Người lao động khắc khoải vì mất việc, huyện Như Thanh trả lời vô cảm!

12/04/2018 07:43
DU THIÊN
(GDVN) - Huyện Như Thanh nhiều năm sử dụng lao động sai quy định, thế nhưng cựu Chủ tịch, Chủ tịch huyện Như Thanh vẫn chưa bị xử lý trách nhiệm.

Sai phạm chưa bị xử lý

Hơn 2 năm trôi qua, cuộc sống gia đình của nhiều cựu kế toán Mầm non huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vẫn đang trong tình trạng xáo trộn sau cú sốc lớn từ quyết định hủy thỏa thuận hợp đồng do huyện ban hành.

Trong số cựu kế toán này, hiện vẫn có người vẫn chưa tìm được việc làm, thậm chí có lao động phải gửi gắm con cái cho người thân, rời quê đi làm ăn xa...

Hơn 2 năm nay, hàng chục lao động vẫn tiếp tục gửi đơn “cầu cứu” cơ quan có thẩm quyền, đề nghị giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người lao động, đồng thời kiểm tra, làm sáng tỏ trách nhiệm của cựu Chủ tịch, Chủ tịch huyện Như Thanh khi sử dụng lao động trái quy định. 

Người lao động khắc khoải vì mất việc, huyện Như Thanh trả lời vô cảm! ảnh 1Cựu kế toán Mầm non đề nghị xử lý trách nhiệm của Chủ tịch huyện Như Thanh

Gần chục năm, chắc cũng không hiếm các cuộc thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng lao động tại nhiều địa phương trong huyện và không loại trừ huyện Như Thanh. Nhưng thật khó hiểu, những vi phạm nêu trên vẫn không bị phát giác.

Những vi phạm trong việc sử dụng lao động của huyện Như Thanh có thể thấy rõ như: Sử dụng lao động nhiều năm không ký hợp đồng lao động; quyền lợi (tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp) không được đảm bảo theo quy định.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2011-2014, huyện này tuyển thêm 4 trường hợp kế toán trường học, gồm: Bà Ngô Xuân Q., sinh năm 1986; bà Tạ Thị H., sinh năm 1989; bà Lê Thị X., sinh năm 1983; bà Phạm Thị H., sinh năm 1986.

Mặc dù đây là những trường hợp được tuyển dụng vào ngành sau và nhiều người trong số này không thuộc diện ưu tiên, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã được tuyển dụng vào biên chế.

Trong khi đó, 16 kế toán đã có thâm niên công tác hàng chục năm và có tới 06 người thuộc diện thương binh, gia đình chính sách, con em dân tộc... thì không được ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lâu dài vào trí còn khuyết, thiếu.

Thay vào đó, họ bị đẩy ra đường bằng quyết định số 3259/QĐ-UBND về việc hủy quyết định thỏa thuận hợp đồng giáo viên, kế toán trường năm học 2015-2016 theo chỉ đạo chung của tỉnh Thanh Hóa.

Điều này xét về lý và tình đều không thỏa đáng.

Hàng chục lá đơn khiếu nại đã được gửi đi, nhưng quyền lợi của người lao động thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật. Ảnh: DU THIÊN.
Hàng chục lá đơn khiếu nại đã được gửi đi, nhưng quyền lợi của người lao động thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật. Ảnh: DU THIÊN.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, cùng thời điểm trên (2007 trở đi), Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh thực hiện ký hợp đồng lao động với nhiều giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các đơn vị trường học từ bậc học Mầm non đến Trung học cơ sở trên địa bàn.

Theo đó, huyện này đã ban hành các quyết định về việc hợp đồng giáo viên ngoài biên chế đối với 181 người. Hầu hết những giáo viên hợp đồng ở các môn đặc thù. Ngoài ra, huyện Như Thanh cũng có quyết định về việc thỏa thuận hợp đồng cán bộ, nhân viên Thư viện - Thiết bị trường học đối với 22 người.

Trong số này, nhiều lao động cũng được huyện sử dụng không đúng quy định. Bên cạnh các quyết định về việc hợp đồng giáo viên ngoài biên chế thì có cả quyết định về việc thỏa thuận hợp đồng cán bộ, nhân viên nhưng lại không thực hiện chế độ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thay vào đó, nhiều quyết định thỏa thuận lao động đều ghi rõ, chế độ Bảo hiểm xã hội là do cá nhân tự nguyện. Cũng có những quyết định có nội dung đề cập đến chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước nhưng lại được tính vào chế độ phụ cấp hằng tháng của người lao động. 

Những sai phạm rõ như ban ngày về việc sử dụng lao động trái luật của ông Lê Minh Giao (Cựu chủ tịch huyện Như Thanh) và ông Lê Văn Hùng (đương kim Chủ tịch huyện) đến nay vẫn chưa bị xử lý. Trong khi đó, quyền lợi của hàng chục cựu kế toán vẫn bị bỏ ngỏ.

"Vì không biết nên mới làm sai" 

Mặc dù quyền lợi của người lao động trong nhiều năm không được đảm bảo, nhưng cách mà huyện Như Thanh trả lời báo chí hôm 9/4 được cho là thiếu tính xây dựng nếu không muốn nói là vô cảm.

Khi được hỏi về việc tại sao đơn vị sử dụng lao động trong nhiều năm nhưng không ký hợp đồng đối với lao động; không đảm bảo các quyền lợi cho người lao động, bà Mai Thị Hà cho biết, thời điểm đó bà chưa được phân công công tác nên không nắm được sự việc.

Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh. ảnh Du Thiên.
Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh. ảnh Du Thiên.

Vị Trưởng phòng Nội vụ huyện Như Thanh cũng thừa nhận Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh có vi phạm về mặt thể thức văn bản khi ký quyết định thỏa thuận đối với nhiều lao động, nhưng đưa ra giải thích rằng: “Vì không biết nên mới làm sai”.

"Về mặt (quyết định) hành chính, nếu văn bản sai thì hủy, nhiều quyết định vẫn phải hủy là chuyện bình thường. Bây giờ họ có ý kiến vì cảm thấy chưa thỏa đáng (trong việc giải quyết quyền lợi) thì họ cứ ý kiến thôi”, bà Hà giải thích.

Trong khi đó, đại diện phía đơn vị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị sẽ vào cuộc, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để làm rõ thông tin sau khi nhận được phản ánh của người lao động.

“Sau khi nhận được đơn khiếu nại của người lao động, chúng tôi sẽ giao cho Ban Chính sách và Pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh nắm lại thông tin, đồng thời sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với người lao động”, ông Ngô Tôn Tẫn nói.

DU THIÊN