Ở Anh, Mỹ đã có nhiều người chết vì hít bóng cười, giới trẻ Việt Nam chưa sợ?

22/04/2018 06:00
Thanh Huyền - Minh Nguyệt
(GDVN) - Bước lên tầng 2 của quán cafe, hình ảnh đầu tiên “đập” vào mắt là những chàng trai, cô gái chỉ tầm 20 tuổi, trên tay đang cầm bóng cười cỡ lớn, hít từng hơi.

Người chơi bóng cười ngày càng trẻ?

Bóng cười là chất kích thích khá phổ biến và quen thuộc với giới trẻ Việt vài năm gần đây.

Đây thực chất là quả bóng bay thông thường, được bơm khí nitrous oxide (N2O), khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, tạo ra những cơn buồn cười ảo.

Nếu như khi mới xuất hiện vào năm 2013, bóng cười chủ yếu có trong quán bar, dành cho dân chơi nhiều tiền thì giờ đây, chất kích thích này được bán công khai tại các quán cà phê vỉa hè, bia cỏ...

Dạo quanh một vòng những con phố nổi tiếng cafe, bar như Tạ Hiện, Lý Thái Tổ, không khó để bắt gặp những quán cafe bán đồ kích thích như bóng cười, shisha.

Những biện pháp mạnh từ chính quyền không thể khiến các quán bỏ đi một “món hàng” siêu lãi như bóng cười.

Theo tìm hiểu, một bình khí nitrous oxide (N2O) khoảng 5 triệu đồng, có thể bơm khoảng 100 đến 150 quả bóng. Tính ra chỉ cần bán được một bình, các chủ cửa hàng đã lãi gấp đôi.

Bước chân vào một quán cafe “cỏ” trên phố Lý Thái Tổ, chúng tôi dễ dàng hỏi mua được bóng cười.

Khi nhắc đến chuyện muốn dùng bóng cười, nhân viên sẽ dẫn khách hàng lên tầng 2, nơi khá kín đáo nhằm tránh sự chú ý.

Bước chân lên tầng 2, hình ảnh đầu tiên “đập” vào là những thanh niên chỉ tầm 20 tuổi đang cầm trên tay trái bóng cười hít từng hơi.

Dễ dàng hỏi mua bóng cười với giá 70.000 đồng/quả. (Ảnh: Thanh Huyền - Minh Nguyệt)
Dễ dàng hỏi mua bóng cười với giá 70.000 đồng/quả. (Ảnh: Thanh Huyền - Minh Nguyệt)

Theo quan sát của chúng tôi, lượng bóng tiêu thụ tại quán không hề ít, bóng được bơm ngay gần chỗ ngồi của khách và được khách gọi thường xuyên.

Khi được hỏi có giới hạn độ tuổi hay số bóng bán cho mỗi khách hay không, nhân viên quán trả lời “Không, muốn hút bao nhiêu thì hút, càng nhiều càng ít!”.

Điều đáng nói là những người chơi bóng cười rất trẻ. Ngồi cạnh bàn chúng tôi là một bạn gái cho biết đang là sinh viên: “Mình thế này là ‘dừ’ rồi, nhiều đứa bây giờ 14,15 tuổi đã bắt đầu chơi “bóng” đấy”.

Bạn gái này cho biết: "Hút một quả bóng chỉ gây buồn cười, vô thưởng vô phạt. Dùng xong, người không ám mùi, mặt mũi không thay đổi, dùng nhiều không nghiện nên mình thích".

Những người sử dụng bóng cười dường như có xu hướng đang ngày càng “trẻ hóa”. (Ảnh: Thanh Huyền - Minh Nguyệt)
Những người sử dụng bóng cười dường như có xu hướng đang ngày càng “trẻ hóa”. (Ảnh: Thanh Huyền - Minh Nguyệt)

“Bóng cười không gây nghiện, gây hại” cũng là quan điểm của nhiều bạn trẻ. Một nam sinh nói với chúng tôi: "Bây giờ, ít người dùng cỏ, đá hay thuốc lắc vì những thứ đó rất hại người, ảnh hưởng đến sau này.

