Hiệu trưởng phải được quyền tham gia tuyển dụng giáo viên!

20/03/2018 07:06
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng bất cập hiện nay khi tuyển dụng giáo viên cần thay đổi là ngành giáo dục không được tham gia vào quá xét tuyển.

Hai vấn đề nóng liên quan đến giáo dục đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay đó là tuyển dụng giáo viên và quy định lương giáo viên trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung.

Liên quan đến hai vấn đề này, bên hành lang phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: "Hiệu trưởng cần được quyền tham gia tuyển dụng giáo viên là hợp với quy định pháp luật" - ảnh Trinh Phúc.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: "Hiệu trưởng cần được quyền tham gia tuyển dụng giáo viên là hợp với quy định pháp luật" - ảnh Trinh Phúc.

Về vấn đề tuyển dụng giáo viên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng bất cập hiện nay cần thay đổi là ngành giáo dục-đơn vị sử dụng giáo viên nhưng lại không được tham gia vào quá trình xét tuyển.

Bởi lẽ, ngành giáo dục quản lý đội ngũ giáo viên thì mới có chuyên môn để đánh giá, xem xét trong tuyển dụng đội ngũ giáo viên.

Trong khi hiện nay, công tác tuyển dụng giáo viên ở các địa phương lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân đứng ra xét duyệt, quyết định biên chế.

Cách thức tuyển dụng này đang theo kiểu “anh không có chuyên môn nhưng lại đi tuyển dụng” – ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Hiệu trưởng phải được quyền tham gia tuyển dụng giáo viên! ảnh 2Cô thầy đâu phải món hàng, cũng chẳng phải quả bóng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lý giải thêm về nhận định của mình: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân là người lãnh đạo nhưng lại không sâu về chuyên môn, không nắm được thực tế giáo dục.

Như việc, đào tạo ngành sư phạm thì đào tạo như thế nào, bố trí giáo viên phải như thế nào… Đó là điều bất cập cần thay đổi trong xã hội”.

Để khắc phục được bất cập này, theo ông Bùi Sỹ Lợi phải có quy chế quy định đại diện ngành giáo dục là thành phần bắt buộc tham gia việc xét tuyển giáo viên. Các địa phương căn cứ vào đó thực hiện.

Ông Lợi nêu quan điểm, khi đại diện của ngành giáo dục được tham gia, với chuyên môn sâu họ mới hướng dẫn được quy cách để thực hiện thi tuyển hợp lý và kiểm định được chất lượng tuyển dụng. Đại diện của ngành giáo dục phải được trực tiếp tham gia tuyển dụng.

Vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, trong quy chế đó phải rất chú ý đến vai trò của người hiệu trưởng trong quá trình tuyển dụng”.

Giải thích thêm về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Vì vừa rồi đã có quy định người sử dụng lao động phải được biết, được tuyển, được nắm chắc đặc điểm của người lao động”.

Bàn thêm về công tác tuyển dụng giáo viên, vị chuyên gia này cho biết thêm: “Việc tuyển dụng giáo viên cần thiết phải căn cứ vào việc xác định được nhu cầu tuyển dụng.

Khi đã xác định được rõ ràng về nhu cầu tuyển dụng phải xác định rõ vị trí, số lượng của giáo viên cần tuyển.

Còn nếu cứ tuyển giáo viên mà không dựa trên căn cứ nhu cầu tuyển dụng thì rõ ràng tuyển một cách ào ào.

Hiệu trưởng phải được quyền tham gia tuyển dụng giáo viên! ảnh 3Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng ý quan điểm thầy cô sẽ có lương cao nhất

Tôi cho rằng, bài học của Đắk Lắk tuyển nhưng không xác định được nhu cầu cần thiết phải được mổ xẻ và nghiên cứu rút kinh nghiệm”.

Khó đưa quy định tiền lương vào Luật Giáo dục?

Liên quan đến vấn đề nhiều bộ ngành có ý kiến trái chiều nhau liên quan đến lương giáo viên quy định trong Luật Giáo dục, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Không đưa quy định lương giáo viên vào Luật Giáo dục được”.

Phân tích rõ hơn về ý kiến của mình, ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Không có một luật chuyên ngành nào quy định tiền lương như thế nào cả.

Bởi vì, Luật pháp đã quy định rõ rồi là không được đưa chính sách cụ thể của từng ngành, tổ chức bộ máy, chức năng quản lý nhà nước, phân cấp vào trong luật. Luật chỉ quy định về chế tài và các chính sách trong luật đó”.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này cho biết: “Vấn đề tiền lương thì ngành giáo dục cũng như ngành y tế và các ngành khác phải được thống nhất toàn bộ tổng thể chính sách tiền lương quốc gia.

Tới đây, Hội nghị Trung ương 7 họp vào tháng 5 Trung ương sẽ bàn về hai đề án rất quan trọng. Đó là đề án Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội và đề án Đổi mới chính sách tiền lương của cả nước”.

Cuối cùng Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Trong luật chỉ nên quy định  chính sách ưu tiên khuyến khích thu hút người tài, người có năng lực, phẩm chất để làm giáo viên với điều kiện được quan tâm đến chính sách tiền lương với các chính sách khác.

Không ai quy định tiền lương trong luật cả”.

Trinh Phúc