Không nhất trí thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

30/05/2018 11:29
Đỗ Thơm
(GDVN) - Luật cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo.

Theo dự thảo luật được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ tài chính, tài sản.

Điều này thể hiện ở quy định về cơ sở giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Các trường được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Báo cáo thẩm tra nêu, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến cơ chế tài chính giáo dục đại học như thể hiện trong dự thảo luật .

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến về một số nội dung.

Về giá dịch vụ đào tạo, đa số đại biểu tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

“Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự thảo luật.

Do đó, đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục”, ông Bình nói.

Không nhất trí thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” ảnh 2Trường đại học sẽ tự chủ mở ngành, tự in phôi, cấp phát văn bằng

Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, luật cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

Về quy định cơ sở giáo dục đại học công lập đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định: “Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động” tại khoản 2 Điều 66 vì tài chính chỉ là một nội dung trong tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Theo Ủy ban, cần thiết phải tổng kết một cách toàn diện trước khi luật hóa cơ chế “công lập tự chủ tài chính”; làm rõ sự khác biệt giữa trường đại học công lập tự chủ tài chính hoàn toàn và trường đại học tư thục.

Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học gồm cả loại hình công lập và ngoài công lập.

Về quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học, có ý kiến đề nghị rà soát quy định giao Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản công của cơ sở giáo dục đại học công lập được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo đảm tương thích với các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Đỗ Thơm