Thầy Bùi Nam đề xuất phân ban từ lớp 8, 9

26/05/2018 06:33
BÙI NAM
(GDVN) - Việc học theo chương trình phân ban từ lớp 8, 9 sẽ giải quyết vấn đề chuyên môn hóa, học sinh sẽ học được kiến thức chuyên sâu để định hướng nghề tương lai.

LTS: Với mong muốn đưa ra đề xuất cho học sinh học phân ban từ lớp 8, 9, thầy Bùi Nam đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Là giáo viên, tôi nhận thấy sự cố gắng rất lớn từ cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng như lãnh đạo Bộ cùng các thành viên trong ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa.

Vấn đề hiện nay là làm sao để khi thực hiện chương trình mới phải thành công hay ít nhất cũng phải bằng chương trình đang thực hiện không thể có việc chương trình mới bỏ ra một đống tiền để rồi khi thực hiện gặp khó khăn, thất bại hay không bằng chương trình hiện hành thì tốt nhất là chưa thay đổi.

Thu hồi Đề án đổi mới thi cử 749 tỷ đồng

Tránh lập lại tình trạng mất tiền mà không đạt hiệu quả như đề án ngoại ngữ khoảng 1.100 tỷ, hay gần nhất là đề án 749 tỷ cho việc đổi mới thi cử, rất may là Bộ trưởng đã cho thu hồi nếu không thì không biết 749 tỷ trên sẽ đi vào đâu.

Nên tiếp tục xin Quốc Hội cho lùi thêm thời gian

Trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định thực hiện chương trình mới bắt đầu từ năm 2018 – 2019 nhưng chương trình mới gặp rất nhiều phản ứng từ dư luận nên Quốc Hội cho lùi thời gian thực hiện để có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, cũng như đánh giá tác động của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa.

Cá nhân tôi nhận thấy chương trình mới cũng có rất nhiều điểm mới hay, cập nhật kịp thời kiến thức trong nước và thế giới nhưng còn đó rất nhiều băn khoăn, lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2019 – 2020.

Là giáo viên trung học cơ sở với gần 20 năm công tác tôi thật sự rất băn khoăn, lo lắng nhất ở 2 môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên, môn Sử và Địa.

Trong khi các nước trên thế giới ngày càng hiện đại hóa, chuyên môn hóa theo từng phân môn thì chúng ta lại muốn học sinh học tích hợp từ các thầy “thập cẩm” là điều khó có thể chấp nhận, đi ngược với xu thế chung của thế giới và sự phát triển nhận thức, tư duy của học sinh.

Điền này có vượt quá tư duy của trẻ từ 12 đến 16 tuổi (lớp 6 đến lớp 9)?

Tây tích hợp, ta ghép môn

Muốn có học sinh giỏi, đỉnh cao thì phải tinh nhuệ, chuyên môn hóa, ví như một học sinh chỉ giỏi Vật lý khi được học thầy Vật lý giỏi chứ không phải từ thầy Khoa học tự nhiên?

Cả nước có khoảng vài chục ngàn giáo viên đơn môn Lý, Hóa, Sinh liệu sau khi đào tạo kiểu “cởi ngựa xem hoa” 300 tiết thì có bao nhiêu % giáo viên đủ kiến thức để trở thành giáo viên dạy được cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh.

Nhất là, đối với khối 8, 9 có rất nhiều nội dung khó, chuyên sâu, theo tôi nghĩ nếu giáo viên dù có cố gắng học tập, nghiên cứu thì tối đa chỉ 20% có thể giảng dạy tạm được.

Vậy 80% giáo viên đơn môn nếu sau khi đào tạo lại không dạy được thì sẽ như thế nào? Không lẽ cho nghỉ việc tất cả? Rồi sao đào tạo kịp giáo viên “tích hợp” được.

Còn phần thi học sinh giỏi ở lớp 8, 9 thì tôi tin chắc rằng không có bất kỳ giáo viên nào có thể nắm vững kiến thức chuyên sâu của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh để bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên.

Đa số giáo viên không dạy được mà vẫn “ép” phải dạy thì các em học sinh sẽ như thế nào, sau khi học xong sẽ trở thành con người như thế nào?

Đã chậm tiến độ gần 2 năm, có nên gấp gáp triển khai chương trình mới?

Do đó, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xin phép Quốc Hội tiếp tục lùi thời gian thực hiện để hoàn thiện chương trình cũng như thử nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng một cách nghiêm túc, không thể vì “lỡ một chuyến tàu” như lời Tổng chủ biên là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mà bỏ qua khả năng có thể “chìm tàu”.

Đây là việc hệ trọng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thận trọng, cẩn trọng

Đề xuất phân ban từ lớp 8, 9

Kiến thức chuyên môn của chương trình trung học cơ sở có rất nhiều kiến thức khó, nâng cao chủ yếu từ lớp 8, 9.

Nếu đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất… thì tôi tạm đồng ý với các môn học trong chương trình của lớp 6, 7 kể cả môn “tích hợp” vì bản thân tôi biết kiến thức trong chương trình lớp 6, 7 cũng ở mức tương đối nhẹ, có thể chấp nhận được.

Nhưng bắt đầu từ lớp 8 thì học sinh đã tiếp cận kiến thức chuyên môn, chuyên sâu nên phải cho học sinh làm quen với việc chuyên môn hóa và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Để có cái nhìn cụ thể hơn tôi xin so sánh chương trình đang thực hiện và chương trình phổ thông mới ở khối 8, 9.

So sánh chương trình mới và chương trình hiện hành không khác nhau mấy chủ yếu là tên gọi chủ yếu khác biệt là các môn tích hợp.

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập, tôi đề xuất thực nghiệm, đổi mới cho học sinh học phân ban từ lớp 8 và lớp 9 với 3 ban là Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ban năng khiếu với số tiết/tuần và môn học cụ thể như sau:

Việc học sinh học theo chương trình phân ban từ lớp 8, 9 sẽ giải quyết vấn đề chuyên môn hóa, học sinh sẽ học được kiến thức chuyên sâu để định hướng nghề nghiệp trong tương lai bên cạnh đó vẫn giữ được các môn tích hợp như Nghị quyết của Trung ương Đảng.

Rất mong nhận được sự quan tâm, xem xét của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

BÙI NAM