Đại học không phải con đường duy nhất

23/03/2018 06:52
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc ai ai cũng cố chạy theo tấm bằng đại học đã dẫn đến tình trạng nước ta thừa thầy thiếu thợ đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

LTS: Con đường tới thành công của mỗi người là khác nhau và dĩ nhiên học đại học không phải là con đường duy nhất. Sự kỳ vọng của cha mẹ đôi khi đã trở thành áp lực nặng nề về tâm lý đối với con cái.

Chia sẻ về cách lựa chọn trường của các em học sinh, nhất là những em đang trong giai đoạn cuối cấp 3, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Khá nhiều người nói rằng “đại học không phải con đường duy nhất” nhưng khi rút ra được chân lý này chính họ đã phải bỏ phí cả một quãng thời gian khá dài cho việc thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học.

Học đại học có phải là con đường duy nhất (Ảnh minh họa, nguồn: baoquangbinh.vn).
Học đại học có phải là con đường duy nhất (Ảnh minh họa, nguồn: baoquangbinh.vn).

Những lý do cản trở học sinh đến với trường nghề

Thời điểm để học sinh đăng kí học nghề tốt nhất là lúc các em tốt nghiệp lớp 9 bậc trung học cơ sở.

Nếu đăng kí vào một trường trung học chuyên nghiệp hay trường trung cấp nghề, sau 3 năm đào tạo các em vừa lấy được bằng nghề vừa hoàn thành kiến thức của ba năm phổ thông trung học.

Do áp lực về chỉ tiêu chất lượng nên giáo viên không dám thẳng tay đánh giá, xếp loại học sinh một cách thực chất.

Vì thế, nên phần lớn học sinh mà đặc biệt là phụ huynh ngộ nhận về kết quả học tập của con em mình.

Có lẽ khó tìm thấy học sinh lớp 9 nào bị xếp lực học yếu, kém. Em nào cũng xếp khá, giỏi, tệ lắm cũng được trung bình.

Ngỡ con học thế là tốt nên đương nhiên ba mẹ lại muốn con học lên tiếp. Với tâm lý của đa phần phụ huynh hiện nay không muốn con làm thợ mà nhất quyết phải làm thầy.

Vì thế bằng mọi giá, cha mẹ thúc ép con phải đăng kí thi đại học, chí ít cũng là cao đẳng.

Chỉ khi hai nguyện vọng ấy không thực hiện được mới đành “nhắm mắt đưa chân” vào học các trường nghề.

Chính điều này đã làm mất khá nhiều thời gian, công sức của các em và gia đình.

Đại học không phải con đường duy nhất ảnh 2Chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và nghịch lý chọn nghề

Việc phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở còn kém, các trường hiện nay cũng đã tổ chức dạy cho học sinh 2 tiết hướng nghiệp/tháng.

Những tiết học này chỉ mang tính lý thuyết suông. Trò học đó rồi quên đó tức thì.

Cái các em cần là sự tư vấn một cách thấu đáo theo đúng lực học hiện tại của từng em. Giáo viên là người nắm rõ học sinh học thế nào để tư vấn chọn nghề hay học lên tiếp là điều khá cần thiết.

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh.

Rất ít trường tổ chức cho học sinh đi thực tế để trải nghiệm nói gì đến việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống...

Tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học luôn đạt ngưỡng hơn 90% (trong số đó không ít trường vì thi đua, vì thành tích đã tạo cơ hội cho một số học sinh đỗ nhầm) cũng là nguyên nhân không thể kéo học sinh đến với trường nghề.

Hầu như em nào thi cũng đỗ tốt nghiệp, đỗ rồi sẽ mộng vào đại học, cao đẳng. Trường công không được sẽ học trường tư…

Do lực học yếu nên có em học mãi mà chẳng thể ra trường.

Phí thời gian vì quãng đường lòng vòng

Một số học sinh trượt tốt nghiệp bậc trung học phổ thông tìm đến trường nghề. Số khác thi trượt đại học.

Và khá nhiều học sinh chọn trường đại học không đúng ra trường không thể làm được những công việc ấy cuối cùng cũng xin làm công nhân hoặc vào lại trường nghề.

Đại học không phải con đường duy nhất ảnh 3Con chọn nghề để học, cha mẹ nên can thiệp đến đâu?

Nếu tính thời gian, các em ít nhất đã bỏ phí 3 năm, nhiều nhất có khi đến hàng chục năm trời.

Việc ai ai cũng cố chạy theo tấm bằng đại học đã dẫn đến tình trạng nước ta thừa thầy thiếu thợ đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Học đại học xong xếp bằng lại chỉ để làm công nhân. Nhưng giá như những học sinh này đi trường nghề thì có hội có việc làm ở ngay trong tầm tay.

Bởi vì rất nhiều ngành nghề hiện nay đang được các nhà tuyển dụng săn đón như: Dược, Điều dưỡng, Quản trị mạng, Bác sĩ máy tính, Du lịch…

Do học nghề được thực hành nhiều nên doanh nghiệp sẽ không phải đào tạo lại - điều mà họ phải tốn khá nhiều thời gian đối với phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Nếu làm tốt việc phân luồng ngay từ bậc trung học cơ sở sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp như hiện nay.

Phan Tuyết