Đề nghị "khai tử" xăng RON 95 phải chăng xuất phát từ lợi ích nhóm?

13/05/2018 07:12
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Dư luận phản ứng quyết liệt khi doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kiến nghị sớm "khai tử" xăng RON 95, chỉ bán 2 loại xăng sinh học là E5 RON 92 và E5 RON 95.

Sau khi thông tin này được phát ra, trên hầu hết các mặt báo đều đăng bài phê phán, phản biện ý tưởng đậm chất thực dụng, độc quyền này.

Qua đó cho thấy sức nóng của dư luận đối với ý tưởng “khai tử” xăng RON 95, bởi dư luận không thể không nghi vấn, rằng:

Phải chăng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thấy các doanh nghiệp xây dựng làm đường giao thông dễ dàng “thoả thuận” được với Bộ Giao thông Vận tải “tráng men” các tuyến đường rồi lập trạm thu phí BOT bất cứ ở đâu nếu họ muốn;

Thấy các đại gia bất động sản dễ dàng “thoả thuận” được với quan chức chính quyền địa phương các cấp thực hiện các dự án xây dựng đô thị với phương thức mua rẻ bán đắt, đôi bên cùng có lợi còn phần thiệt luôn thuộc về người dân, nhờ vậy nhanh chóng trở thành triệu phú, tỷ phú USD … 

Từ đó các doanh nghiệp xăng dầu tính chuyện “thoả thuận” với Bộ Công thương khai tử xăng RON 95 để độc quyền trong kinh doanh mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống của mọi người dân và của cả nền kinh tế quốc gia?

Cho nên trước khi “báo cáo Chính phủ” xin chủ trương, Bộ Công thương không chỉ nghe theo đề xuất của các doanh nghiệp xăng dầu mà còn phải tìm hiểu thực tế, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân.

Có như vậy, chính sách ban ra mới đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và mới thuận lòng người.

Kiến nghị sớm "khai tử" xăng RON 95 có phải xuất phát từ lợi ích nhóm? Ảnh minh hoạ: thesaigontimes.vn
Kiến nghị sớm "khai tử" xăng RON 95 có phải xuất phát từ lợi ích nhóm? Ảnh minh hoạ: thesaigontimes.vn

Dưới đây là ý kiến của một số nhà quản lý và một số chuyên gia. 

Một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trên thế giới xăng sinh học đã được sử dụng từ lâu. 

Tuy nhiên, đối với một số loại xe đời cũ thì thực tế vẫn có “vấn đề này, vấn đề khác” khiến nhiều người dùng lo ngại. 

Do vậy khi triển khai cũng cần có lộ trình để người dân có thể thích ứng một cách từ từ.

Với quan điểm cá nhân, vị lãnh đạo này cho rằng nên duy trì cả hai loại xăng khoáng và xăng sinh học để người dân có quyền được lựa chọn. 

Cuối cùng ông nhấn mạnh “Quyền lợi người tiêu dùng cần phải được đặt lên trên”. (1)

Đề nghị "khai tử" xăng RON 95 phải chăng xuất phát từ lợi ích nhóm? ảnh 2Xăng E5 không hao nhiên liệu, làm ỳ máy, sao người dân vẫn "quay lưng"?

Còn ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thể hiện quan điểm không đồng tình với đề xuất “xoá sổ” RON 95.

Theo ông Hùng, nhiều lái xe thời gian qua “kêu” dùng xăng E5 hao hơn xăng RON 95. Do vậy, chỉ có khoảng một nửa số xe thuộc hiệp hội dùng xăng E5, còn lại dùng xăng RON 95.

Cho nên “Việc sử dụng loại xăng nào là do cách tính toán của từng tài xế.

Có người thì chấp nhận đắt hơn một chút để dùng xăng RON 95 nhưng có người lại muốn đổ xăng E5 vì xăng này bán rẻ hơn”, ông Hùng nói.

