Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình"

26/04/2018 10:12
Thùy Linh - Đỗ Thơm
(GDVN) - “Vì quyền lợi cao nhất của chính học sinh và nhân dân, chúng tôi sẵn sàng chịu sự khiển trách của Sở. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh xong vào lớp 1".

Ngày 26/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp”.

Tại hội thảo, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đã có những chia sẻ 6 vấn đề liên quan đến hệ thống trường tư thục.

Theo đó, thầy Khang nêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, trường tư ra đời như thế nào?

Nền kinh tế Việt Nam bên bờ vực thẳm. Sau chiến tranh, khủng hoảng trầm trọng về "giá - lương - tiền". 

Năm 1986, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI quyết định đột phá: "Đổi mới tư duy", chuyển nền kinh tế từ "quan liêu bao cấp" sang "kinh tế thị trường", cho phép hình thành và phát triển bình đẳng 5 thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Trong bối cảnh đó, ông Văn Như Cương (giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội) và ông Nguyễn Xuân Khang (giảng viên Đại học tổng hợp Hà Nội) xin phép mở trường phổ thông tư thục.

Thầy Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie khẳng định: “Vì quyền lợi cao nhất của học sinh và nhân dân, chúng tôi sẵn sàng chịu sự khiển trách của Sở. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh xong học sinh vào lớp 1". (Ảnh: Lại Cường)
Thầy Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie khẳng định: “Vì quyền lợi cao nhất của học sinh và nhân dân, chúng tôi sẵn sàng chịu sự khiển trách của Sở. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh xong học sinh vào lớp 1". (Ảnh: Lại Cường)

Ngày 11/8/1988, Bộ Giáo dục lần đầu tiên tổ chức Hội nghị xem xét Đề án mở trường tư:

Sau 3 giờ, Bộ thông qua Đề án (của ông Văn Như Cương và ông Nguyễn Xuân Khang), nhưng chỉ cho phép mở trường phổ thông dân lập (phải được một tổ chức, theo quy định, đứng tên xin mở trường), không được mở trường tư.

Sau 10 ngày, Bộ Giáo dục ban hành văn bản cho phép thành lập trường dân lập đầu tiên - Trường phổ thông trung học dân lập Lương Thế Vinh - tại Hà Nội. 

Sau 1 năm, Trường phổ thông trung học dân lập Lương Thế Vinh ra đời, ông Văn Như Cương làm Hiệu trưởng, ông Nguyễn Xuân Khang làm Phó Hiệu trưởng.

2. Quy chế, Nghị định về trường tư

- Năm 1989: Bộ Giáo dục ban hành Quy chế tạm thời về trường phổ thông dân lập.

- Năm 1991: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế (chính thức, đầu tiên) về trường phổ thông dân lập.

- Năm 2001: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục).

Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình" ảnh 2Tuyển sinh lớp 5, trường trung học chất lượng cao tại Đức tổ chức thế nào?

- Năm 2011: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.

Đây chính là Quy chế hiện hành. Theo Quy chế này, bây giờ không còn trường bán công, dân lập. Chỉ còn trường tư thục song song với trường công lập.

Còn Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định về chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục:

Năm 1999: Chính phủ ban hành Nghị định 73/1999/NĐ về chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

Sau 10 năm, lần đầu tiên Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi trường ngoài công lập. 

- Năm 2017: Chính phủ ban hành Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đây là Nghị định mới nhất.

3. Phát triển trường tư thục vì lợi ích quốc gia

Thầy Nguyễn Xuân Khang nêu, khuyến khích phát triển trường tư trước tiên vì lợi ích quốc gia bởi lẽ kinh tế tư nhân là 1 trong 5 thành phần kinh tế của xã hội;

Trường tư tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước; Trường tư tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.

Khuyến khích phát triển trường tư cũng là vì lợi ích của người học. Theo đó, học sinh có thêm nhiều lựa chọn phong phú (bán trú, nội trú, song ngữ, song bằng, chương trình quốc tế...); Học sinh có thêm nhiều cơ hội học tập chất lượng cao.

4. Đặc điểm trường tư

- Khó khăn: Trường tư có hai khó khăn và cũng là hai thách thức lớn nhất đó là CƠ SỞ VẬT CHẤT và TUYỂN SINH. Xây dựng được cơ sở vật chất ổn định, tuyển được học sinh đạt chỉ tiêu chắc chắn trường tư sẽ phát triển!

Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình" ảnh 3Ngày nào còn định kiến với trường tư, giáo dục Hà Nội khó cất cánh

- Thuận lợi: Trường tư có nhiều thuận lợi hơn trường công ở tính năng động và sáng tạo!

