Con chưa thấy nông dân nào là tỷ phú!

19/04/2018 11:57
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là chia sẻ chân thành của nam học sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về khởi nghiệp.

Ngày 16/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Mở đầu cuộc trò chuyện, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi: “Các em học để làm gì?” với 1.225 học sinh Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê.

Nhiều đáp án được nêu lên như học để làm giàu, để đền áp công ơn thầy cô, bố mẹ…nhưng thầy và trò của trường đã vô cùng bất ngờ với đáp án “Học để trở thành người tự do” của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi Giáo sư nêu câu trả lời này.

Ông chia sẻ đây là câu trả lời của bạn trẻ các nước tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt, thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động sẽ phải chịu sự cạnh tranh của rô bốt. Các em càng phải chuẩn bị tốt hành trang để khởi nghiệp thành công, để thành con người tự do bằng kiến thức, sự hiểu biết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện cùng học sinh. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện cùng học sinh. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dẫn ra nhiều ví dụ về những thách thức không nhỏ đang đặt ra với lao động trẻ của Việt Nam khi các rô bốt đã được các nhà máy nhập về để thay thế người lao động.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do, học sinh Việt Nam càng cần học để thành công dân toàn cầu.

Đặc biệt là Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Bên cạnh các cơ hội, người lao động Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam.

Lúc đó, nếu lao động Việt Nam không tự trau dồi ngoại ngữ, không là công dân toàn cầu thì rất khó có thể cạnh tranh việc làm.

Giáo dục về khởi nghiệp qua góc nhìn của Giáo sư John Vũ (Nguyên Phong)

Các thách thức là có thật và Giáo sư đã chia sẽ câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp làm giàu của anh nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ). Anh làm giàu từ chính vùng đất nông thôn.

Anh đã giúp bản thân và nhiều người nông dân thoát nghèo từ mô hình trồng bơ xen cà phê tại Tây Nguyên.

Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, anh Mười Bơ còn mong muốn xuất khẩu bơ ra thị trường nước ngoài.

Với ước mơ đó, Mười “Bơ” được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dẫn đường sang Úc để lấy giống bơ Úc mang về để trồng trên vùng đất Tây Nguyên và Nghệ An.

Xuất phát từ đứa trẻ học hết lớp sáu, sau nhiều năm bươn chải từ quê hương Nghệ An vào Tây Nguyên, bằng nghị lực, sự ham học hỏi, anh Mười Bơ giờ đã là tỷ phú.

Các em học sinh đã dành những tràng pháo tay vang dội khi Giáo sư tiết lộ mức thu nhập mỗi năm của anh Mười Bơ lên đến cả chục tỷ đồng.

Ngay khi Giáo sư đặt câu hỏi với một nam học sinh lớp 12 rằng: “Em đã thấy nông dân nào là tỷ phú?”.

Nam học sinh này đã thẳng thắn trả lời: “Con chưa thấy nông dân nào là tỷ phú?”.

Theo nam sinh này, câu chuyện của anh Mười Bơ là tấm gương với chính em về nghị lực, khao khát làm giàu từ chính làng quê để rồi vươn ra biển lớn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh với các em học sinh Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê: “Các em phải biết theo đuổi đam mê, hoài bão bằng kế hoạch cụ thể để thực hiện hóa ước mơ của mình.

Trong thời đại 4.0 các em phải nghĩ được, xem mảnh đất nhà mình trồng gì xuất khẩu được.

Vừa được nhiều tiền lại vừa đem lại ngoại tệ cho đất nước. Đây là ví dụ đơn giản việc các em có thể làm trong thời đại 4.0”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh kỷ niệm với các thầy, cô Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh kỷ niệm với các thầy, cô Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Giáo sư Dũng nhấn mạnh, thời đại 4.0 với nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội, nếu chúng ta vượt lên khó khăn, có nghị lực thì trình độ phổ thông cũng có thể làm giàu.

Kết thúc buổi nói chuyện, thầy Tạ Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê gửi lời cảm ơn đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chương trình hội thảo đầy ý nghĩ này.

Thay mặt thầy và trò của trường, thầy Tân gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ, giúp các em học sinh trau dồi kiến thức, tận dụng các cơ hội Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

“Bài nói chuyện thân tình, gần gũi thôi thúc thêm khát vọng học hỏi công nghệ của thầy cô giáo, tình yêu khoa học công nghệ của các em học sinh.

Đặc biệt là truyền cảm hứng khởi nghiệp cháy bỏng của các em học sinh Trường Trung học Phổ thông Cẩm Khê”, thầy Tạ Minh Tân nói.

Đỗ Thơm