Ở trường mầm non Phượng Mao, tiền ăn của học sinh bán trú bị bớt xén

08/05/2018 06:08
Vũ Phương
(GDVN) - Kết luận thanh tra chỉ rõ, Trường mầm non Phượng Mao (Quế Võ, Bắc Ninh) thu chi nhiều khoản ngoài quy định. Tiền ăn của học sinh bán trú bị chi sai mục đích.

Phản ánh của bạn đọc đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trường Trường mầm non xã Phượng Mao (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là bà Đỗ Thị Yến có nhiều sai phạm, tham ô, tham nhũng tiền ăn và tiền đóng góp của học sinh.

Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên đã về tận nơi xác minh vụ việc.

Theo đó, bạn đọc đã cung cấp cho phóng viên nhiều giấy tờ, kết luận của Thanh tra huyện Quế Võ, bằng chứng về sai phạm liên tiếp trong hai năm học (2013-2014 và (2014-2015) của bà Đỗ Thị Yến trên cương vị hiệu trưởng.

Ở trường mầm non Phượng Mao, tiền ăn của học sinh bán trú bị bớt xén ảnh 1Cán bộ phải xin hưu non vì tố Hiệu trưởng tham ô

Cụ thể, bạn đọc đề nghị giấu tên cho biết: “Hai năm học liền bà Đỗ Thị Yến – Hiệu trưởng Trường mầm non xã Phượng Mao đã ăn chặn, ăn bớt tiền ăn của học sinh bán trú với số tiền lớn khiến nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc.

Số tiền ăn của học sinh bị bớt xén, bà Yến đã chỉ đạo sử dụng sai mục đích. Trong đó có việc thưởng giáo viên, chi Tết Nguyên đán, tết Trung thu…

Đáng nói, không chỉ ăn bớt tiền ăn của học sinh, bà Yến còn bao che cho sai phạm. Cụ thể, một số giáo viên trong trường phát hiện và lập biên bản việc xuất thiếu gạo nấu cơm cho học sinh và mang thực phẩm của học sinh về nhà.

Tuy nhiên, thay vì xử lý cán bộ trên, bà Yến lại bao che cho sai phạm khiến không ít giáo viên bức xúc. Có giáo viên đứng ra góp ý, tố cáo những hành vi tiêu cực của trường bị bà Yến trù dập”.

Về số tiền bớt xén từ bữa ăn bán trú của học sinh, ông B. cho biết: “Số tiền học sinh bị ăn chặn là tiền dùng để mua gia vị, mỗi suất ăn của học sinh sẽ dành ra khoảng 1 ngàn đồng. Trong khi đó, trường có hơn 300 học sinh.

Đó là tiền gia vị, còn chưa tính tiền suất ăn của các em cũng bị ăn bớt như xuất gạo thiếu, thiếu thực phẩm.

Suất ăn èo uột không tương xứng với số tiền ăn các em đóng góp.

Nhiều phụ huynh bức xúc, nhưng không dám phản ánh vì sợ con mình bị trù dập.

Thật khó có thể tưởng tượng môi trường giáo dục lại thiếu giáo dục và tiêu cực đến vậy.

Bữa ăn của trẻ con mà còn ăn bớt thì đạo đức, lương tâm của người mang chữ “thầy” chữ “cô” còn xứng đáng”.

Kết luận thanh tra huyện Quế Võ đã chỉ ra Ban giám hiệu Trường mầm non Phượng Mao còn thu một số khoản ngoài quy định. Ảnh: Vũ Phương
Kết luận thanh tra huyện Quế Võ đã chỉ ra Ban giám hiệu Trường mầm non Phượng Mao còn thu một số khoản ngoài quy định. Ảnh: Vũ Phương

Độc giả trên cũng cho biết thêm: “Nhiều khoản chi từ tiền ngân sách và tiền đóng của học sinh bị thiếu hóa đơn, hợp đồng một đằng mua một nẻo. Điều đó có nghĩa có sự gian đối, lập hóa đơn khống nhằm trục lợi, chiếm đoạt.

