Giáo sư Phạm Hồng Quang và bài toán sinh viên sư phạm không thất nghiệp

26/04/2018 06:16
Thùy Linh (thực hiện)
(GDVN) - Đại học sư phạm Thái Nguyên chuyển từ đào tạo theo chuyên môn hẹp sang đào tạo học vấn nền tảng kiến thức rộng, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp.

LTS: Sau kỳ tuyển sinh năm 2017 - năm mà ngành Sư phạm được cho là lâm vào cảnh "rớt giá" khi điểm chuẩn của nhiều trường/ngành quá thấp.

Một trong những thay đổi lớn trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2018 là chủ trương về việc không quy định điểm sàn cho các trường như những năm trước mà chỉ quy định điểm sàn cho riêng ngành Sư phạm đồng thời yêu cầu điểm đầu vào cao đối với ngành này. 

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, muốn tạo ra sự chuyển dịch tích cực chất lượng với ngành đào tạo giáo viên và cải thiện tình trạng thờ ơ với nghề giáo của một bộ phận học sinh hiện nay thì bản thân các trường sư phạm phải thay đổi cách thức đào tạo. 

Về vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (Ðại học Thái Nguyên) xem nhà trường đã từng bước chuyển dịch xu hướng đào tạo như thế nào?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Phóng viên: Giáo dục trong thời đại mới đòi hỏi người giáo viên rất nhiều kỹ năng, nhu cầu học tập của học sinh càng ngày càng cao vậy trường Đại học Thái Nguyên đã có những thay đổi như thế nào (đặc biệt là chương trình đào tạo) để phù hợp với giáo dục hiện đại, tránh tình trạng thất nghiệp?

Giáo sư Phạm Hồng Quang: Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhu cầu nguồn nhân lực đã thay đổi. Người giáo viên trong xã hội tri thức cần nhiều kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu giáo dục của học sinh. 

Từ năm 2011 đến nay, Trường đã đổi mới quy trình phát triển chương trình đào tạo nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục. Các hướng phát triển đó là:

Thứ nhất, chuyển từ xây dựng chương trình theo định hướng nội dung sang xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng năng lực. 

Theo hướng này, chương trình đào tạo của nhà trường thường xuyên được cập nhật, đổi mới tạo điều kiện cho sinh viên hình thành những năng lực cốt lõi, thích ứng với nghề nghiệp. 

Điều kiện cơ bản là chúng tôi đã cử nhiều giảng viên ra nước ngoài: Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật bản…để bồi dưỡng tập huấn về phát triển chương trình và đã triển khai đúng hướng.

Theo Hiệu trưởng Đại học sư phạm Thái Nguyên tiết lộ, Nhà trưởng chuyển từ đào tạo theo chuyên môn hẹp sang đào tạo học vấn nền tảng kiến thức rộng, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp. (Ảnh: Website Đại học sư phạm Thái Nguyên)
Theo Hiệu trưởng Đại học sư phạm Thái Nguyên tiết lộ, Nhà trưởng chuyển từ đào tạo theo chuyên môn hẹp sang đào tạo học vấn nền tảng kiến thức rộng, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp. (Ảnh: Website Đại học sư phạm Thái Nguyên)

Thứ hai, chuyển từ đào tạo theo chuyên môn hẹp sang đào tạo học vấn nền tảng kiến thức rộng, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp. 

Nhà trường đang tiến hành nghiên cứu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên theo triết lí của UNESCO “đào tạo giáo viên trở thành chuyên gia giáo dục chứ không phải là chuyên gia truyền đạt kiến thức”. 

Rõ ràng, chương trình giáo dục phổ thông đổi mới thì việc đào tạo giáo viên cũng phải thay đổi từ mô hình này. 

Kết quả nghiên cứu ban đầu về chương trình phổ thông mới đã thúc đẩy chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo của Trường theo kiểu mô đun hóa, chia thành các giai đoạn; giáo viên sẽ được đào tạo theo lĩnh vực giáo dục để dạy ở giai đoạn giáo dục cơ bản của phổ thông và dạy chuyên sâu ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. 

Sinh viên tốt nghiệp sẽ có thể đảm nhiệm được những vị trí việc làm khác nhau, ở các cấp học khác nhau, không bị bó hẹp như trước. 

Mô đun hóa chương trình đào tạo còn có tác dụng lớn khi chúng tôi “chiết xuất” các mô đun cơ bản để xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, như vậy chương trình đào tạo và bồi dưỡng phải gắn kết.

Thầy có thể chia sẻ thêm về những sự khác biệt, những điểm nhấn riêng biệt để tạo nên thương hiệu giáo dục của sư phạm Thái Nguyên đã và đang triển khai?

Giáo sư Phạm Hồng Quang:
Mặc dù điểm trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên không phải là cao nhất trong các trường sư phạm. 

Theo địa bàn tuyển sinh có đến gần 50% sinh viên của trường là người dân tộc thiểu số.

Nhưng sinh viên Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên tốt nghiệp đã có đủ năng lực nghề nghiệp không thua kém so với các trường khác, thậm chí có một số lĩnh vực còn vượt trội.

Giáo sư Phạm Hồng Quang và bài toán sinh viên sư phạm không thất nghiệp ảnh 2Các trường sư phạm nên ngưng đào tạo một số chuyên ngành thừa

Ví dụ sinh viên khoa Giáo dục tiểu học của trường chúng tôi có hàng chục em trúng tuyển vào các Trường danh tiếng như hệ thống Vinschool, trường liên cấp quốc tế Việt Nam –Singapore…ngay từ khi đi thực tập sư phạm. 

Tỉ lệ sinh viên có việc làm ở các ngành này chiếm trên 80%.

