháng gian khổ từ xã Cán Khê, huyện Như Xuân, Thanh Hóa.

Ngày nghỉ, đêm đi dưới ánh sáng pháo đèn dù và tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Hôm 29 Tết, vào đến Trạm 30A, đơn vị được lệnh dừng lại 1 ngày để ăn Tết trước khi vào trận, mỗi chiến sỹ được chia 1 điếu thuốc Điện Biên và 3 cái kẹo Hải Hà.

Nghe cấp trên nói trận này toàn Miền Nam tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân. “Khi nào Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đón mừng năm mới Mậu Thân, tiếng pháo nổ mừng xuân cũng là hiệu lệnh nổ súng...”.

Đang miên man trong suy nghĩ, phía hướng Tiểu đoàn 7 tiếng bộc phá nổ giòn tan mở màn cho trận đánh đầu tiên trong đời người lính.

Đồng chí Liên giật bộc phá, một tiếng nổ tung hàng rào thép gai rồi liên tiếp bộc phá của các mũi tiếp tục nổ phá tan hoang các hàng rào của địch.

Khi phát hiện lực lượng Quân Giải phóng, địch cho xe tăng ra phản công. Các chiến sỹ xạ thủ B40, B41 của ta đã bắn cháy 3 chiếc làm cho địch hoảng loạn.

Thế của ta và địch giằng co quyết liệt, nhưng với tinh thần quả cảm của các chiến sỹ, sự chi viện kịp thời của xe tăng và máy bay của ta, chỉ trong 7 ngày từ mùng 1 đến ngày 7 tháng Giêng Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị Quân Giải phóng trên mặt trận B5 đã đánh thắng giòn dã, tiêu diệt căn cứ Làng Vây, Khe Sanh, mở rộng vùng giải phóng từ Lao Bảo – Tà Con – Làng Vây – Khe Sanh nối sang đất bạn Lào.

Sau trận đánh, tôi được phong Hạ Sỹ và được tặng Bằng khen vì có thành tích trong chiến dịch mùa xuân 1968.

Kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968 ở mặt trận Làng Vây – Khe Sanh, Quảng Trị mãi mãi là kỷ niệm sâu đậm nhất - trận đánh đầu tiên trong cuộc đời người lính. Khi ấy tôi vừa tròn 19 tuổi.

Đại tá Lê Duy Tý, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 10, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ:

"Giằng co ở Sân bay Biên Hòa"

Tháng 11/1968, khi đang làm Phó Chính ủy Trung đoàn 10, tôi được điều động sang làm Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ chuẩn bị cho chiến dịch mà Trung ương đề ra tổng xung kích - tổng khởi nghĩa ở miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn và miền Đông Nam bộ.

Tôi được Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Lê Xuân Hòa giao soạn thảo các loại văn bản liên quan đến kỷ luật chiến trường, chấp hành chính sách đối với tù binh, chính sách dân vận, chính sách chiến lợi phẩm, thương binh tử sĩ của ta... để gửi đi các đơn vị đồng thời được yêu cầu phải tuyệt đối bí mật.

Trên đường hành quân tiến gần vào sân bay Biên Hòa, mỗi người được lệnh chuẩn bị cơm nắm, gạo, giấy tờ đánh máy.

Ngày hôm sau, khi trời bắt đầu tối, các Trung đoàn bộ binh đã ào ào hành quân với khí thế hùng dũng.

Vào 0 giờ đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968, tức Mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, hiệu lệnh tấn công vào sân bay Biên Hòa bằng một tiếng nổ lớn bằng bộc phá.

Trong trí nhớ của lão thành cách mạng, Đại tá Lê Suy Tý năm nay bước sang tuổi 90 thì Thị xã Biên Hòa được xác định là địa bàn quan trọng ở miền Đông Nam bộ trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Trong đó mũi tấn công vào sân bay Biên Hòa mà lực lượng tham gia chiến đấu gồm Sư đoàn 5 (Trung đoàn 1, 4, 5), biệt động thị xã Biên Hòa.