Bóng cười, shisha chỉ để nghe nhạc phê hơn thôi. Cầm quả bóng nhún nhảy theo nhạc nhìn rất chơi".

Tuy nhiên, thực tế, không một chủ cửa hàng hay người bán bóng cười nào biết được khí trong đó chính xác là chất gì, ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và dùng nhiều có nghiện hay không.

Bóng cười và những tác động khôn lường

Các chuyên gia y khoa trên thế giới từng cảnh báo rằng bóng cười ẩn chứa rất nhiều mối nguy hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh người sử dụng, hệ tim mạch, nặng hơn là không kiểm soát được bản thân, trầm cảm, thậm chí là tử vong. 

Infographic: Thanh Huyền - Minh Nguyệt
Infographic: Thanh Huyền - Minh Nguyệt

Vừa qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức lên tiếng cảnh báo về việc gia tăng bệnh nhân trúng độc vì hít bóng cười.

Theo đó, trung tâm đã tiếp nhận trường hợp nam thanh niên phải nhập viện vì hút quá nhiều bóng cười.

Nam thanh niên có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững.

Qua khám lâm sàng và xét nghiệm còn thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống. (1)

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Bộ môn Y tế Gia đình, Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội) khẳng định, bóng cười có rất nhiều tác hại.

Khi hít bóng cười, người dùng có thể gặp phải hiện tượng ảo giác, phấn khích quá độ do khí N2O đẩy tăng vọt nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể người.

Khi hít vào một lượng nhỏ khí N2O, sự phấn khích chỉ kéo dài vài giây. Tuy nhiên với những người thường xuyên sử dụng bóng cười hoặc sử dụng với số lượng lớn một lần, tình trạng gặp phải ảo giác sẽ trở nên nặng nề”, Bác sĩ Nhung cho biết.

Những người nhập viện do sử dụng loại chất kích thích này thường có những biểu hiện như: suy hô hấp, mất kiểm soát hành vi, có dấu hiệu của bệnh tâm thần (phấn khích quá độ, thấy ảo giác, trầm cảm...), chân tay run rẩy hay co giật.

Bác sĩ Tuyết Nhung cũng chia sẻ thêm, để điều trị cho những trường hợp nhập viện vì bóng cười là khá khó khăn.

Trước hết cần phải cách ly người bệnh với việc sử dụng loại chất kích thích này, kết hợp với các liệu pháp tâm lý để thần kinh của người bệnh dần trở về bình thường.

Điều này đòi hỏi bản thân người bệnh và gia đình phải có quyết tâm rất lớn.

Sau đó đối với những trường hợp nặng, gây ảnh hưởng đến thể chất phải kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

Cá biệt đã từng có trường hợp một người bệnh mới trên 20 tuổi phải cấp cứu do ngất sau khi sử dụng bóng cười.

Người bệnh này thừa nhận sử dụng bóng cười theo cân (kg) chứ không phải quả bóng bình thường, và thường xuyên hít bóng cười hàng ngày.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân chuyển sang liệu pháp châm cứu nhưng không thể khôi phục được chức năng hoạt động của cơ thể như ban đầu.

Vì vậy, trên lý thuyết, sau khi cai thành công việc sử dụng bóng cười, thể chất và tâm lý người bệnh sẽ trở lại bình thường, nhưng thực tế hầu hết các ca sử dụng bóng cười đều để lại những di chứng nhất định.

Đặc biệt là với những người sử dụng bóng cười thường xuyên, lệ thuộc thì rất dễ sử dụng trở lại.

Hay với những người sử dụng bóng cười cùng các loại chất kích thích nguy hiểm khác như ma túy đá... sẽ khiến tâm thần không ổn định, rối loạn ảo giác, gây ra những ảnh hưởng đến nhân cách, thậm chí mất khả năng kiểm soát hoạt động của cơ thể.

Tài liệu tham khảo:

(1) http://vtv.vn/suc-khoe/canh-bao-gia-tang-tinh-trang-ngo-doc-khi-bong-cuoi-2018040613333353.htm

Thanh Huyền - Minh Nguyệt