Làm kinh tế thôi mà, ai lại làm như thế?

27/03/2018 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Chính quyền nói nhà máy tốt; doanh nghiệp nói bảo trì, còn người dân thì ngụm nước nhà mình cũng có người không dám uống.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh "Cả làng Hiệp Sơn đen sì từ khi nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi" thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua.

Nhiều người dân ở khu vực nhà máy luyện thép của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) lên tiếng cho rằng họ đang từng ngày từng giờ sống trong nỗi sợ hãi và vô lo lắng trước tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy này phát ra. 

Họ đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng kết quả vẫn chỉ là sự im lặng đến khó hiểu. 

Nhà máy luyện thép Hòa Phát bắt đầu hoạt động từ gần 10 năm qua cũng là chừng ấy năm người dân xã Hiệp Sơn và khu vực lân cận phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn.

Làm kinh tế thôi mà, ai lại làm như thế? ảnh 1Cả làng Hiệp Sơn đen sì từ khi nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi

Không khí ngột ngạt, cây cối, hoa màu bị phủ một lớp bụi đen sì, thậm chí hôm trời mưa như trút nước cũng không thể rửa sạch vì từng lớp bụi đen bám thành từng tầng lớp theo ngày tháng như tạo nên lớp keo đen kịt bám chắc vào lá cây.

Vào những mùa đông gió bắc bụi bay tứ tung khiến bầu không khí khu vực lúc nào cũng đặc quánh bởi lớp bụi lơ lửng mờ mờ.

Nhà nào trong khu vực này cũng rơi vào tình trạng tương tự, mái nhà phủ một màu xám đen kịt.

Nhiều nhà cửa đóng chặt cửa vẫn không thoát được khói bụi.

Không ít người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền sở tại, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy.

Buộc họ phải sống chung với lũ, thậm chí có gia đình phải đóng cửa bỏ hoang đi nơi khác sinh sống.

Một người dân trú tại xóm 1 thôn Hiệp Thượng cho hay, khói bụi bao phủ nên từ lâu nhiều người dân của hai thôn An Cường và Hiệp Thượng thường bị tức ngực, khó thở.

Những năm gần đây, chỉ riêng xóm 1 thôn Hiệp Thượng đã có tới hơn chục người chết vì ung thư.

Dù họ không đổ lỗi là của nhà máy thép, nhưng rất lo lắng.

Cây cối, hoa màu quanh khu vực nhà máy luyện thép Hòa Phát phủ một lớp bụi đen sì trên lá. Ảnh: Đ.H
Cây cối, hoa màu quanh khu vực nhà máy luyện thép Hòa Phát phủ một lớp bụi đen sì trên lá. Ảnh: Đ.H

Nói về nhà máy thép Hòa Phát này thì ai cũng biết thuộc Tập đoàn Hòa Phát. 

Đó là một tập đoàn lớn có uy tín trên thương trường. 

Việc nhà máy luyện thép của Hòa Phát tại Hải Dương đang gây bức xúc, lo lắng cho người dân thì lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát không thể đứng ngoài cuộc. 

Hơn nữa, một tập đoàn kinh tế lớn, nhận được sự nể trọng của người dân hơn nếu làm kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương. 

Hơn nữa, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng khi làm việc ở nhiều địa phương đã khẳng định, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nhà máy luyện thép gần khu dân cư là rất nguy hiểm đối với sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Khoảng cách giữa khu dân cư và nhà máy thép phải cách xa vài chục cây số mới đảm bảo sức khỏe của người dân.

Còn nhà máy luyện thép mà gần khu dân cư thì vô cùng độc hại vì môi trường đất, nước, không khí đều bị ô nhiễm.

Đặc biệt, khói bụi từ quá trình luyện, cán thép bay vào không khí, người dân hít phải sẽ rất độc. Rất độc bởi trong khói bụi từ quá trình luyện, cán thép như chất CO2, CO, axit hỗn hợp… người dân hít thở, tiếp xúc chất độc sẽ dần ngấm vào cơ thể và gây tổn hại sức khỏe.

Thậm chí, những chất này ngấm xuống nguồn nước, mạch nước ngầm mà người dân ăn phải thì hậu quả càng khó lường.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít người dân sống gần nhà máy thép mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo”.

Giáo sư Lê Huy Bá cho biết, khói bụi từ nhà máy luyện thép bay ra đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Ảnh: HUFI
Giáo sư Lê Huy Bá cho biết, khói bụi từ nhà máy luyện thép bay ra đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Ảnh: HUFI

Giáo sư Lê Huy Bá nhấn mạnh: “Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, người ta không bao giờ cho phép xây dựng các nhà máy thép gần khu dân cư.

Hơn nữa, họ sử dụng công nghệ luyện, cán thép rất hiện đại không gây khói bụi và tuân thủ quy định xả thải ra môi trường rất nghiêm ngặt.

Trong khi đó, ở nước ta ngành công nghiệp luyện thép đâu đó vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Đáng nói, đã có doanh nghiệp, để tránh tốn kém kinh phí bảo vệ môi trường họ xả thải trực tiếp vào môi trường như vụ Formosa đã gây tác động khôn lường đối với môi trường và người dân nhiều tỉnh miền trung”.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá, phải kiên quyết, nói không với nhà máy luyện thép xây dựng gần khu dân cư và phải sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong cán, luyện thép cũng như thắt chặt việc kiểm tra, giám sát xả thải ra môi trường. 

Cho đến thời điểm này, phía doanh nghiệp cũng đã lên tiếng khẳng định mình làm đúng, sự việc hôm 22/3 là do bảo trì hệ thống, cũng đã có báo trước. Chính quyền địa phương ghi nhận sự việc vầ cho biết, đúng là người dân đã nhiều lần kêu về môi trường, dù dân kêu bao nhiêu lần thì chưa không nhớ.

Tuy nhiên, người dân thì vẫn kêu, và nhiều lần kêu về vấn đề môi trường xung quanh nhà máy.

Vì vậy, cơ quan chức năng quản lý về môi trường cần sớm vào cuộc làm rõ việc xả thải của nhà máy luyện thép Hòa Phát để có hướng khắc phục cũng như đảm bảo cuộc số an toàn cho người dân và khu vực lân cận. Không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Liên quan đến sự việc, một người dân biết chuyện nêu quan điểm, Hòa Phát là doanh nghiệp lớn, hẳn có cách làm ăn khác người, và người này tin rằng doanh nghiệp sẽ không kiếm lợi bằng mọi giá.

Vũ Phương