Những tiếng kêu cứu xé lòng của thầy cô, cả xã hội ơi cứu chúng em với!

11/03/2018 06:36
Phan Tuyết
(GDVN) - Mọi người hãy đòi lại sự công bằng cho bọn em với. Ai trả lại mấy năm trời tuổi thanh xuân cho bọn em? Bây giờ đẩy bọn em ra đường, bọn em sẽ làm gì?

LTS: Sau vụ việc khoảng 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đang đứng trước nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động sau một thời gian công tác, cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chiều ngày 9/3, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức buổi thông báo sẽ có khoảng 500 giáo viên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian tới.  

Được biết, đây là số giáo viên mà Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng dư thừa trong ba đời chủ tịch.

Tiếng kêu cứu của những giáo viên tỉnh Đắc Lắc đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh minh họa: Báo Đăk Lăk điện tử).
Tiếng kêu cứu của những giáo viên tỉnh Đắc Lắc đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh minh họa: Báo Đăk Lăk điện tử).

Cụ thể từ năm 2011- 11/2015, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học.

Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ “Việc tuyển thừa giáo viên liên quan đến ba nhiệm kỳ chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk.

Trong đó, nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ - phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch giai đoạn 2011-2016 và ông Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm là chủ yếu.

Ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng do không thực hiện theo tinh thần kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dôi dư giáo viên”.

Bức xúc vì bị nghỉ việc sau cả quãng thời gian dài cống hiến, cô giáo Nguyễn Thị H. D hiện đang công tác tại Trường trung học cơ sở Ngô Mây Đắk Lắc van xin mọi người trong tiếng kêu khẩn thiết:

Những tiếng kêu cứu xé lòng của thầy cô, cả xã hội ơi cứu chúng em với! ảnh 2Chưa bao giờ bức tranh nhân lực của ngành sư phạm lại xót xa như bây giờ

“Mọi người hãy đòi lại sự công bằng cho bọn em với. Ai trả lại mấy năm trời tuổi thanh xuân cho bọn em?

Bây giờ đẩy bọn em ra đường, bọn em sẽ làm gì?

Ai thuê bọn em thời điểm này?

Nhà cửa con cái bọn em như thế này làm sao được?

Cả xã hội hãy chung tay giúp bọn em với!”.

Lời khẩn cầu nghe tắc nghẹn vì nỗi buồn mất việc quá lớn, nỗi uất ức dâng đầy. Nước mắt chan hòa trên từng khuôn mặt những nhà giáo hợp đồng nơi đây.

Giọng một giáo viên khác nghe bức xúc “thích gọi lúc nào thì gọi, thích cho về lúc nào thì cho về”. Tiếng một thầy giáo khác lại vang lên “chúng tôi mất bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu thời gian lãng phí”.

Hàng trăm giáo viên có nguyện vọng được đối thoại trực tiếp với chủ tịch huyện Krông Pắk, thế nhưng một vị cán bộ lại yêu cầu “muốn gặp đối thoại với chủ tịch, các anh chị phải ra bên trụ sở tiếp dân đăng kí có văn bản, có người trực ở đấy”.

Tiếng giáo viên bức xúc “đã kêu chúng tôi ra họp mà còn phải đăng kí à?”.

Việc phóng tay kí hợp đồng cho hàng trăm giáo viên sai quy định trong ba đời chủ tịch nơi đây đã đẩy những người giáo viên vốn khốn khổ vào bước đường cùng.

Như lời một thầy giáo “chúng tôi mất bao nhiêu tiền…”. Nếu thông tin này đúng, thì với việc nhận lương tháng chưa tới 2 triệu đồng/tháng, chắc chắn rằng với thời gian công tác khoảng vài năm có thầy cô cũng chưa kịp lấy lại được những khoản tiền mình đã bỏ ra “đầu tư” như thế.

Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc tìm ra sai phạm trong việc kí hợp đồng vô tội vạ đối với các quan cấp huyện nơi đây.

Những tiếng kêu cứu xé lòng của thầy cô, cả xã hội ơi cứu chúng em với! ảnh 3“Đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi”

Họ đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk.

Kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk do ký hợp đồng với giáo viên.

Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục tình trạng thừa giáo viên.

Dù các quan huyện có bị kiểm điểm cũng có thấm gì với nỗi đau của hàng trăm giáo viên mất việc.

Nhưng nếu chỉ kiểm điểm thôi, hóa chẳng bất công đối với việc dở dang sự nghiệp của biết bao thầy cô hay sao?

Nếu ngay từ đầu họ không được tuyển dụng, lại chẳng mất một khoản “đầu tiên” vô ích, chẳng lãng phí cả quãng thời gian chờ đợi được vào công chức thì bây giờ ai cũng có công ăn việc làm hẳn hoi.

Có lẽ cách xử lý kỉ luật đối với các quan của ta còn nhẹ tay nên không ít địa phương cứ lên chức là ra tay tuyển dụng điển hình như một số huyện ở tỉnh Thanh Hóa trong thời gian vừa qua.

Biết đến bao giờ ngành giáo dục mới chấm dứt được tình cảnh đau lòng này?

Phan Tuyết