Người ủng hộ và phản đối BT Đinh La Thăng đều...hết mình

26/10/2011 05:48
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Với Bộ trưởng GTVT Định La Thăng, có lẽ cảm nhận được độ nóng của lĩnh vực mình phụ trách nên ông muốn nhanh chóng có biện pháp giảm nhiệt.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông liên tiếp có những quyết định được coi là hết sức táo bạo, mang tính đột phá. Đầu tiên là cách chức Tổng Chỉ huy ngay tại công trường, tiếp đến là đề nghị cấm xe máy và ô tô cá nhân, tiếp nữa là sẽ đề nghị tiêu hủy phương tiện tham gia đua xe và sẽ đề nghị giờ làm việc từ 9h đến 18h…. Đối với cán bộ trong ngành của mình, ông yêu cầu mỗi người đi xe buýt ít nhất một lần/tuần và bản thân ông cũng hứa sẽ làm như vậy.
Mới đây, trong ngày 17/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại tiếp tục có Văn bản số 6630 gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cấm cán bộ lãnh đạo tham gia chơi golf. Theo lý giải của Bộ trưởng, chơi golf mất quá nhiều thời gian, kể cả trong ngày nghỉ và đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án, việc xử lý công việc…
Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh TT)
Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh TT)
Nếu xâu chuỗi các quyết định mang tính “đột phá” của Bộ trưởng trong thời gian qua thì sẽ thấy, cung bậc tình cảm của người dân cũng sẽ có sự thay đổi qua mỗi quyết định. Đầu tiên, trên cương vị Tư lệnh ngành chỉ mới ít ngày, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dám “trảm” tướng ngay giữa công trường bởi sự làm ăn trì trệ, chậm tiến độ đến gần 2 năm ở công trình xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng. Quyết định này là một sự đột phá chưa từng có, làm người dân nức lòng.
Đến đề nghị cấm xe máy, ô tô cá nhân, dù có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít người đặt sự nghi ngại về tính khả thi của nó trong điều kiện hạ tầng cơ sở, ý thức người dân… như ở Việt Nam. Cứ như vậy, mỗi đề nghị tiếp theo của Bộ trưởng thì sự nghi ngại đã dần trở thành một câu hỏi trong nhiều người về tính khả thi của đề xuất. 
Và đến quy định cấm lãnh đạo trong ngành tham gia chơi golf thì dường như những câu hỏi trên không còn để ngỏ được nữa, mà nhiều người cảm thấy thực sự lo ngại. Lo ngại bởi khi Bộ trưởng quy định như thế, ông có biết rằng mình đang can thiệp quá mức vào quyền tự do cá nhân, quyền công chức của mỗi người. Chính ông cũng thừa nhận rằng, chơi golf là “môn thể thao tốt, có điều kiện, có thời gian chơi thì tốt".

Vậy thì ngoài giờ làm việc, chẳng lẽ những quan chức trong ngành cũng không được chơi một môn thể thao tốt như thế.
Quyết định cấm cán bộ nghành GTVT của Bộ trưởng Đinh La Thăng gây những phản ứng trái chiều trong dư luận
Quyết định cấm cán bộ nghành GTVT của Bộ trưởng Đinh La Thăng gây những phản ứng trái chiều trong dư luận
"Nhiều công ty có chính sách đãi ngộ cho nhân sự cao cấp rất thiết thực. Họ cung cấp nhu cầu nhà ở, xe hơi, điều kiện sống cao cấp để tạo môi trường làm việc tích cực sau những ngày lao động vất vả. Chơi golf là môn thể thao thuần túy mà họ yêu thích, nay lại cấm! Vô lý". Độc giả này cũng cho rằng, nếu ai chơi golf trong giờ làm việc thì xử lý người đó, còn "ngoài giờ thì Bộ trưởng không có quyền can thiệp".
Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn và các trang báo, rất nhiều bạn đọc khẳng định hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi ông ký văn bản yêu cầu các lãnh đạo và cán bộ trong ngành không chơi golf. Ông không cấm tất cả CBNV mà chỉ cấm các vị lãnh đạo chủ chốt, đó là điều rất đúng.