Hơn nữa, theo quy định chỉ được mua sắm theo khung giá của tỉnh quy định, nhưng nhiều khoản chi vượt khung như mua sắm máy tính, mua tủ tài liệu…”.

Để minh chứng, độc giả chỉ ra: “Như khoản như sửa chữa máy tính (12,4 triệu đồng) dù hiệu trưởng không phê duyệt nhưng vẫn chi tiền. Hóa đơn mua hàng hóa, vật tư dùng cho chuyên môn (11,8 triệu đồng bị tẩy xóa.

Chứng từ hóa đơn photo tài liệu (8,5 triệu đồng) không có người ký nhận. Hóa đơn văn phòng phẩm (12,4 triệu đồng) chủng loại hàng hóa ghi một đằng, hợp đồng kinh tế ghi một nẻo…

Có quá nhiều vấn đề như vậy, nhưng không hiểu sao bà Đỗ Thị Yến vẫn được tái bổ nhiệm chức Hiệu trưởng Trường mầm non Phượng Mao”.

Kết luận của thanh tra huyện Quế Võ chỉ ra một số khoản thu chi sai quy định của Trường mầm non Phượng Mao. Trong đó, có số tiền trên 140 triệu đồng thiếu chứng từ. Ảnh: Vũ Phương
Kết luận của thanh tra huyện Quế Võ chỉ ra một số khoản thu chi sai quy định của Trường mầm non Phượng Mao. Trong đó, có số tiền trên 140 triệu đồng thiếu chứng từ. Ảnh: Vũ Phương

Theo tài liệu phóng viên được bạn đọc cung cấp, kết luận số 02 ký ngày 18/5/2016 của Thanh tra huyện Quế võ do ông Nguyễn Tiến Tiêm ký đã cho thấy những phản ánh của bạn đọc về sai phạm của bà Đỗ Thị Yến trong việc quản lý Trường mầm non Phượng Mao là có cơ sở.

Kết luận của Thanh tra huyện Quế Võ đã yêu cầu: “Hiệu trưởng Trường mầm non Phượng Mao chỉ đạo, thực hiện ngay các trình tự, thủ tục hành chính để xử lý các sai sót với tổng số tiền 140.519.000 đồng (Một trăm bốn mươi triệu, năm trăm mười chín nghìn đồng gồm:

Khoản chi tiền mua hàng hóa, vật tư dùng cho chuyên môn với số tiền 11.860.000 đồng. Chứng từ chưa đầy đủ.

Khoản chi tiền photo tài liệu với số tiền 8.510.000 đồng. Chứng từ chưa đầy đủ.

Khoản chi tiền sửa chữa máy tính, máy in với số tiền 12.400.000 đồng. Chứng từ chưa đầy đủ.

Khoản chi tiền mua văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, công cụ dụng cụ với số tiền 12.405.000 đồng. Nội dung trên các chứng từ được ghi chép không thống nhất.

Khoản tiền bán trú, tiền ăn chi sai mục đích  với số tiền 47.974.000 đồng.

Khoản chi tiền xây trường khu Mao Trung với số tiền 5.900.000 đồng. Chứng từ chưa đầy đủ.

Khoản chi tiền mua đồ dùng, học liệu cho trẻ với số tiền 41.470.000 đồng. Chứng từ chưa đầy đủ”.

Nhiều khoản tiền thu và chi sai mục đích của Trường mầm non Phượng Mao được kết luận thanh tra chỉ rõ. Ảnh: Vũ Phương
Nhiều khoản tiền thu và chi sai mục đích của Trường mầm non Phượng Mao được kết luận thanh tra chỉ rõ. Ảnh: Vũ Phương

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ: "Năm học 2013-2014 đơn vị còn thu một số khoản ngoài quy định như tiền đồ dùng, tiền điện, tiền hỗ trợ giáo dục...

Trên sổ quỹ tiền mặt của từng quỹ không ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo đúng trình tự về mặt thời gian; kế toán và thủ quỹ không ký xác nhận theo đúng quy định. 

Không lập đầy đủ báo cáo quyết toán các khoản thu để thực hiện việc công khai theo quy định, còn một số khoản chi sai chế độ, chứng từ kế toán không được lập và ghi chép đầy đủ theo quy định".

Đáng chú ý, với sai phạm trên kết luận thanh tra của huyện Quế Võ chỉ yêu cầu: “Hiệu trưởng, Kế toán Trường mầm non Phượng Mao nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót của mình trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cũng như các khoản đóng góp của trẻ em tránh xảy ra sai phạm trong thời gian tới”.

Ở trường mầm non Phượng Mao, tiền ăn của học sinh bán trú bị bớt xén ảnh 5Hiệu trưởng Trường cấp 2 Suối Bau bị tố tham nhũng suất ăn bán trú của học sinh

Về kết luận này, ông B. cho rằng: “Kết luận thiếu tính thuyết phục, bởi với những sai phạm của Hiệu trưởng Đỗ Thị Yến phía thanh tra huyện Quế Võ đưa ra không rõ ràng.

Như số tiền trên 140 triệu đồng có nhiều khoản chi tiêu vô tội vạ, không có hóa đơn, lập chứng từ khống, nhưng kết luận của thanh tra huyện không chỉ rõ sai phạm mà chỉ nói một cách chung chung là thiếu chứng từ, ghi chép không thống nhất… Có sai phạm hay không phải chỉ rõ, chứ không thể kết luận buồn cười như vậy”.

Cũng theo ông B., Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Võ đã bao che cho sai phạm hoặc yếu kém về chuyên môn khi hai năm học liền không phát hiện ra sai phạm tại Trường mầm non Phượng Mao.

Công tác kiểm tra, tranh tra dù thực hiện định kỳ nhưng gần như bị “bịt mắt”, có cũng như không. Đến khi quá bức xúc, phụ huynh làm đơn tố cáo lên thanh tra huyện, Ủy ban nhân dân huyện, sai phạm mới được phát hiện.

Ông B. nhấn mạnh: “Kết luận của thanh tra huyện Quế Võ dù chưa thuyết phục nhưng đã chỉ ra một số sai phạm của bà Đỗ Thị Yến - Hiệu trưởng Trường mầm non Phượng Mao.

Sai phạm đã rõ, nhưng bà Yến vẫn tại vị và còn được tái bổ nhiệm chức hiệu trưởng là điều quá khó hiểu. Đạo đức, phẩm chất của người quản lý, người đứng đầu nhà trường như thế có xứng đáng?”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Tiêm – Chánh Thanh tra huyện Quế Võ cho biết: “Chúng tôi đã thanh tra Trường mầm non Phượng Mao theo kế hoạch và đã có kết luận về vụ việc.

Tuy nhiên, về Trường mầm non Phượng Mao có nhiều nội dung phức tạp, sau khi có kết luận của Thanh tra huyện thì nay có một số đoàn công tác của tỉnh Bắc Ninh đang vào cuộc.  

Về ý kiến của phụ huynh về việc Ban giám hiệu Trường mầm non xã Phượng Mao, ông Nguyễn Tiến Tiêm lại giải thích: “Đó không phải là ăn bớt mà như kết luận của chúng tôi đã chỉ rõ chỉ là “tiết kiệm” hàng ngày. Tức là hàng ngày tiền mắm muối, gia vị…ví dụ như đưa 10 ngàn đồng đi chợ, thừa 500 đồng các cô tích lũy lại dần, bản chất không phải là bớt.

Nếu đưa 10 ngàn đồng mà anh chỉ mua 8 ngàn đồng thì mới gọi là ăn bớt. Nhưng trường hợp này là “tiết kiệm” hàng ngày”.

Vũ Phương