Trong chiến dịch này, ông được nhận nhiệm vụ nghe các đơn vị báo cáo, ghi lại diễn biến trân đánh, vừa đưa tin vừa tác chiến đưa dân quân phía sau lên hỗ trợ công tác cứu thương.

Hàng loạt tiếng bom nổ và pháo sáng với những tia lửa xanh lè dồn dập trút xuống sáng rực cả vùng sân bay.

Theo thông tin của chỉ huy trung đoàn báo cáo, sau khi đập tan tuyến phòng thủ bên ngoài, 3 trung đoàn triển khai các hướng tiến sâu vào sân bay.

Địch không ra tấn công mà chặn mũi tiến công của ta bằng hàng loạt đại bác bắn ra, máy bay phản lực oanh tạc trên bầu trời.

Hai bên giằng co, đánh hau suốt đêm.

Ngày hôm sau, địch phát hiện bắt đầu phản công, ta phải lợi dụng các nhà chứa máy bay, đào hầm, ngụy trang ẩn nấp. 2 trung đoàn chịu bom, pháo, máy bay địch suốt một ngày mà không thể tiến sâu vào.

Đêm, được lệnh cấp trên, ta tổ chức thành mũi nhỏ thọc sâu vào phía trước tiêu diệt địch. Cùng với bộ đội chủ lực, đội biệt động thị xã Biên Hòa ta tấn công vào nhà chỉ huy và nhà lái máy bay địch, tuy nhiên địch đã tỏa ra các hướng không có ở đây.

Ngày thứ 3, tức mùng 3 Tết (2/2/1968), địch bắt đầu điều quân từ Sài Gòn lên và tung lực lượng phản kích đánh lại ta.

Lực lượng địch đông, trên trời máy bay, dưới đại bác cùng lực lượng bộ binh đánh từng mũi dùi tấn công vào lực lượng của ta đang nằm giữa sân bay.

Đại tá Lê Duy Tý, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 10, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ.
Đại tá Lê Duy Týnguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 10, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ.

Nắm tình hình không thể đánh lại địch, cấp trên lệnh cho các trung đoàn rút lui. Khi có lệnh rút lui, người chỉ huy hỏa tiễn đã xin ý kiến Tư lệnh Sư đoàn cho phóng hết 5 quả hỏa tiễn DKB vào nhà chứa máy bay địch và được Tư lệnh đồng ý.

Mặc dù không dành được sân bay Biên Hòa, nhưng theo nhận định của Bộ Tư lệnh lúc bấy giờ, trận chiến đấu diễn ra ác liệt nhưng với tinh thần ý chí kiên cường, dũng cảm, bộ đội ta vẫn quyết tâm xông lên.

Cuộc tiến công và nổi dậy tuy không đạt được mục tiêu “giành thắng lợi quyết định”, giành quyền làm chủ hoàn toàn của dân, nhưng đã thể hiện được tinh thần, quyết tâm của quân dân ta, giúp ta rút ra những kinh nghiệm cho những trận đánh sau này.

Về phía địch, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam.

Đây là thất bại cho thấy tuyến phòng thủ địch có nhiều lỗ hổng, việc xử trí cơ động của địch quá chậm, khiến tinh thần binh sĩ địch hoang mang, hoảng sợ.

Đại tá Lê Xuân Sanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:

“Dốc Miếu – Cồn Tiên - Chiếc cối xay thịt vùng đất Quảng Trị”

Tôi nhập ngũ tháng 2/1967 thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 138, Sư 338 đóng quân ở Ngọc Lặc. Lúc bấy giờ tôi vừa tròn 17 tuổi, chỉ nặng 41 kg.

Để đủ tiêu chuẩn lên đường nhập ngũ tôi đã phải lén nhét một số thứ vào người cho đủ cân nặng.

Sau thời gian huấn luyện, đơn vị được lệnh vào Nam chiến đấu. 