Thực tế, với thu nhập chân chính thì chẳng cán bộ công chức (CBCC) nào, thậm chí cả bộ trưởng, đủ tiền chơi môn thể thao xa xỉ này. Trong khi nhiều công việc của ngành đang ách tắc, thậm chí bê bối, xảy ra tiêu cực... thì việc các quan chức hưởng thụ “quyền tự do quý tộc” đó là điều khó được người dân thông cảm.
Có ý kiến cho rằng văn bản của Bộ trưởng Thăng là trái luật. Tuy nhiên, tại sao một văn bản mà thoạt nghe qua có vẻ không ổn về tính pháp lý nhưng lại được nhiều người dân ủng hộ như vậy? Có thể hiểu, có nhiều việc đôi khi chưa phù hợp với pháp luật nhưng lại rất phù hợp với thực tế. 
Độc giả Minh chia sẻ trên Giáo dục Việt Nam: “Pháp luật lúc nào cũng đi sau thực tại xã hội nên có những cái không phải lúc nào cũng phù hợp với mớ lý thuyết suông và pháp luật lạc hậu ban hành trước đó. Anh Thăng ra văn bản điều chỉnh trong phạm vi ngành có thể chưa đúng thẩm quyền, nhưng hành động này mang lại lợi ích cho ngành, cho xã hội”.
Bạn Nguyễn Duy Chính đồng quan điểm: “Tôi thấy bộ trưởng làm là đúng. Mỗi nghành cần có quy định chung để hạn chế những tiêu cực trong nghành. Thủ tướng có thể ban hành lệnh cấm đốt pháo của người dân vì tai nạn lãng phí thì bộ trưởng Thăng cũng có thể cấm các ông cán bộ chơi golf vì lãng phí tiền của và thời gian. Tôi ủng hộ. Cố lên bộ trưởng. Người làm lãnh đạo phải như thế.

Bạn Phạm Thị Lan Hương cũng lên tiếng ủng hộ: “ Môn này nên cấm thì mới có nhiều thời gian đầu tư vào công việc chung được, nhất là Bộ GTVT hiện nay. Thiết nghĩ đây là một cơ quan đi đầu trong tình hình hiện nay”.
“Cấm chơi Golf là rất đúng.Tôi đã từng tìm hiểu về nó, Đó là môn thể thao quá tốn tiền và thời gian.

Ông Đinh La Thăng đang có những hướng đi rất tích cực. Ông ấy muốn áp dụng theo kiểu Tư lệnh quân. Nên thế! Bộ trưởng ơi, cố lên nhé, quyết tâm vào nhé”, một người khác khích lệ.
Quả thực, nếu hiệu quả công việc kém, trong khi kinh nghiệm chơi golf ngày một cao và thậm chí bỏ cả việc để đi chơi thì cấm là đúng. Sẽ rất phản cảm khi người dân phải lội bì bõm hay hít khói bụi mù mịt trên những con đường thi công kiểu rùa bò, còn chủ đầu tư thì đầu tóc bóng lộn, quần áo thơm nức nhẩn nha trên sân golf xanh mướt…
Hệ thống luật pháp suy cho cùng là do con người làm ra và thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vậy nên, khi quan điểm của Bộ trưởng Đinh La Thăng xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống và được đông đảo người dân đồng tình thì rất cần được trân trọng và xem xét thấu đáo.
“Không phải Bộ trưởng Thăng không biết văn bản mình ban hành có điều chưa ổn, thậm chí khó chấp nhận theo tôi, ông muốn đưa ra một lời tuyên bố công khai để dư luận thấy sự thống nhất giữa lời nói và hành động của mình. Hy vọng sự quyết liệt của các thành viên mới trong Chính phủ sẽ là lời tuyên chiến với những cái bảo thủ, trì trệ”, một bạn đọc chia sẻ trên Người lao động.
Tất nhiên, xung quanh vấn đề này, người phản đối hay ủng hộ đều có cái lý của riêng mình. Những người phản đối thì viện dẫn vào cái gọi là quyền tự do dân chủ, quyền được nghỉ ngơi, rồi các quyền được quy định trong Luật Lao động… và rồi họ cho rằng đó là cực đoan, là duy ý chí v.v… và v.v… 
Nhưng hình như họ không biết rằng, văn bản này chỉ có giá trị trong nội bộ lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải và một vị bộ trưởng (hoặc một vị đứng đầu một cơ quan nào đó) đều có quyền ra những yêu cầu, mệnh lệnh bắt cấp dưới phải thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể mà yêu cầu người cán bộ phải như vậy.
Xưa có câu về đạo lý của người làm quan đó là: “Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu. Hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc”. Có nghĩa là người làm quan phải biết lo trước nỗi lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Vậy trong lúc nạn ách tắc giao thông đang trầm trọng như thế, nhiều công trường, nhà máy, xí nghiệp đang sản xuất khó khăn như thế thì lẽ ra đây là lúc người lãnh đạo phải thể hiện nỗi lo của mình trước thiên hạ – đó là lăn vào cơ sở, xắn tay áo vào xử lý công việc. Đó mới là đạo lý của người cán bộ.
Cho nên, trong cái việc cấm các quan chức chủ chốt ở Bộ Giao thông Vận tải chơi golf thì đó cũng là một cách buộc những người cán bộ phải tự nhìn nhận lại mình. Nếu như các bộ khác, các ngành khác cũng đang trong tình trạng nước sôi lửa bỏng mà có những việc làm như của Bộ trưởng Đinh La Thăng thì thật là may mắn cho đất nước.
Hải Hà (tổng hợp)