Giữ xe 5 ngày mới lập biên bản, Thanh tra giao thông Thanh Hóa muốn điều gì?

25/03/2018 07:35
DU THIÊN
(GDVN)- Vì sao sau gần 1 tuần câu lưu xe, Thanh tra giao thông Thanh Hóa mới lập biên bản vi phạm? Hành vi này được cho là gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.

Xe bị “câu lưu” nhiều ngày không lập biên bản

Không khó để tìm kiếm những “tít” báo kiểu như “Thanh tra giao thông bảo kê xe quá tải?”, “Thanh tra giao thông làm ngơ để xe quá tải mặc sức tung hoành?” đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây.

Không ít cán bộ thuộc ngành này đã bị phát hiện có vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bị đình chỉ công tác để xử lý kỷ luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những ví dụ trên cho thấy, còn không ít những “con sâu” đang làm rầu nồi canh, khiến hình ảnh thanh tra giao thông nói chung bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Hành vi và cách ứng xử đó của một số cán bộ thực thi nhiệm vụ khiến dư luận và nhân dân không thể hài lòng.

Chiếc xe do tài xế Q. điều khiển bị câu lưu nhiều ngày. Ảnh do tài xế cung cấp.
Chiếc xe do tài xế Q. điều khiển bị câu lưu nhiều ngày. Ảnh do tài xế cung cấp.

Mới đây, trong đơn phản ánh gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số tài xế tại Thanh Hóa tỏ vẻ bất bình trước cách ứng xử, phản ứng rất lạ của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) trong việc xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm. 

Theo đó, việc Thanh tra Sở Giao giao thông vận tải Thanh Hóa có dấu hiệu câu lưu xe, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp và lái xe.

Theo phản ánh của tài xế H.I.Q. (quê quán Tĩnh Gia, Thanh Hóa), ngày 15/3/2018, anh điều khiển xe ô tô tải mang biển kiểm soát 36C – 15235 lưu thông trên Quốc lộ 45 theo hướng Nông Cống đi thành phố Thanh Hóa.

Khi phương tiện lưu thông tới km 83+600, Quốc lộ 45, thuộc địa phận xã Quảng Trạch (Quảng Xương) thì bị tổ công tác của Thanh tra Sở Giao thông tỉnh vận tải Thanh Hóa ra tín hiệu dừng phương tiện và đề nghị tài xế đưa xe vào trạm cân tại xã Quảng Trạch để kiểm tra trọng tải.

Nhưng điều đáng nói là, tại thời điểm trên, phương tiện nghi quá tải không được lực lượng chức năng kiểm tra trọng tải ngay trọng tải mà bị câu lưu nhiều ngày.

Nhưng mãi đến chiều ngày 19/3 (sau 5 ngày) tổ công tác của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa mới lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đối với phương tiện vi phạm”, tài xế Q. nói.“Đến 21h ngày 17/3 đại diện tổ công tác mới yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ thực hiện kiểm tra trọng tải.

Hành vi được cho là câu lưu phương tiện của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa khiến doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện hết sức bức xúc:

“Tôi không phủ nhận và thanh minh cho hành vi vi phạm của mình nếu có. Nhưng tại sao họ (Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa) không thực hiện kiểm tra trọng tải sau khi yêu cầu phương tiện vào trạm cân mà phải câu lưu nhiều ngày sau đó mới thực hiện việc kiểm tra và lập biên bản phương tiện.

Tôi “ăn chực, nằm chờ” nhiều ngày tại trạm cân nhưng họ cũng không có ý kiến gì trong việc kiểm tra trọng tải xe. Không hiểu cách ứng xử của họ nhằm mục đích gì?”, tài xế Q. băn khoăn.

Cũng theo tài xế này, cách ứng xử lạ của Thanh tra Sở Giao thông Thanh Hóa khiến doanh nghiệp và tài xế thiệt hại hàng chục triệu đồng.

“Bình thường mỗi ngày phương tiện chuyên chở vật liệu có thể đưa lại hiệu quả kinh tế khoảng 8 triệu đồng. Như vậy, với 5 ngày bị câu lưu, thiệt hại cho cả tài xế và doanh nghiệp là không hề nhỏ.

Ai có trách nhiệm trước những thiệt hại này của chúng tôi”, tài xế Q. bức xúc, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra xử lý những dấu hiệu được cho là bất thường của Thanh tra Sở Giao thông Thanh Hóa.

Thanh tra giao thông vu khống tài xế “chống lệnh”?

Hôm 23/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết, việc câu lưu phương tiện là do lái xe không xuất trình được giấy tờ khi có lệnh kiểm tra.

“Về nguyên tắc khi phương tiện bị yêu cầu dừng xe thì lái xe phải xuất trình giấy tờ. Tuy nhiên lái xe không xuất trình giấy tờ mà còn bỏ đi.

Khi lái xe xuất trình giấy tờ thì chúng tôi mới cân trọng tải được, đồng thời mới có cơ sở để xử lý vi phạm.

Bây giờ họ không xuất trình giấy tờ thì chúng tôi thì phải chịu thôi chứ! Đương nhiên, lỗi là do tài xế không xuất trình giấy tờ chứ không phải do chúng tôi.

Giữ xe 5 ngày mới lập biên bản, Thanh tra giao thông Thanh Hóa muốn điều gì? ảnh 2Vì sao xe tải hết niên hạn sử dụng vẫn còn “đất sống”?

Tài xế còn chống đối người thi hành công vụ nữa”, ông Minh cho biết nhưng không hề đưa ra được căn cứ rằng, tài xế Q. chống đối người thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trái ngược với lời vị Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa nói, anh Q. (lái xe) cho rằng, “không có chuyện tài xế chống lệnh người thi hành công vụ”, đồng thời khẳng định, hành vi câu lưu của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa là trái quy định, có dấu hiệu vi phạm những điều cấm.

“Không lâu sau khi có lệnh của thanh tra, chiều ngày 15/3 tôi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ xe. Tuy nhiên, ngay cả khi có đầy đủ giấy tờ xe thì họ cũng không kiểm tra trọng tải xe, mặc dù nhiều ngày sau đó, cán bộ thanh tra vẫn có mặt tại trạm cân. Gần 1 tuần sau họ mới kiểm tra trọng tải và lập biên bản xe.

Còn việc Thanh tra nói tôi chống đối họ là hoàn toàn không chính xác. Nếu họ nói vậy thì phải có bằng chứng (lập biên bản sự việc) để khẳng định chuyện này”, tài xế Q. quả quyết và cho biết sẽ nộp đơn kiến nghị tới cấp có thẩm quyền để minh xét sự việc.

Căn cứ vào tài liệu có được có thể thấy, hành vi và cách ứng xử của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa khi thực hiện nhiệm vụ có dấu hiệu gây khó cho doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện. Đồng thời có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ. 

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng việc kiểm tra xe để thu giữ hàng hóa vận chuyển trên xe.

2. Sách nhiễu, gây phiền hà, nhận hối lộ của chủ xe, người điều khiển phương tiện hoặc người môi giới; có thái độ hống hách, thiếu văn hóa hoặc có hành vi gây tổn hại đến thân thể, sức khỏe, tài sản của người điều khiển và người đi theo xe.

3. Môi giới, chỉ dẫn hoặc có hành động tiếp tay cho người điều khiển phương tiện nhằm trốn tránh việc bị kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn theo quy định của pháp luật.

4. Tác động, điều chỉnh làm sai lệch kết quả kiểm tra; sửa chữa làm sai lệch biên bản, hồ sơ vi phạm.

DU THIÊN