Vào đến Quảng Trị, tôi đóng chân ở Lễ Môn, rồi hành quân sang Cửa Việt.

Trận đánh đầu tiên diễn ra ở khu vực Cồn Tiên. Đây là trận đánh cùng chung sức với các Sư đoàn chủ lực mở màn cho Chiến dịch Mậu Thân 1968 tấn công vào sào huyệt địch tại tỉnh, thành phố lớn.

Cao điểm Cồn Tiên - một trong những chiến trường vô cùng ác liệt. Sau khi đào hầm, bố trí đội hình xong chỉ vẻn vẹn 3 ngày thì địch vào ồ ạt.

Mậu Thân 1968 qua lời kể của cựu sĩ quan trực tiếp tham chiến ảnh 3Tổng tiến công Xuân 1968: Ký ức của những người anh hùng

Ta chỉ có một đại đội, mỗi đại đội cách nhau 500 – 600 m, mỗi người lính ẩn nấp trong một hầm, nhiều lắm thì thêm người thứ hai rồi buộc dây vào chân nhau, nếu đồng đội ngủ phải giật dây tỉnh dậy sẵn sàng đối phó với địch.

Trận đầu tiên, địch có một tiểu đoàn, trước khi vào tấn công, bao vây, chúng dùng pháo, xe tăng uy hiếp.

Các chiến sỹ ta được lệnh chỉ khi đại đội trưởng bắn phát súng chỉ thiên thì cả đại đội mới bắt đầu nổ súng.

Hai bên đánh nhau ác liệt, ta tiêu diệt 33 tên địch.

Trận thứ 2 đơn vị đánh vào Dốc Miếu. Đây là trận địa công sự vững chắc của địch. Thực tế lực lượng địch đông, đánh khó, quân ta chỉ chiếm được đầu cầu và mở rộng hai bên vì ta chỉ đánh cấp đại đội, trong khi địch cả tiểu đoàn, lực lượng nên không cân sức.

Kẻ thù có máy bay, pháo binh, lực lượng hùng mạnh, nếu phát hiện quân ta, chúng dùng xe tăng đứng trên cửa hầm xoay tròn rồi nghiến, máy bay đứng tại chỗ quạt, khi bộ đội ta chạy dùng câu kéo lên máy bay.

Vậy nên nơi đây được ví như “chiếc cối xay thịt” vùng đất Quảng Trị. Còn phía bộ đội ta phải đi bộ, tiến đánh theo kiểu du kích nhưng với ý chí quyết tâm cao cùng lòng quả cảm, quân ta vẫn giành thắng lợi.

Sau trận thứ 2, tôi được phong Trung đội trưởng, đến trận thứ 3 lên Đại đội trưởng.

Cả 3 trận đánh ở Quảng Trị, đơn vị của tôi là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhất của Sư đoàn, được tặng thưởng Huân chương, bản thân tôi được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Đồng thời là đơn vị huấn luyện đội hình mẫu cho các đơn vị chuẩn bị tiến đánh chiến trường miền Nam.

Trong những năm chiến tranh nếu mình không có quyết tâm cao, không gan dạ, không táo bạo thì không thể tiêu diệt được địch.

Tôi nhớ, đơn vị có anh Tiến, cũng quê hương Thanh Hóa, khi đánh nhau giáp lá cà, bị địch dùng súng lưỡi lê kéo đi vẫn hô vang “Quyết tâm không đầu hàng kẻ địch”.

Riêng Đại đội 12 của chúng tôi, hiện nay chỉ liên lạc được 12 đồng chí. Hằng năm, vào mỗi dịp 30/4 hoặc kỷ niệm 22/12, chúng tôi lại tổ chức gặp gỡ, hàn huyên, tâm sự chuyện gia đình, ôn lại những năm tháng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường, động viên nhau trong cuộc sống.

THẢO NGUYÊN - XUÂN QUANG