Họ phải tìm cách để tồn tại:

Phải tránh cho được những tiêu cực mà trường công thường mắc;

Phải biết người học cần gì, phải tạo nên sự khác biệt tích cực;

Phải làm dân hài lòng khi họ móc hầu bao đầu tư cho con; thuận tiện trong việc đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục...

5. Thực trạng trường tư

- 30 năm, trường tư của Việt Nam đã hình thành hệ thống từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học - cao đẳng, tập trung ở các đô thị, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đa dạng các loại trường tư: trường thuần Việt, trường song ngữ, trường song bằng, trường quốc tế...

- Tuy vậy, hệ thống trường tư còn thiếu về số lượng, còn yếu về chất lượng.

Nếu chính sách khuyến khích xã hội hoá của Chính phủ tốt hơn nữa, các địa phương có tầm nhìn chiến lược phát triển giáo dục nói chung, phát triển trường tư nói riêng thì 10 đến 20 năm nữa hệ thống trường tư của Việt Nam sẽ xứng đáng với kỳ vọng của Nhà nước và của dân!

6. Tuyển sinh trường tư thục

Thực trạng: Theo chủ trương Bộ Giáo dục và Đào tạo: 1989 - 2014  được tự chủ.

Nhưng đến năm 2015 - 2017 lại cấm thi tuyển!

Và đến năm 2018 -    ? trường tư được tự chủ.

Còn các sở Giáo dục và Đào tạo: Hầu hết các tỉnh/thành phố đều dành quyền tự chủ tuyển sinh cho trường tư! 

Riêng Thành phố Hà Nội: 

Về phương thức tuyển sinh cơ bản theo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng phải "làm đề án, lập tờ trình" xin Ủy ban nhân dân quận/huyện phê duyệt (tuyển sinh vào lớp 6).

Về thời gian tuyển sinh phải theo quy định cụ thể ngày/tháng/năm của thành phố! (?).

Thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất:

Trường tư phải tự chủ (tự bươn chải) rất nhiều khâu: cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên,...

Để tồn tại và phát triển nhất thiết phải đảm bảo hai điều kiện: Điều kiện cần: Cơ sở vật chất; Điều kiện đủ: Tuyển sinh. 

Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình" ảnh 4Bao giờ thì trường tư thục ở Hà Nội mới được đối xử như ở Đức?

Vì vậy, về việc tuyển sinh của trường tư cần được tự chủ về phương thức và thời gian.

Thầy Khang thông tin thêm tại hội thảo, Hà Nội yêu cầu các trường tư thục phải chốt tuyển sinh vào lớp 6 vào ngày 30/6/2018 nhưng hầu hết các trường tư thục đều đề nghị Sở cho giãn thời gian tuyển sinh chứ đừng gò bó.

Bởi lẽ, nếu giãn thời gian tuyển sinh không chỉ tạo điều kiện cho nhà trường mà cho cả học trò.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn khăng khăng chốt vào ngày 30/6.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong thời gian qua cũng đã có sự lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của các trường tư thục để có một số điều chỉnh tích cưc.

Nhiều năm nay, các trường tư có đề nghị Sở bỏ “giấy phép con”, giấy chứng nhận vào lớp 10 và Hà Nội cũng đã bỏ giấy chứng nhận vào lớp 10. Đây là một bước tháo gỡ quan trọng để quyền được học tập của trẻ em không còn những rào cản.

Tuy nhiên Sở vẫn áp đặt về thời gian nên chính học sinh và cha mẹ học sinh muốn con mình học trường tư gặp nhiều khó khăn.

Vì tuyển sinh đồng loạt, cha mẹ học sinh không thể biết con mình có được vào các trường tư có thương hiệu và hồ sơ đăng ký đông gấp mấy lần chỉ tiêu, hay không.

Nếu các trường tư được tự chủ tuyển sinh, cha mẹ học sinh sẽ có nhiều phương án nếu không đủ điều kiện vào các trường tư hàng đầu. Đó chính là quyền học tập của trẻ em.

Nói đến đây, thầy Khang khẳng định: “Vì quyền lợi cao nhất của học sinh, cha mẹ học sinh. Chúng tôi sẵn sàng chịu sự khiển trách của Sở. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh song học sinh vào lớp 1.

Chúng tôi sẵn sàng vì lợi ích của học sinh và nhân dân quên mình!

Tại buổi gặp gỡ phụ huynh vừa qua, chúng tôi đã thông tin với phụ huynh là trong 3 ngày mùng 4,5,6/5, chúng tôi sẽ làm thủ tục nhập học cho các cháu vào trường. Nếu cháu nào không được vào trường để các cháu có lựa chọn khác.

Chúng tôi đã xin ý kiến của phụ huynh tại buổi gặp gỡ, tất cả phụ huynh đều đồng ý”. 

Thùy Linh - Đỗ Thơm