Đề nghị "khai tử" xăng RON 95 phải chăng xuất phát từ lợi ích nhóm? ảnh 3Khi nào sửa đổi quy định về điều chỉnh giá xăng dầu?

Ông Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng thay vì “khai tử” xăng RON 95 để đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ E5 thì hãy làm cho người tiêu dùng tin tưởng sử khi dụng loại xăng này.

Hãy chứng minh bằng chất lượng, đừng ép buộc người dân.” (2)

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), mỗi động cơ sẽ được quy định mức tỉ số nén khác nhau, vì thế xăng cũng được chia ra nhiều mức Octan nhằm tối ưu hóa khả năng hoạt động của động cơ.

Do đó, nếu gượng ép chỉ sử dụng xăng sinh học E5 có thể ảnh hưởng đến một số loại xe.

Trong khi đó tại Việt Nam, xăng sinh học E5 vẫn chưa giành được nhiều thiện cảm của người tiêu dùng vì nhiều lý do.

Nếu có căn cứ thử nghiệm của các trường đại học, chứng minh khả năng đáp ứng của xăng sinh học E5 với nhiều loại xe khác nhau thì đề xuất này mới có sức thuyết phục.

Từ ý kiến của các nhà quản lý và các chuyên gia cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, nếu chất lượng tốt, giá thành hợp lý thì người dân sẽ dùng xăng sinh học chứ dại gì dùng xăng đắt tiền.

Vì vậy, muốn tiến tới “khai tử” xăng khoáng thì phải có tổng kết đánh giá, giải đáp thắc mắc của người dân về chất lượng xăng E5 bấy lâu nay một cách cụ thể, công khai, minh bạch, đáng tin cậy.

Phải luôn nhớ lời dạy của cổ nhân “dục tốc bất đạt” để thận trong trong xây dựng chủ trương, chính sách.

Và cũng phải tuân thủ, rằng việc mua bán, sử dụng sản phẩm gì, trong đó có xăng dầu là để tự người dân quyết định, không ai có quyền bắt ép.

Cần phải cảnh giác, khi các doanh nghiệp xăng dầu ở vị trí độc quyền, đẩy giá xăng sinh học lên thì không chỉ người dân bị thiệt hại mà cả nền kinh tế bị anh hưởng.

Lúc đó sẽ tạo ra sự bất bình xã hội sâu sắc, đây là điều rất nguy hại.

Cho nên nếu quyết “khai tử” xăng RON 95 theo đề xuất của các doanh nghiệp xăng dầu, người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi:

Lãnh đạo Bộ Công thương vì lợi ích của người dân, lợi ích Quốc gia hay vì lợi ích nhóm để rồi chỉ biết chăm lo cho lợi ích của mấy doanh nghiệp “con cưng” ?”

Đề nghị "khai tử" xăng RON 95 phải chăng xuất phát từ lợi ích nhóm? ảnh 4Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh

Đặt giả định, nếu “ý tưởng” chỉ cho xăng sinh học lưu hành trên thị trường thành hiện thực, khi đó các doanh nghiệp có máu mặt trong kinh doanh trong các lĩnh vực ô tô, hàng điện tử, thực phẩm… cũng nảy ra “ý tưởng” chỉ cho một vài loại ô tô, vài mặt hàng điện tử, vài mặt hàng thực phẩm… lưu hành trên thị trường thì Bộ Công thương cũng chấp nhận hay sao?

Vẫn biết trong nền kinh tế thị trường, nhà nước vẫn cần phải dùng biện pháp kỹ thuật hoặc hành chính can thiệp khi cần thiết.

Tuy nhiên, sự can thiệp đó không trái với các quy luật và chỉ nhằm mục đích làm cho nên kinh tế vận hành trơn tru, hiệu quả thì mới giúp nền kinh tế có những bước tiến vượt bậc.

Còn nếu can thiệp thô bạo vào sự vận hành của kinh tế thị trường sẽ làm cho nền kinh tế bị tổn thương nặng nề và mất rất nhiều nguồn lực mới có thể khắc phục được.

Bởi vậy, khi đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường.

