Vì sao chưa đình chỉ vụ giáo sinh bị đánh đến chấn động thai?

10/04/2018 06:57
XUÂN DU
(GDVN) - Trước đó, giáo sinh H. đã có đơn gửi cơ quan chức năng xin rút khiếu nại việc bị phụ huynh Phan Thị Nghĩa hành hung, làm nhục ở lớp học.

Công an thành phố Vinh, Nghệ An hôm 9/4 cho biết, đơn vị chưa ra quyết định đình chỉ vụ giáo sinh bị đánh đến chấn động thai

"Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra bình thường", một lãnh đạo Công an thành phố Vinh (xin giấu tên) cho biết.

Trước đó hôm 4/4, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Namanh Nguyễn Hoàng (24 tuổi, trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), chồng sắp cưới của cô P.T.H., giáo sinh Trường mầm non Việt-Lào, cho biết, giáo sinh H. đã có đơn gửi cơ quan chức năng xin rút khiếu nại việc bị phụ huynh Phan Thị Nghĩa hành hung, làm nhục ở lớp học.

Theo người nhà nạn nhân H.: "Phụ huynh Nghĩa đã đến trực tiếp gia đình để xin lỗi và rất ăn năn hối cải về hành vi gây ra đối với H.

Vì vậy gia đình chấp nhận lời xin lỗi của bà Nghĩa, đồng thời làm đơn bãi nại đối với phụ huynh", anh Hoàng cho biết và hy vọng, bà Nghĩa sẽ không lặp lại hành vi tương tự.

Cũng theo anh Hoàng, bà Nghĩa cũng đã thỏa thuận bồi thường dân sự, chịu toàn bộ chi phí thuốc men điều trị cho H.

Khuôn viên trường Mầm non Việt - Lào. Ảnh: Xuân Quang.
Khuôn viên trường Mầm non Việt - Lào. Ảnh: Xuân Quang.

Như vậy, khi phía bị hại đồng ý rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Vinh sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ khởi tố bị can căn cứ vào khoản 2 điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự?

Vì sao chưa đình chỉ vụ giáo sinh bị đánh đến chấn động thai? ảnh 2Khởi tố vụ án, khởi tố bị can phụ huynh đánh giáo sinh đến chấn động thai

Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về vấn đề này tại điều 155 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2.  Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3.  Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Như vậy, việc rút yêu cầu khởi tố một cách hoàn toàn tự nguyện, không có dấu hiệu của ép buộc hay cưỡng bức sẽ dẫn đến việc đình chỉ vụ án ở mọi giai đoạn của quá trình tố tụng của một vụ án hình sự, nghĩa là bên gây thiệt hại (người đang bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc những người có liên quan khác trong vụ án) sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Về việc này, vị lãnh đạo Công an thành phố Vinh cho biết: "Việc này phải có trao đổi đánh giá đúng khung hình phạt...".

XUÂN DU