Thượng viện Philippines sẽ điều trần về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

25/05/2018 07:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Dùng luật pháp nói chuyện với Trung Quốc chứ không phải chiến tranh. Phán quyết Trọng tài đã thành một phần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Manila Bulletin ngày 24/5 đưa tin, Thượng viện Philippines sẽ tổ chức một phiên điều trần về việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Philippines có yêu sách ở Biển Đông.

Thông qua buổi điều trần công khai, Thượng viện Philippines sẽ nghe những quan điểm khác nhau từ các cơ quan, bộ ngành về hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành.

Chủ tịch Thượng viện Philippines Vicente C. Sotto III đã cho biết điều này khi được hỏi, liệu Thượng viện có hài lòng với chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte hay không.

"Ủy ban Quan hệ đối ngoại của chúng ta sẽ giải quyết việc này", Chủ tịch Vicente C. Sotto III cho biết.

Hình minh họa, nguồn: Manila Bulletin.
Hình minh họa, nguồn: Manila Bulletin.

Có những người lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa, nhưng có những quan điểm nói rằng Philippines chả có gì phải sợ, "vì Trung Quốc là bạn của chúng ta".

Thượng viện Philippines có 3 ngày họp còn lại trong kỳ họp này, và đang chờ đợi buổi điều trần công khai của Ủy ban Đối ngoại do Thượng nghị sĩ Loren Legarda chủ trì về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng an ninh Thượng viện, Gregorio B. Honasan II, nói rằng Philippines phải kiên trì yêu sách ở Biển Đông.

Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc đã bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" của Trung Quốc với đường 9 đoạn.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Gregorio B. Honasan II cũng nhầm lẫn rằng Phán quyết Trọng tài đã "trao cho Philippines quyền sở hữu các đảo, rặng san hô, bãi đá trong các khu vực tranh chấp".

(Trên thực tế Phán quyết Trọng tài không giải quyết vấn đề "chủ quyền lãnh thổ", mà chỉ xem xét việc Trung Quốc ứng dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông và đưa ra phán quyết về việc này theo đơn kiện của Philippines.

Thượng viện Philippines sẽ điều trần về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ảnh 2

Trung Quốc kéo H-6K ra Hoàng Sa, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cũng đã nhầm lẫn rằng nước này có yêu sách với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng, khi bà lên tiếng phản đối Trung Quốc kéo máy bay ném bom H-6K ra đây.

Sau đó bà Leni Robredo đã cải chính trong ngày, nhưng vẫn giữ lập trường phản đối hành động leo thang, quân sự hóa này của Trung Quốc [2]).

Phe thiểu số trong Thượng viện Philippines đã chỉ trích nội các Tổng thống Rodrigo Duterte đã để yên cho Trung Quốc tiếp tục mở rộng đảo nhân tạo và cài đặt vũ khí tại đây.

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Franklin M. Drilon kêu gọi:

"Chúng ta phải khẳng định vai trò của Thượng viện trong quan hệ đối ngoại. Chúng ta phải lên án cuộc xâm lược vào lãnh thổ có chủ quyền của chúng ta." [1]

Trong một động thái khác có liên quan, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez ngày 25/5 được tờ Philstar dẫn lời kêu gọi, hãy dùng luật pháp chứ không phải chiến tranh, để chống lại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Ông Roilo Golez cho rằng, phải đưa luật pháp quốc tế vào chính sách quân sự hoặc đối ngoại.

2 năm sau Phán quyết Trọng tài, dường như chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã thiếu sự cấp bách trong việc khẳng định giá trị của phán quyết.

Việc Trung Quốc kéo máy bay ném bom H-6K xuống Hoàng Sa đã đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP.
Việc Trung Quốc kéo máy bay ném bom H-6K xuống Hoàng Sa đã đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông. Ảnh minh họa: SCMP.

Trong khi Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 thực tế đã trở thành một bộ phận của luật pháp quốc tế, một phần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Philippines có thể viện dẫn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Philippines phải có kháng nghị ngoại giao mạnh mẽ hơn, triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia để đánh giá mức độ đe dọa do hoạt động quân sự hóa Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông gây ra.

Roilo Golez tin rằng, bằng cách sử dụng luật pháp để nói chuyện với Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn tránh được chiến tranh với Bắc Kinh, và sẽ được nhiều nước ủng hộ.

Là một cựu sĩ quan hải quân tốt nghiệp trường quân sự Annapolis, Roilo Golez chia sẻ với ông Rodrigo Duterte rằng chiến tranh với Trung Quốc không phải là lựa chọn cho Philippines, mà luật pháp mới là lựa chọn. [3]

Nguồn:

[1]https://news.mb.com.ph/2018/05/24/senate-to-tackle-militarization-of-ph-claimed-territories-in-scs/

[2]https://www.rappler.com/nation/203079-robredo-statement-chinese-bombers-paracel-islands-south-china-sea

[3]https://www.philstar.com/opinion/2018/05/25/1818339/lawfare-not-warfare-south-china-sea

Hồng Thủy