Cách nào để tính thuế 45% đối với thu nhập, tài sản giải trình không hợp lý?

09/03/2018 06:29
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Cách tính thuế như vậy dựa trên căn cứ nào? Sao không tính thuế đối 50% hoặc 60% đối với tài sản không được giải trình một cách hợp lý mà chỉ tính 45%?".

Căn cứ nào để tính thuế 45% đối với thu nhập, tài sản giải trình không hợp lý?

Góp ý vào Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có nội dung truy thu thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tính thuế như vậy là không có căn cứ.

“Nếu muốn biết tài sản không được giải trình một cách hợp lý thì phải trả lời câu hỏi, tài sản đó có phải do tham nhũng mà có không?

Cách tính thuế như vậy dựa trên căn cứ nào? Sao không tính thuế 50% hoặc 60%... đối với tài sản không được giải trình một cách hợp lý mà chỉ tính 45%.

Theo tôi, không có căn cứ nào để tính thuế tài sản kiểu ấy cả.

Một số ý kiến cho rằng, việc kê khai tài sản hiện nay có mang tính hình thức, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ còn nhiều hạn chế. Cho nên, trước khi tính thuế thì nên làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ. Trong bài sử dụng ảnh minh họa của Mai Sơn, trong cuốn "tuyển tập tranh biếm quan tham" do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng phát hành.
Một số ý kiến cho rằng, việc kê khai tài sản hiện nay có mang tính hình thức, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ còn nhiều hạn chế. Cho nên, trước khi tính thuế thì nên làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ. Trong bài sử dụng ảnh minh họa của Mai Sơn, trong cuốn "tuyển tập tranh biếm quan tham" do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng phát hành.

Trường hợp người ta không kê khai hoặc kê khai thiếu nhưng họ chứng minh được tài sản đó do lao động mà có thì không thể áp dụng tính thuế 45%.

Trường hợp này, căn cứ nào cho phép anh đánh thuế vào đồng tiền của người ta có được do lao động chân chính?

Cho nên, luật phòng chống tham nhũng không phải chỉ để trừng trị kẻ tham nhũng, mà luật sinh ra còn để bảo vệ người lao động chính đáng”, ông Lê Như Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 8/3.

Cũng theo nhận định của ông Tiến, tài sản, thu nhập không giải trình được, hoặc giải trình một cách hợp lý là tài sản do tham nhũng mà có.

“Nếu tài sản do tham nhũng mà có thì không thể tính thuế mà cần tịch thu xung công quỹ.

Trường hợp tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý mà do tham nhũng, thì việc tính thuế 45% vô tình sẽ hợp thức hóa cho tài sản tham nhũng”, ông Tiến nhận định.

Trước khi tính thuế thì nên làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trước khi đưa ra cách tính thuế đối với tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý thì cần làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ.

Ông Tiến nêu thực tế: “Nếu muốn thu hồi tài sản bất minh thì phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của người ta.

Thực tế, sự chuyển dịch của tài sản bất minh (tài sản do tham nhũng mà có) hiện nay là rất lắt léo, trong khi đó, khâu kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ của hiện nay còn rất yếu.

Các đối tượng tham nhũng thường chuyển dịch tài sản cho con, cháu, người thân cho gia đình hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài.

Có trường hợp tài sản bất minh không được chuyển cho con cháu, mà “sang tay” cho những người họ hàng, cận huyết thống bằng các hợp đồng dân sự.

Do đó, nếu khâu kiểm soát tài sản chưa tốt thì khó mà biết được người ta có bao nhiêu tài sản và việc kê khai tài sản đúng hay sai”, ông Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Trinh Phúc.

Từ phân tích trên, ông Tiến cho rằng: “Nhân việc sửa đổi luật phòng chống tham nhũng, luật công chức thì cần chú trọng vào việc kê khai, kiểm tra, giám sát tài sản một cách chặt chẽ:

Việc kê khai, kiểm tra tài sản không chỉ thực hiện đối với cá nhân người sở hữu tài sản mà còn phải kiểm tra những người có quan hệ huyết thống, cận huyết thống.

Do đó, trước khi tính đến chuyện tính thuế thì cần phải kiểm soát được tài sản, thu nhập, dòng chảy của đồng tiền, bằng cách hạn chế chi tiêu tiền mặt. Các giao dịch tài chính cần được thực hiện qua tài khoản ngân hàng...", ông Tiến nêu ý kiến.

Khi được hỏi về căn cứ  tính thuế 45% đối với thu nhập, tài sản giải trình không hợp lý, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết: "Hiện nay đang trong quá trình dự thảo luật, tôi chưa thể trả lời phóng viên. Vấn đề này chờ Quốc hội công bố và cho ý kiến".
QUỐC TOẢN