Theo khảo sát, hiện nay ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…) có khoảng 70 – 90% giáo viên  là cựu sinh viên của trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. 

Còn các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ cũng có rất nhiều giáo viên là cựu sinh viên của Trường. 

Ở tất cả các địa phương này, trình độ và phẩm chất của những giáo viên tốt nghiệp từ Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên đều rất tốt. Chúng tôi coi trọng giáo dục trách nhiệm trong nghề nghiệp – đây cũng là xu hướng quốc tế nhấn mạnh về năng lực và phẩm chất nhà giáo. 

Để có được kết quả như vậy, Trường đã thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất: Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục để hỗ trợ đào tạo tốt hơn. 

Hàng năm có hàng trăm sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh đạt giải nghiên cứu khoa học và đạt giải trong các kỳ thi olympic;

Thứ hai: Tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Mỗi giảng viên của Trường đều có 1 chỗ làm việc (trong nhà 11 tầng), giáo viên được hỗ trợ về vật chất, động viên về mặt tinh thần đặc biệt là việc học tập nâng cao trình độ. 

Đến nay, trình độ tiến sĩ của giảng viên trường đạt trên 45%; đang có hàng chục giảng viên học nghiên cứu sinh tại nước ngoài…Vấn đề căn bản là tạo môi trường dân chủ, sáng tạo cho giảng viên và trong đó, tạo động lực vật chất và tinh thần cho mọi người.

Thứ ba: Quan tâm sâu sắc đến sinh viên, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên yên tâm học tập tốt. Nhà trường có đội ngũ cố vấn học tập rộng khắp, 100% giảng viên đều tham gia làm cố vấn học tập cho nhóm từ 10 - 15 sinh viên. 

Chúng tôi cử sinh viên xuống trường phổ thông ngay từ năm thứ nhất, tạo môi trường cho các em học nghề tại trường phổ thông; mời giáo viên phổ thông đến giảng bài cho sinh viên và đưa giảng viên sư phạm xuống hỗ trợ phổ thông. 

Điều này được Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá cao từ nhiều năm nay. Trong đề án chiến lược 5 năm tới chúng tôi đặt trọng tâm vào xây dựng chương trình đào tạo dành cho sinh viên là người dân tộc thiểu số, điều này đã được chuyên gia Hồng Kông (trong chương trình ETEP) khẳng định và đánh giá cao về tính khả thi và đảm bảo cho sứ mạng của trường được khẳng định…

Sự tiến bộ của sinh viên (đặc biệt là sinh viên miền núi) trong quá trình đào tạo tại trường được coi là thương hiệu của Trường.

Trước những biểu hiện lệch lạc của giáo viên hiện nay trong việc giáo dục học trò, Trường Đại học Sư phạm Thái nguyên đã có những điều chỉnh như thế nào để các cô thầy giáo trong tương lai không vi phạm đạo đức, chuẩn mực nhà giáo?


Giáo sư Phạm Hồng Quang:
Vấn đề đạo đức nhà giáo do nhiều yếu tố tác động, ngoài yếu tố đào tạo trong trường sư phạm thì phải kể đến sự tác động của những vấn đề tiêu cực trong xã hội và cả vấn đề luật pháp…

Để hạn chế những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai của các giáo sinh, nhà trường đã đã đưa ra một số biện pháp như sau:

Giáo sư Phạm Hồng Quang và bài toán sinh viên sư phạm không thất nghiệp ảnh 3Ủy ban Văn hóa, Giáo dục “hiến kế” tăng tính hấp dẫn của nghề giáo

- Đưa vào chương trình đào tạo những học phần giáo dục về đạo đức và lối sống.

- Tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, đặc biệt những kỹ năng mềm.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài trường: từ thiện, nhân đạo, văn hóa, thể thao, thi Olympic, nghiên cứu khoa học và rất nhiều hoạt động thiện nguyện, sinh viên được rèn luyện thực tế và đã thành công…

Đoàn thanh niên, hội sinh viên được sinh hoạt đa dạng, có thể thảo luận ngay các vấn đề “nóng” của thanh niên, sinh viên: việc làm, đạo đức nghề nghiệp, truyền đạo trái phép, lí tưởng sống…

Do vậy, các em có niềm say mê thực sự trong học tập và nghiên cứu khoa học, ngay tháng 4/2018, sinh viên Khoa Vật Lí, Khoa Toán…đạt nhiều giải nhất nhì trong thi Olympic, nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc được khen…

- Tăng cường giáo dục pháp luật trong sinh viên. Ví dụ các kì thi học phần của trường sư phạm nhiều năm nay rất nghiêm túc, không có gian dối và quay cóp…

Đặc biệt là phương pháp nêu gương, chúng tôi coi trọng hình ảnh nhà giáo trong nhà trường sư phạm, với những yêu cầu cao về năng lực, nhấn mạnh yêu cầu trách nhiệm và chức năng truyền cảm hứng đến sinh viên của người thầy sư phạm; tạo cơ hội để các em tiếp xúc với môi trường xã hội…

Tăng cường lấy ý kiến phản hồi từ người học về các thầy cô nhằm điều chỉnh chất lượng dạy học.

Chúng tôi đang thực hiện theo quan điểm của UNESCO: “Giáo dục là làm cho con người phát triển tối đa bản năng trong khuôn khổ luật pháp”.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đến hết năm học 2016 - 2017, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm). 

Trong 5 năm qua, Bộ đã chủ động cảnh báo về tình trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm; yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên giảm chỉ tiêu khoảng 10%/năm; tính đến năm học 2016-2017, chỉ tiêu ngành sư phạm giảm khoảng 30% so với năm học 2012 - 2013.

Thùy Linh (thực hiện)