Thành Điện Hải, di tích quốc gia đặc biệt

30/03/2018 07:03
An Nguyên
(GDVN) - Thành Điện Hải được xây năm 1813 thời vua Gia Long, là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương, bờ cõi.

Ngày 29/3, tại thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây năm 1813, thời vua Gia Long, ở gần phía biển. Ảnh: AN
Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây năm 1813, thời vua Gia Long, ở gần phía biển. Ảnh: AN

Tham dự lễ đón nhận có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng các chuyên gia văn hóa, lãnh đạo địa phương.

Đây là hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 160 năm ngày mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược (01/9/1858 – 01/9/2018) và kỷ niệm 43 năm ngày Đà Nẵng được giải phóng.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng luôn là một địa bàn chiến lược rất quan trọng của cả nước.

Thời kỳ lịch sử cận đại và hiện đại, các thế lực ngoại xâm chọn nơi đây làm đột phá khẩu để đánh chiếm nước ta.

Thành Điện Hải, di tích quốc gia đặc biệt  ảnh 2Xếp hạng 10 di tích quốc gia đặc biệt

Triều đình nhà Nguyễn nhìn rõ vị trí hiểm yếu của Đà Nẵng nên cho xây dựng ở đây nhiều công trình phòng thủ, trong đó quan trọng nhất Thành Điện Hải.

Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây năm 1813, thời vua Gia Long, ở gần phía biển.

Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được dời vào xây kiên cố ở vị trí hiện nay, được bố trí 30 khẩu đại bác cỡ lớn. Năm 1834, Đồn được đổi tên thành Thành Điện Hải.

Thành được xây bằng gạch, phỏng theo thiết kế kiểu Vauban của phương Tây, chu vi 556m, tường cao 5m, hào sâu 3m. Bên trong thành có hành cung, kỳ đài, kho đạn, kho thuốc súng, kho lương thực, vọng gác…

Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đem 14 chiếc thuyền đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

"Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn góp phần đánh lui những cuộc tiến công của quân địch.

Quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh, đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đã chiến đấu kiên trường, mưu trí, ngăn quân giặc không cho tiến sâu vào đất liền", ông Thơ nói.

Cuộc chiến đấu của quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân địch, buộc chúng phải rút quân khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860 sau một năm rưỡi bị sa lầy và chịu nhiều tổn thất.

Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, Thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp trầm trọng.

Năm 1988, Thành được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, tuy nhiên, chẳng những Thành không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn, cả vùng đệm và vùng lõi – yếu tố gốc của di tích.

“Mặc dầu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1988, nhưng với một công trình tồn tại gần 200 năm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên, của chiến tranh và của con người, Thành Điện Hải đã xuống cấp nghiêm trọng và bị xâm hại nặng nề cả vùng đệm và vùng lõi của di tích.

Thành Điện Hải, di tích quốc gia đặc biệt  ảnh 3Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào

Từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp tiến hành các biện pháp bảo tồn di tích.

Cụ thể như dừng hẳn việc xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc, vận động 80 hộ dân chuyển dời nhà ở ra khỏi dãy tường thành ở phía Tây...”, ông Thơ nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chia sẻ, ghi nhận về những giá trị lịch sử đặc biệt của Thành Điện Hải.

Qua đó, yêu cầu địa phương và các đơn vị chức năng phải giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Trong đó, chú ý quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Xây dựng phương án khai thác du lịch – văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để di tích trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan.

Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý di tích phù hợp với những quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích của địa phương trong điều kiện hiện nay.

An Nguyên