Cần nói cho rõ: Đề xuất thu thuế nhà ở của dân là hết sức phiến diện

20/04/2018 07:06
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chính phủ khẳng định chưa xem xét đề xuất dự án Luật Thuế tài sản nhưng theo các chuyên gia thì cũng nên nói cho rõ.

LTS: Tuần qua, Bộ Tài chính đã gây xôn xao dư luận bằng thông tin về việc đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở.

Đặc biệt ngưỡng mà Bộ Tài chính đang nghiêng về là đánh thuế tài sản với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Ngưỡng này đã gặp phải rất nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia kinh tế.

Dù Chính phủ khẳng định chưa xem xét dự án Luật này nhưng các chuyên gia cho rằng nên phân tích cặn kẽ để thấy căn cứ đánh thuế, mục tiêu sẽ khó tròn trịa như Bộ Tài chính diễn giải.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin chia sẻ ý kiến của chuyên gia kinh tế, luật sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tín và Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.

Người thu nhập thấp sẽ thêm… “trầy vi tróc vảy”

Tiến sĩ Bùi Quang Tín thẳng thắn nhận định, trong bối cảnh nhà đất đã gánh quá nhiều loại thuế, phí, Bộ Tài chính đề xuất ban hành sắc thuế tài sản, trong đó mức thuế suất áp dụng cho nhà ở là 0,3%-0,4% khiến dư luận cảm thấy nhức nhối.

Theo ông, thực tế cho thấy để hoàn tất các thủ tục sở hữu nhà ở, người mua nhà phố riêng lẻ hay căn hộ phải đóng khá nhiều loại thuế, phí nhưng xét về bản chất là thuế.

Phần lớn đối tượng có nhu cầu về nhà ở là người trong độ tuổi lao động, có việc làm ổn định, đặc biệt là công chức, viên chức có thu nhập trung bình 10-15 triệu đồng/tháng.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tiến sĩ Bùi Quang Tín. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi có thu nhập, người dân đã đóng thuế thu nhập cá nhân. Chủ doanh nghiệp cũng đã đóng thuế thu nhập, thuế môn bài.

Bản chất của thuế tài sản nhà ở là có việc thuế chồng thuế.

Mục tiêu của loại thuế này là để điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ nhưng nếu nhà nước không loại bỏ thuế đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất, lệ phí hoàn công nhà ở... thì việc thu thuế tài sản nhà ở là không hợp lý.

Bởi trên thực tế, các sắc thuế này đã chuyển hóa vào giá trị của nhà ở qua quá trình hình thành, sử dụng. Vì thế, thêm một loại thuế sẽ không có chuyện giúp giá nhà đất giảm như mục tiêu của Bộ Tài chính.

Tiến sĩ Tín nhấn mạnh, vấn đế cốt lõi của thuế tài sản đối với nhà ở là đối tượng nào phải gồng gánh sắc thuế này?

Cần nói cho rõ: Đề xuất thu thuế nhà ở của dân là hết sức phiến diện ảnh 2Ông Bùi Kiến Thành: "Đề xuất áp thuế nhà ở từ 700 triệu là vô tình, vô lý"

Một số liệu thống kê cho thấy có khoảng 50 triệu người ở lứa tuổi lao động, trong đó phần lớn có thu nhập trung bình 10-15 triệu đồng/tháng luôn nuôi dưỡng căn nhà mơ ước.

Như thế, sắc thuế này ra đời sẽ trực tiếp đánh vào người lao động có thu nhập trung bình - một đối tượng mà cơ quan quản lý dễ bề nắm bắt thông tin. Bởi 100% thu nhập của họ luôn được chi trả qua ngân hàng.

Trong khi đó, đối tượng này thường phải "trầy vi tróc vảy" hàng chục năm mới mua được một căn nhà.

