Trường nội trú tỉnh Phú Thọ và cuộc trò chuyện 4.0 đặc biệt

14/04/2018 06:21
Lại Cường
(GDVN) - Các em học sinh Trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ đã rất hào hứng khi nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giảng về thời đại 4.0

Học sinh hào hứng với cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 02/4 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ tổ chức  buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Mục tiêu chính của hội thảo là giúp các em nhận thức rõ nét về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về cơ hội khởi nghiệp, chọn việc làm, đồng thời chú trọng việc đào tạo phương pháp và kỹ năng sống trước ngưỡng cửa bước vào đại học.

Từ đó, các em sẽ chủ động hơn trong việc chọn nghề, chọn ngành học, chọn trường và hình thức học phù hợp để trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết, nhằm vượt qua thách thức và tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các em học sinh Trường trung học phổ thông nội trú tỉnh Phú Thọ bày tỏ ngưỡng mộ tấm gương lao động, học tập và đặc biệt tấm gương tự học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu và chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên, học sinh nhà trường (Ảnh: Lại Cường)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu và chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên, học sinh nhà trường (Ảnh: Lại Cường)

Các em học sinh đặc biệt chú ý đến quy trình dạy trồng nấm của Giáo sư Lân Dũng, đây là những kiến thức rất sát với thực tế đời sống các em.

Những kiến thức về nấm ăn đã khiến các em rất hào hứng muốn tìm hiểu.

Là trường chuyên biệt, Trường Trung học phổ thông nội trú tỉnh Phú Thọ có cơ sở vật chất đáp ứng đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh, cán bộ, giáo viên.

Học sinh tại trường được tạo điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại khóa, trực nội trú 24/24, đồng thời, tham gia lao động cải tạo môi trường, vệ sinh các khu vực, trồng rau xanh, chăn nuôi, chăm sóc vườn cây ăn quả…

Trung bình mỗi năm khi tăng gia của Trường Trung học phổ thông nội trú tỉnh Phú Thọ thu hoạch được gần 2 tấn rau xanh các loại và gần 1 tấn lợn hơi để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Trường nội trú tỉnh Phú Thọ và cuộc trò chuyện 4.0 đặc biệt ảnh 2Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng chắp cánh ước mơ cho cậu học sinh kém may mắn

Chính vì vậy các kiến thức về nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sạch của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tạo hứng khởi đặc biệt cho các em.

Được biết, phong trào nghiên cứu khoa học của trường thường xuyên được đề cao thực hiện.

Đến nay đã có 36 sáng kiến được hoàn thành, trong đó, 10 sáng kiến kinh nghiệm được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ nghiệm thu.

Quyết tâm chọn nghề sau khi nghe thầy Dũng nói chuyện

Bên lề cuộc hội thảo phóng viên đã có dịp trò chuyện với Đinh Văn Giảng, học sinh lớp 12C, một bí thư đoàn được đánh giá là rất năng động.

Cô giáo Đặng Thị Kim Thành, giáo viên chủ nhiệm của Đinh Văn Giảng, cho biết, Đinh Văn Giảng là một tấm gương vượt qua gian khó, vươn lên trong học tập.

Không chỉ học hành tốt, Giảng còn là một thủ lĩnh đoàn rất năng động của lớp 12C và của Trường trung học phổ thông nội trú tỉnh Phú Thọ.

Giảng cho biết, em sinh ra tại vùng Yên Lập (Phú Thọ), cuộc sống gia đình rất khó khăn. Ý thức được hoàn cảnh của mình ngay từ nhỏ em đã xác định chỉ có con đường học tập em mới có thể vươn lên thoát nghèo.

Xa nhà từ năm học lớp 6 khi vào trường nội trú của huyện Yên Lập, Giảng đã phải tự sắp xếp cuộc sống, kế hoạch học tập của mình để theo kịp chúng bạn.

Khi xuống theo học tại trường Trung học phổ thông nội trú tỉnh, dù đến từ vùng khó nhưng Giảng đã mạnh rạn tham gia hoạt động đoàn, hòa nhập tốt với môi trường mới.

Không chỉ vậy, thành tích học tập của Giảng ngày một tiến bộ nhờ biết sắp xếp hợp lý thời gian học tập, thời gian tự học và thời gian tăng gia sản xuất.

Giảng đặc biệt yêu thích các môn xã hội trong đó có môn Địa Lý và Lịch Sử, đặc biệt với môn Địa Lý, Giảng đã đạt giải nhất trong cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh Phú Thọ.

Đinh Văn Giảng bên cô giáo chủ nhiệm Đặng Thị Kim Thành (Ảnh: LC)
Đinh Văn Giảng bên cô giáo chủ nhiệm Đặng Thị Kim Thành (Ảnh: LC)

Nói về lý do chọn môn Địa lý, Giảng cho biết, đầu tiên đó là yêu thích của bản thân, địa lý tạo cho Giảng sự hứng khởi mới.

Những kiến thức địa lý thôi thúc Giảng khám phá các nguyên nhân của tự nhiên, của kinh tế xã hội để mở rộng kiến thức của mình.

Các kiến thức địa lý cũng đã giúp Giảng khám phá các kiến thức ở những nơi mà em mơ một ngày được đặt chân đến.

Những kiến thức về địa lý được Giảng áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày, từ đó tổng kết, rút ra kinh nghiệm để áp dụng ngay trong các bài thực hành trên lớp.

Nói về “bí quyết” vừa học tốt lại vừa năng động tham gia hoạt động Đoàn, Đinh Văn Giảng cho biết em cũng không có bí quyết gì, chủ yếu sắp xếp công việc tốt và do các Bầm chỉ bảo (Bầm – là cách học sinh trường nội trú gọi cô giáo của mình)

Sau khi nghe hội thảo về công nghệ 4.0 do Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thuyết giảng, Đinh Văn Giảng cho biết em càng cảm thấy quyết tâm hơn so với sự lựa chọn của mình. Bởi ngay từ nhỏ Đinh Văn Giảng  đã ước mơ trở thành một quân nhân.

Với thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, Giảng cho biết em hi vọng sẽ được học tập, ứng dụng nhiều trong môi trường quân ngũ.

Với Giảng, môi trường quân ngũ không chỉ là nơi em có thể rèn luyện bản thân cả về sức khỏe, bản lĩnh cuộc sống mà đó là môi trường có để giúp em thỏa mãn niềm đam mê học tập, tìm hiểu.

Lại Cường