Chương trình môn Ngữ văn mới nên giữ lại những hệ thống bài học khái quát

28/02/2018 07:01
Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Hệ thống bài học mang tính khái quát sẽ giúp người học có cái nhìn tổng quan khái quát về văn học ở các giai đoạn lịch sử mà tác giả, tác phẩm đó xuất hiện.

LTS: Đưa ra một số ý kiến trao đổi về dự thảo chương trình môn Ngữ văn, Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, Nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh đến việc kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chúng tôi đã đọc qua dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 1 năm 2018.  

Chúng tôi cảm thấy chương trình đã có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu của người học thời công nghệ thông tin phát triển, góp phần định hướng nghề nghiệp cho số học sinh có nguyện vọng học lên một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn...

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn có những băn khoăn và xin trao đổi thêm một vài ý kiến như sau:

Mặc dù các nhà biên soạn chương trình có khẳng định là chương trình vẫn có sự kế thừa mặt tích cực của chương trình môn Ngữ văn hiện hành;

Nhưng có một giá trị mà trong những chương trình môn Ngữ văn của mấy chục năm qua đã đưa lại sự thuận lợi cho người học khi tiếp nhận nền văn học nước nhà, đó là hệ thống bài học mang tính khái quát tiến trình văn học của từng giai đoạn lịch sử không được kế thừa trong chương trình phổ thông môn Ngữ văn mới.

Chương trình môn Ngữ văn mới nên giữ lại những hệ thống bài học khái quát ảnh 1
Hệ thống bài học mang tính khái quát tiến trình văn học của từng giai đoạn lịch sử là điều chương trình mới nên kế thừa của chương trình hiện hành. Ảnh: Văn Lự.

Trong các chương trình cũ, trước khi cho học sinh tiếp cận các tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu thì đều có những bài, những chương giúp người học có cái nhìn tổng quan khái quát về văn học của các giai đoạn lịch sử, của từng chặng đường lịch sử mà các tác giả, tác phẩm đó xuất hiện.

Có thể các bài học tổng quan về các giai đoạn, các thời kỳ của văn học nước nhà rất ngắn gọn súc tích nhưng đã giúp người học sau khi rời khỏi trường phổ thông có thể biết đến văn học dân gian, văn học từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, từ thế kỷ XX đến hết năm 1945, văn học thời chống Mỹ cứu nước, văn học thời kỳ từ 1975 đến nay có những tác giả tác phẩm nào là tác giả, tác phẩm nào tiêu biểu để khi học xong phổ thông người học có được cái nhìn tổng quan hoặc tổng quan ở mức sơ lược nhất về nền văn học nước nhà chứ không thể để học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông mà không có cái nhìn toàn cảnh về văn học Việt Nam.  

Tránh tình trạng sau khi tốt nghiệp phổ thông và tốt nghiệp đại học, có bằng tiến sỹ, giáo sư (ở các ngành không liên quan đến Văn học) mà không xác định được tập thơ “Việt Bắc", "Nhật ký trong tù", bài thơ "Đất nước"... của tác giả nào được viết trong bối cảnh nào?

Chương trình môn Ngữ văn mới nên giữ lại những hệ thống bài học khái quát ảnh 2Chương trình mới môn Ngữ văn vẫn quá tải, dễ dẫn đến tâm lý sợ học

Và vì sao bài thơ, tập thơ đó có giá trị?

Chương trình phổ thông môn Ngữ văn mới không có loại bài này vì sao?

Vì thời lượng của chương trình không cho phép hay là vì một lý do nào khác?

Theo ý chúng tôi, chúng ta có thể đưa vào loại bài khái quát văn học của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử theo hướng sau:

Các bài mang tính khái quát về tình hình văn học nước nhà sẽ được bắt đầu đưa vào dạy học từ cấp Trung học cơ sở đến hết chương trình phổ thông.

Mỗi lớp được bố trí học tổng quan (khái quát) từ một đến hai giai đoạn (hoặc hai thời kỳ văn học nước nhà để sao cho phần tổng quan về văn học giai đoạn cuối cùng: Văn học Việt Nam từ 1975 đến nay sẽ được kết thúc ở lớp 12.

