Bi kịch gia đình khiến học sinh ở tuổi nổi loạn cạn nghĩ

30/03/2018 07:25
Hưng Long
(GDVN) - Nữ sinh được xác định thiệt mạng khi rơi từ tầng 3 của tòa nhà Bitexco có hoàn cảnh gia đình đặc biệt và thiếu vắng tình thương của bố.

Ngày 28/03, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, học sinh Trần Thị Khiết Phương (đã đổi tên nhân vật), lớp 11, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh tử vong do rơi từ tầng 3 của tòa nhà Bitexco.

Thông tin ban đầu, tối 27/03, em Phương có mặt tại tòa nhà Bitexco rồi rơi từ tầng 3 xuống. Nhiều người đã hỗ trợ và đưa em Phương đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: Cắt từ clip trên mạng xã hội.
Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: Cắt từ clip trên mạng xã hội.

Khoảng 3 tiếng sau, em Phương qua đời do những vết thương rất nặng. Sự việc diễn ra được tung lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhận được tin, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường ở quận Bình Thạnh và các quận lân cận rà soát sỉ số học sinh vắng mặt trong buổi sáng 28/03.

Danh tính em học sinh thiệt mạng được xác định đang học tại Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu.

Qua tìm hiểu thông tin, cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo đã nắm được gia cảnh của nữ sinh. Bố của Phương mất sớm nên em ở với mẹ và người bà con. Hôm trước khi xảy ra sự việc, em Phương vẫn đi học bình thường và có biểu hiện ít nói hơn.

Ông Hoàng thuật lại với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, gần đây, em Phương có mâu thuẫn với mẹ rồi dẫn đến xô xát. Những đêm trước, Phương không ngủ ở nhà dù vẫn đi học trên lớp. 

Bi kịch gia đình khiến học sinh ở tuổi nổi loạn cạn nghĩ ảnh 2Hiệu quả mang lại từ tổ tư vấn học đường 

Người phát ngôn của Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Sở cũng đã yêu cầu nhà trường phối hợp với gia đình để lo hậu sự cho em Phương.

Ông Hoàng nói, học sinh trung học có sự phát triển tâm sinh lý không ổn định. Gia đình phải đặc biệt quan tâm chia sẻ với các em.

Phải xem các em như những người bạn để gần gũi, lắng nghe các em trải lòng và cùng tháo gỡ những vướng mắc về tâm sinh lý của các em.

“Ở lứa tuổi này, thường được gọi là tuổi “nổi loạn” nên cần phải được quan tâm nhiều hơn từ phụ huynh, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt”, ông Hoàng đánh giá.

Hưng Long