Ông phân tích, một viên chức thường phải chi tiêu cho bản thân và gia đình từ 8-12 triệu đồng/tháng, tính ra tích góp được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Như thế, người này phải tích lũy hơn 20 năm mới mua nhà căn nhà 700 triệu đồng - mức sàn được miễn thuế nhà ở.

Đối với trường hợp viên chức đó đã có được 300 triệu đồng và muốn mua căn nhà 1 tỷ đồng, họ phải vay ngân hàng 700 triệu đồng trong thời hạn 20 năm, mỗi tháng phải tích lũy 7 triệu đồng để trả vốn và lãi cho ngân hàng.

"Giả sử thu nhập của người này không tăng thì lấy tiền đâu để nộp thuế tài sản đối với nhà ở?", Tiến sĩ Tín đặt câu hỏi.

Mức 700 triệu đồng là hết sức phiến diện!

Về căn cứ xem xét đánh thuế, theo Tiến sĩ Tín, Bộ Tài chính dựa vào việc Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. 

Một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2 và giá thành xây dựng 7,3 triệu đồng/m2 để xác định giá trị căn hộ 700 triệu đồng được miễn thuế nhà ở là hết sức phiến diện!

Bởi trên thực tiễn, không phải gia đình nào cũng có 4 người, đồng thời số người của từng hộ có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

“Theo tôi, thuế này nên tập trung vào người có nhà ở thứ hai. Vì đây là đối tượng có thu nhập cao, hơn là nhắm vào đối tượng có thu nhập trung bình”, ông Tín nói.

Về mục tiêu hướng tới của loại thuế này, Bộ Tài chính cho rằng đánh thuế tài sản với nhà ở là để hạn chế đầu cơ, làm giá bất động sản. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tín cho rằng là không hiệu quả.

Giá thực tế người dân phải trả cao hơn rất nhiều. Và ngưỡng này sẽ lớm lỗi thời.

Cần nói cho rõ: Đề xuất thu thuế nhà ở của dân là hết sức phiến diện ảnh 3Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, dân mệt lấy sức đâu mà đẩy?

Cùng bàn về vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, căn cứ để Bộ Tài chính lấy mức 700 triệu đồng trở lên đề xuất đánh thế là không thuyết phục.

Một khía cạnh khác được vị Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập đến là trường hợp, một người có căn nhà duy nhất nhưng căn nhà đó có được là do được người thân để lại.

Nếu người đó thu nhập không có, việc đánh thuế sẽ khiến họ hoang mang, lo lắng.

“Dù có quy định, tiền thuế đó có thể nợ và trừ khi chuyển nhượng nhưng nếu họ không có ý định chuyển nhượng thì làm sao? Ai muốn mang nợ suốt đời. Đó là gánh nặng về mặt tinh thần. Họ sẽ không yên tâm làm việc.

Theo tôi, nếu đánh thuế tài sản thì nên đánh thuế từ bất động sản thứ hai là hợp lý”, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.

 Một căn nhà chịu bao nhiêu loại thuế?

-  Lệ phí trước bạ được tính bằng diện tích đất nhân (x) với giá đất 0,5%, trong đó giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ấn định.

- Thuế GTGT 10%  đã được ẩn vào giá trị căn nhà.

- Người mua nhà đóng thuế đất phi nông nghiệp, phí thẩm định địa chính 0,15%/giá trị chuyển nhượng với mức tối thiểu 100.000 đồng và tối đa là 5 triệu đồng.

- Người bán nhà và nếu căn nhà đó là căn thứ 2 thì đóng thuế thu nhập cá nhân 2%/giá trị chuyển nhượng.

- Đối với căn hộ, thuế sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá trị.

- Đối với nhà phố riêng lẻ, thuế sử dụng đất chiếm 30% giá trị.

- Phí hoàn công. (Theo Tiến sĩ Tín, đây chính là sắc thuế tài sản nhà ở chưa được đặt tên)

- Nếu trong tương lai chủ nhà phải đóng thuế nhà ở, tức người đó đã đóng thuế 2 lần.

Đỗ Thơm