Nếu can thiệp, “định hướng” kinh tế thị trường theo ý chí chủ quan tất yếu làm cho nền kinh tế biến dạng theo kiểu “đầu Ngô mình Sở”, chẳng giống ai, lúc đó không những không phát huy được những lợi thế của kinh tế thị trường đối với phát triển Quốc gia mà còn để lại những hệ quả tiêu cực khó lường.

Thực tế mấy chục năm xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta đã minh chứng rất rõ điều đó.

Một ví dụ điển hình là mặc dù xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng ở Việt Nam lại có những chủ trương chính sách bất bình đẳng đối với các thành phần kinh tế.

Nếu như thành phần kinh tế Nhà nước được xác định đóng vai trò chủ đạo của cả nên kinh tế, từ đó được hưởng các chính sách theo kiểu nuôi “con cưng”; thành phần kinh tế có vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI), được coi là “thượng khách” và được rải thảm đỏ mời chào thì kinh tế tư nhân (ngoại trừ các doanh nghiệp “sân sau”), còn lại gần như bị ghẻ lạnh và bị bức tường thành sừng sững “xây” bằng hàng nghìn giấy phép con chặn đường; bị hành và kiệt sức vì phải lo bôi trơn vô số thủ tục, vô số cuộc kiểm tra, thanh tra …

Cho nên thành phần kinh tế tư nhân nước ta trở nên còi cọc, quặt quẹo không lớn nổi.

Vì vậy, dù kinh tế tư nhân ở Việt Nam được phép ra đời hơn 30 năm, nhưng đến nay ngoại trừ một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, còn lại 95% doanh nghiệp kinh tế tư nhân đều thuộc loại vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Hệ quả là từ tỷ trọng trong GDP đến xuất nhập khẩu, thành phần kinh tế nước ngoài đều chiếm tỷ lệ áp đảo (khoảng trên 70%).

Đây là sự lệ thuộc quá lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là nguy cơ đối với sự ổn định và sự phát triển bền vững của nền kinh tế Quốc gia.

Nêu vấn đề trên đây, để lãnh đạo Bộ Công thương thấy rằng, khi tham mưu cho Chính phủ ban hành chủ trương, chính sách trong đó có chính sách về xăng dầu không chỉ nghe doanh nghiệp mà còn phải tìm hiểu thực tế, tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người dân, của các chuyên gia và sự phản biện của các cơ quan truyền thông.

Thực tế của thế giới và Việt Nam cho thấy, rằng khi quan chức của cơ quan công quyền bị đồng tiền của doanh nghiệp chi phối, dẫn dắt thì không chỉ mang lại hậu hoạ cho quốc gia mà còn mang lại hậu hoạ cho chính các quan chức đó.

Ở Việt Nam, đầy rẫy vụ việc để minh chứng cho nhận định trên đây.

Hậu quả môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung, mua bán đất công ở Thành phố Đà Nẵng, của công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh), quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm …

Thực tiễn cũng minh chứng, chỉ khi quan chức không bị chi phối bởi lợi ích nhóm và đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích Quốc gia lên trên hết thì mới đề ra được chủ trương, chính sách khách quan, đúng đắn.

Lúc đó không chỉ giúp cho dân giàu, nước thịnh mà quan chức đósẽ mãi mãi được nhân dân vinh danh.

Tài liệu tham khảo:

(1),(2).http://dantri.com.vn/kinh-doanh/sao-phai-voi-khai-tu-xang-ron-95-dung-ep-buoc-hay-de-nguoi-dan-duoc-quyen-chon-20180504154512095.htm

http://m.anninhthudo.vn/kinh-doanh/khai-tu-xang-ron95-di-nguoc-lai-voi-loi-ich-cua-nguoi-tieu-dung/767073.antd

http://m.sggp.org.vn/xung-quanh-de-xuat-khai-tu-xang-ron-95-co-doc-quyen-loi-ich-nhom-518075.html

NGUYỄN HUY VIỆN