Tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung, dân có "cõng" nổi không?

28/02/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là rất vô lý và sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng khiến người dân chịu thiệt.

Hiện 1 lít xăng đang phải chịu 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia cho dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về biểu thuế bảo vệ môi trường cũng đang gây ra nhiều phản ứng từ các chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội.

Tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung, dân có "cõng" nổi không? ảnh 1Nghịch lý xăng dầu cõng thêm thuế bảo vệ môi trường

Trước đề xuất vô lý trên, không ít ý kiến thẳng thắn cho rằng, người dân không phải túi tiền, Bộ Tài chính không thể muốn rút bao nhiêu thì rút.

Đáng nói, tiền thuế từ trước đến nay thu đối với mặt hàng xăng dầu để bảo vệ môi trường được dùng vào việc gì, đúng mục đích hay không vẫn chờ Bộ Tài chính công khai để dân biết.

Hơn nữa, đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được không ít chuyên gia khuyến cáo ngành tài chính nên mở rộng nguồn thu, chống thất thu thuế... thay vì chỉ quan tâm đến việc tăng thuế.

Tăng thuế môi trường đồng nghĩa với việc giá xăng dầu tăng làm mớ rau, quả trứng cũng tăng giá theo. Điều này chắc chắn tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân.

Tăng thuế môi trường đồng nghĩa giá xăng sẽ tăng kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Ảnh: TTXVN.
Tăng thuế môi trường đồng nghĩa giá xăng sẽ tăng kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: “Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung là điều vô tình và vô lý.

Vô tình với người dân bởi rất nhiều các loại thuế gián thu sắp sửa tăng đều có lộ trình từ năm 2019. Rõ ràng người dân, người tiêu dùng phải gánh. Còn vô lý ở điểm tăng thuế môi trường lên vì nguồn thu giảm”.

Không ít ý kiến cho rằng, năm 2017, kinh tế Việt Nam được cho là gặt hái nhiều chỉ số tăng trưởng kỷ lục so với nhiều năm trước cộng với thuế nhập khẩu giảm thì người dân phải được hưởng lợi.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Trinh cũng đặt ra thắc mắc: “Kinh tế Việt Nam năm 2017 được báo cáo là các chỉ số tăng trưởng kỳ tích, năm kinh tế thắng lợi, vậy thì lẽ ra người dân phải được hưởng lợi hơn chứ sao phải phải chịu thêm gánh nặng về thuế. Đây là nghịch lý cần phải giải quyết. 

Trong câu chuyện này Chính phủ không được lợi, người dân không được lợi, vậy ai được hưởng lợi?

Vấn đề giảm thuế nhập khẩu cũng cần được nghiên cứu đánh giá, vì việc ký kết các hiệp định này có lợi cho xuất khẩu, nhưng giá trị xuất khẩu phần lớn lại ở khu vực doanh nghiệp FDI, chúng ta không được hưởng lợi nhiều.

Nhưng ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập vào trong nước sẽ không bị đánh thuế dẫn tới hàng nội địa khó có thể cạnh tranh được.

Những con số kỷ lục, tăng trưởng kinh tế ấn tượng và thuế nhập khẩu giảm, nhưng người dân lại phải đóng thêm thuế thì cần phải xem lại”.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, giảm thuế nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế ấn tượng lẽ ra người dân phải được lợi, trong khi đó lại phải ngánh thêm thuế. Điều này là rất vô tình và vô lý. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, giảm thuế nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế ấn tượng lẽ ra người dân phải được lợi, trong khi đó lại phải ngánh thêm thuế. Điều này là rất vô tình và vô lý. Ảnh: Vũ Phương. 

Tiến sĩ Bùi Trinh cũng chỉ rõ: “Tăng thuế để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế thì khí thải phương tiện giao thông vận tải có nhiều hơn so với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hay lĩnh vực xây dựng không?

Rõ ràng việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như vậy là không phù hợp với thực tiễn, thiếu sự nghiên cứu, đánh giá khoa học.

Trong khi đó, báo cáo về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính thì lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu chiếm 52% lượng khí nhà kính. Trong đó, 73% xuất khẩu từ khu vực FDI.

Hơn nữa, báo cáo về môi trường cũng cho thấy, tăng khí nhà kính ngày càng cao, vậy số tiền đánh thuế trước đây để bảo vệ môi trường sử dụng như thế nào, có sử dụng vào mục đích bảo vệ môi trường không cái này cần phải làm rõ, công khai minh bạch để người dân biết”.

Tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung, dân có "cõng" nổi không? ảnh 4Làm rõ phản ánh đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Trong bối cảnh mỗi lít xăng đang phải “cõng” nhiều loại thuế phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.

Lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là thiếu thuyết phục.

Vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường”.

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Việc tăng thuế kéo theo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động, tác động đến giá cả hàng hóa.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dư luận cho dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về biểu Thuế bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ ngày 01/07/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Cụ thể, xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Với đề nghị tăng Thuế bảo vệ môi trường như trên, mỗi năm, Bộ Tài chính sẽ thu được thêm gần 15.700 tỷ đồng.

Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là thuế nhập khẩu giảm, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận, tăng nguồn thu.

Vũ Phương