Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng ruộng đất?

29/05/2018 05:54
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: “Chính sách đất đai của chúng ta đang áp dụng đang đi trái ngược lại về nguyên lý kinh tế đất trong cơ chế thị trường”.

Vấn đề quản lý đất đai một lần nữa trở thành vấn đề nóng được các đại biểu đề cập tại các buổi thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.

Nhiều bất cập trong vấn đề quản lý liên quan đến đất đai được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 (ngày 28/5).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, đó là 95% khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, những điểm nóng về tình hình chống người thi hành công vụ cũng là liên quan đến đất đai.

Những dự án đầu tư kéo dài, giải phóng mặt bằng khiếu kiện, chi phí cao khi chúng ta phải đầu tư những con đường đắt nhất hành tinh cũng chẳng qua liên quan đến đất đai.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đoàn Hà Nội (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đoàn Hà Nội (ảnh quochoi.vn).

“Vậy nguyên nhân ở đây là chính sách đất đai của chúng ta đang áp dụng đang đi trái ngược lại về nguyên lý kinh tế đất trong cơ chế thị trường.

Và có thể nói chúng ta đã không thành công hay chưa nói là thất bại trong quản lý kinh tế với đất đai cho nên đã xảy ra tình trạng rất buông lỏng như trên” – đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Thậm chí ông lo lắng rằng, quy định trong dự thảo Luật đơn vị hành chính đặc biệt đề xuất chính sách miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 15 đến 30 năm chính sách đang đi ngược lại quy luật cung cầu đất đai.

Chính sách này không những có thể không làm thu hút tốt những nhà đầu tư cạnh tranh mà có thể làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh giữa các đặc khu.

Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng ruộng đất? ảnh 2Đại biểu Quốc hội lo có “kền kền ăn xác chết” khi doanh nghiệp thua lỗ

Phân tích rõ hơn, ông Hoàng Văn Cường một lần nữa nhấn mạnh, ưu đãi bằng việc miễn tiền sử dụng đất 30 năm hoàn toàn khác so với ưu đãi thuế.

Đất đai là một nguồn tài nguyên rất quý, hiếm và thậm chí rất hữu hạn ở những đặc khu để chúng ta giao không cho những nhà đầu tư trong một thời gian dài.

Chúng ta kỳ vọng và mong muốn khi hình thành đặc khu là phải thu hút được nhiều nhà đầu tư đến và khi nhiều nhà đầu tư đến thì chúng ta thấy xảy ra một quy luật tất yếu là mất cân đối cung cầu về đất đai.

“Vấn đề là phải sử dụng công cụ đất đai để làm thế nào lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, những nhà đầu tư có hiệu quả nhất, chứ không phải những nhà đầu tư nào nhanh chân nhất”-  đại biểu này phân tích.

Ông Cường còn cho rằng: “Có thể ngày hôm nay nhà đầu tư này là chiến lược, nhưng 10 năm sau, 20 năm sau nhà đầu tư chiến lược khác sẽ thay thế nhà đầu tư này, nếu sử dụng đất đai, những cơ hội đó không hiệu quả.

Ví dụ một nhà đầu tư đầu tư xây dựng một khách sạn 5 sao và sẽ được miễn tiền thuê đất trong vòng 15 năm, không cần phải đầu tư khai thác về khách sạn, cứ để không khách sạn đấy, 10 năm sau chúng ta đều có kỳ vọng rằng nhà đầu tư đó sẽ được hưởng giá trị gấp 5  đến 10 lần”.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh đoàn Quảng Ninh (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh đoàn Quảng Ninh (ảnh quochoi.vn).

Cũng liên quan đến đất đai, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) có ý kiến: “Việc quản lý đất đai khi và sau khi cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa;

Xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với những vị trí đất đắc địa, có giá trị thường cao, còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi tham nhũng gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu nhiều doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Do đó, ta cũng không loại trừ động cơ họ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những mảnh đất vàng của các doanh nghiệp được cổ phần hóa”.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp là rất quan trọng.

Và quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất.

Quy hoạch xây dựng khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại, phù hợp với quy hoạch xây dựng thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho nhà nước với giá trị cao nhất, và chúng tôi cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh quochoi.vn).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh quochoi.vn).

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Việc chuyển đổi doanh nghiệp thì như có đồng chí đại biểu nói là tối đa hóa lợi nhuận, nhưng trong đó không loại trừ những động cơ không trong sáng.

Người quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh hoặc là trụ sở văn phòng sang đất nhà ở thì phải tính tiền sử dụng đất theo đất ở và đất ở đây cũng là yêu cầu theo thị trường.

Nhưng chúng ta không làm được điều đó, vì thế không rõ trách nhiệm, trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch và thất thoát.

Rất nhiều đại biểu nói, chúng tôi thấy rất đúng, nên kỳ này chúng tôi kiến nghị là xiết chặt hơn khâu này, đặc biệt là kiểm định đổi mục đích.

Đây là yếu kém trong khâu quản lý sử dụng đất đai.” 

Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng ruộng đất? ảnh 5Có tình trạng hạ thấp giá trị doanh nghiệp để... "đục khoét"

Cũng liên quan đến đất đai, tại phiên thảo luận buổi sáng ngày 25/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 đại biểu Trần Văn Lâm, Bắc Giang cho rằng, đất đai đã là công sản quốc gia nhưng khi nhà nước cần sử dụng, lấy lại thì rất khó.

Nhiều đại gia giàu lên nhờ đất đai nhưng lợi ích mà đất đai mang lại nhất là sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng lại chỉ tập trung ở một bộ phận nhỏ mà không được phân phối công bằng.

“Có phải chính sách pháp luật đất đai của chúng ta đến nay đã lạc hậu?” – vị đại biểu này nhấn mạnh và ông cho rằng: “Đất nước đã trải qua mấy chục năm đổi mới, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển vượt bậc, những quan hệ sản xuất dựa trên nền tảng sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai và phân phối lợi ích từ đó mang lại dường như chưa thay đổi kịp, nhiều mâu thuẫn tích tụ.

Phải chăng đã đến lúc cần một cuộc cách mạng ruộng đất, cởi trói cho thời kỳ phát triển mới của đất nước”.

Trinh Phúc