Xây dựng chương trình theo phương án này sẽ diễn ra tình trạng học xong Trung học cơ sở, học sinh sẽ ra đời hoặc đi học nghề sẽ chưa có cái nhìn xuyên suốt (ở mức khái quát) về tình hình văn học nước nhà nhưng vẫn có thể tạo điều kiện cho các em sau khi vào đời sẽ tự đọc hiểu các phần tổng quan văn học ở các lớp Trung học phổ thông để hoàn thiện trình độ hiểu biết về văn học nước nhà cho mình.

Việc tiếp tục tìm hiểu, đọc thêm, học thêm cho học sinh đối với bộ môn Ngữ văn là điều mọi người Việt Nam có thể thực hiện được.

Hơn nữa, khi mà chúng ta bàn đến sự tích hợp trong việc xây dựng chương trình môn học và kế hoạch dạy học môn Ngữ văn mà không tích hợp được với môn Lịch sử văn học là một thiếu sót.

Vấn đề là ở chỗ chọn mức độ kiến thức của loại bài khái quát văn học đó như thế nào cho thích hợp với trình độ của học sinh phổ thông và mức độ kiến thức văn học mà chúng ta dự định sẽ cho các em tiếp cận.

Hướng giải quyết khác để đưa loại bài khái quát tình hình văn học của một giai đoạn lịch sử, hoặc một thời kỳ lịch sử của văn học vào chương trình môn Ngữ văn phổ thông là:

Các nhà xây dựng chương trình môn Ngữ văn phổ thông phải đặt ra yêu cầu vào trong dự thảo chương trình để cho các nhà soạn sách giáo khoa sẽ biên soạn và sẽ cho học sinh đọc thêm tham khảo trước khi các em được dạy học những tác phẩm cụ thể để cho con đường tiếp cận nền văn học của học sinh phổ thông sẽ có ích hơn.

Chương trình môn Ngữ văn mới nên giữ lại những hệ thống bài học khái quát ảnh 3Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều

Bởi môn Ngữ văn ở phổ thông không thể đứng ngoài cuộc việc tạo điều kiện cho con em chúng ta có được cái nhìn đầy đủ hơn về nền văn học nước nhà.

Từ sự tiếp cận đầy đủ ở mức cơ bản các em sẽ yêu mến và quý trọng hơn nền văn học mà cha ông đã để lại.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định trong chương trình sách giáo khoa có loại bài khái quát về tình hình văn học của từng giai đoạn văn học thì chắc chắn sau này khi chương trình và sách giáo khoa mới môn Ngữ văn phổ thông đi vào thực hiện sẽ xảy ra tình tình trạng loại sách tham khảo “Để dạy tốt, học tốt môn Ngữ văn” các lớp từ lớp 6 đến lớp 12 sẽ có điều kiện xuất hiện lấn át cả hệ thống giáo khoa phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ sách Ngữ văn phổ thông của các tác giả khác được phép Bộ cho sử dụng.

Hơn thế nữa, nếu chương trình dạy học môn Ngữ văn mới ở phổ thông có sự chú ý tới việc đưa thêm vào các bài khái quát văn học sẽ giúp cho mọi công dân dù đang trên ghế nhà trường hoặc đã ra làm việc sẽ có sự định hướng cho họ khi họ tiếp cận với nền văn học nước nhà khi họ đọc thêm sách báo ở thư viện hoặc khi họ tranh thủ đọc sách mọi nơi mọi lúc với mục đích nâng thêm sự hiểu biết về nền văn học nước nhà nói riêng và nhu cầu thưởng thức văn học nói chung.

Nếu chỉ vì do thời lượng chương trình quá lớn mà không đưa loại bài khái quát các giai đoạn văn học vào chương trình môn Ngữ văn phổ thông mới;

Theo ý chúng tôi, có thể bớt bỏ số lượng tác phẩm đã dự kiến trong chương trình dự thảo môn Ngữ văn phổ thông để dành thời lượng để đưa vào chương trình các bài thuộc dạng bài khái quát văn học từng giai đoạn vào chương trình, với nguyên tắc, loạt bài này phải hết sức súc tích, cô đọng và chính xác.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh