Mỹ từng tranh luận về tương lai của Gaddafi như thế nào?

26/10/2011 06:37
Chấn Hưng (theo the New York Times)
(GDVN) - Trước khi Đại tá Gaddafi chết, Nhà Trắng đã có một buổi tranh luận 90 phút căng thẳng về tương lai của nhà cựu lãnh đạo này.

Một thông tin mới được tờ The New York Times tiết lộ, trước khi Gaddafi chết, tại Nhà Trắng đã diễn ra một cuộc tranh luận kéo dài 90 phút để giải quyết một câu hỏi: Sẽ làm gì với nhà lãnh đạo, Đại tá Gadhafi khi ông này bị bắt sống ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Lybia?

Chưa đầy 24 giờ sau, cuộc tranh luận đã có câu trả lời rõ ràng: Đại tá Gaddafi chết ngay trên lãnh thổ Lybia. Giờ công việc là, giới chức Lybia sẽ phải giải thích rõ ràng về nguyên nhân cái chết của nhà cựu lãnh đạo có hơn 40 năm cầm quyền này.

Phía trong Nhà Trắng, giới chức Mỹ đã đưa ra 3 kịch bản để giải quyết tương lai của Đại tá Gaddafi
Phía trong Nhà Trắng, giới chức Mỹ đã đưa ra 3 kịch bản để giải quyết tương lai của Đại tá Gaddafi

Tại phiên họp trong Nhà Trắng, tất cả mọi người đều phải thừa nhận rằng việc giải quyết tương lai của Đại tá Gaddafi không hề đơn giản bởi đây là vấn đề nhạy cảm và mang lại tác động hai mặt.

Theo các quan chức Mỹ, chính trong nội bộ chính phủ lâm thời Lybia cũng rất chia rẽ về tương lai của Đại tá Gaddafi. Một số cho rằng ông ta phải được xét xử trong nước, số khác lại cho rằng nếu thế sẽ là gánh nặng rất lớn lên chính quyền chuyển tiếp vốn gặp rất nhiều khó khăn sau gần một năm chiến tranh tàn phá.

Những tranh luận tương tự cũng nổ ra ở Nhà Trắng khi một số cho rằng chính phủ chuyển tiếp không thể đủ nhân lực và vật lực để tiến hành một phiên tòa đối với nhà cựu lãnh đạo Gaddafi, trong khi số khác lại cho rằng nếu đưa ông này ra tòa án Quốc tế ở La-hay sẽ là một hành động xâm phạm chủ quyền Lybia.

Khi được đặt câu hỏi làm thế nào để cân bằng giữa chủ quyền Lybia và sự công tâm của một phiên tòa quốc tế, một quan chức giấu tên cho biết ông không được phép tiết lộ điều này và rằng, “chúng tôi đã cố gắng để đạt được một giải pháp thống nhất chung”.

Theo Ngoại trưởng Clinton, dù Mỹ không là thành viên của Tòa án quốc tế này nhưng Mỹ đã hợp tác rất chặt chẽ dưới thời Tổng thống Obama. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, việc đưa Gaddafi đi xét xử ở đâu là do các quan chức Lybia quyết định.

Mỹ đề nghị Lybia xem xét thiết lập tòa án xử ông Gadhafi ở một nơi nào đó thích hợp nhưng cũng thắc mắc liệu cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng thế nào nếu Gadhafi được hướng quy chế tị nạn ở một quốc gia thứ ba như Chad hay Guinea Xích Đạo.

Trong cuộc tranh luận này, Mỹ cũng nêu dẫn chứng về một số trường hợp như việc xét xử nhà cựu lãnh đạo Liberia Charles Taylor phạm tội ác chiến tranh, người đã bị dẫn độ về Liberia từ Nigeria và bị mang ra xét xử ở Tòa án La-hay; trường hợp nhà lãnh đạo bị lật đổ Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo cũng bị xét xử tại một tòa án địa phương.

Dù đưa Đại tá Gaddafi ra xét xử ở tòa án quốc tế hay ở trên lãnh thổ Lybia thì giới chức cầm quền nước này cũng phải lên kế hoạch hết sức chi tiết như: những cáo buộc ông về phát triển vũ khí hóa học, gây ra thảm họa nhân đạo khi ông là nhà cung cấp nước độc quyền ở Tripoli…

Gaddafi chết tại trận là một trong ba kịch bản mà Nhà Trắng đã bàn đến
Gaddafi chết tại trận là một trong ba kịch bản mà Nhà Trắng đã bàn đến

Dereck Chollet, giám đốc kế hoạch chiến lược của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia, người có nhiệm vụ phối hợp công tác với Nhà Trắng đã miêu tả việc này là “phải đoán định mọi thứ, và xem xét tất cả mọi góc cạnh có thể”.

Một số người nêu dẫn chứng về trường hợp xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, và chính quyền Obama mong muốn có cách tiếp cận vấn đề như những gì chính quyền Bush trước kia đã làm.

Tuy nhiên, “tình hình ở Lybia không giống như ở Iraq, nơi Mỹ đã đổ hàng tỷ USD và trực tiếp tham chiến. Chúng ta đã phải thuyết phục và ép buộc những người khác cùng làm việc này”, một quan chức cho biết.

Cuối cùng, theo The New York Times, việc Gaddafi bị giết hại tại trận cũng là một trong ba kịch bản được mang ra thảo luận trong phiên họp 90 phút này hôm thứ Tư tuần trước.

Chấn Hưng (theo the New York Times)