Khi nào tài chính tiêu dùng đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam?

30/05/2018 14:14
Minh Phong
(GDVN) - Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng rất lớn và sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần, từ tổng dư nợ khoảng 230.000 tỷ đồng cuối năm 2012 (chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế) thì đến cuối năm 2017 dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Những con số đáng mừng ấy cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như:

Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%;

Nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng rất lớn. Ảnh: vpbank.
Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng rất lớn. Ảnh: vpbank.

Hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường;

Giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”;

Giúp người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản… nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội.

Đặc biệt, các công ty tài chính ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn.

Chỉ tính riêng các công ty tài chính đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng.

Bên cạnh đó các công ty tài chính đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tính đến tháng 4 năm 2017, các công ty tài chính đã có số lượng nhân sự lên đến 40.000 người.

Sự phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dù mới nhưng phát triển bùng nổ như vậy sẽ đặt ra yêu cầu về nguồn vốn đầu vào là rất lớn cho các công ty tài chính. 

Khác với ngân hàng, theo quy định pháp luật hiện hành các công ty tài chính không được phép huy động tiền gửi từ người dân nên nguồn cung vốn chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế cho nên việc giải quyết vấn đề nguồn vốn của các công ty tài chính là một thách thức rất lớn.

Khi nào tài chính tiêu dùng đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam? ảnh 2Vay tiêu dùng đóng góp lớn vào GDP ở Anh, Mỹ, vì sao Việt Nam vẫn là tiềm năng?

Nhưng vì sao cho đến nay tài chính tiêu dùng vẫn chưa thực sự trở thành trụ cột góp phần tăng trưởng GDP, mà vẫn ở mức độ tiềm năng, liệu có phải do văn hóa tiêu dùng hay do lãi suất cho vay cao?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Mặt tích cực của các khoản vay tín chấp là giúp khách hàng có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, gia đình khi chưa đủ vốn, giúp người dân không phải dựa vào tín dụng đen để vay nóng, trả lãi cắt cổ.

Còn đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng cũng thúc đẩy tăng cầu trên thị trường, khuyến khích tăng cung cả về số lượng lẫn chất lượng từ phía sản xuất và cung ứng dịch vụ, làm cho nền kinh tế năng động hơn và tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Đương nhiên, lãi suất cho vay tín chấp tín dụng tiêu dùng sẽ cao hơn lãi suất cho vay các khoản vay có tài sản bảo đảm, do các khoản vay rất nhỏ, chi phí đầu vào và chi phí cho vay cũng ở mức cao.

Mặc dù vậy, lãi suất của các khoản vay tín chấp do các ngân hàng và công ty tài chính cung cấp vẫn thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tín dụng đen và là một tổ chức tín dụng được nhà nước quản lý.

Có một thực tế là hiện nay, rất nhiều khách hàng vay tiêu dùng không ý thức được đầy đủ rủi ro nên không trả nợ và lãi đúng kỳ hạn, dẫn tới nợ xấu trong phân khúc này cao.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải phải nâng lãi suất để bù đắp rủi ro”. 

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra nhận định có rất nhiều điểm kỳ vọng vào thị trường tài chính tiêu dùng sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần, có thêm nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế và đồng thời chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục:

“Thứ nhất, tiếp tục phải quan tâm là phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn các các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, qua đó mới thu hút được khách hàng tốt hơn.

Thứ hai, lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với các hình thức vay thông dụng khác, như vay sản xuất kinh doanh…

Mức lãi suất này nếu kéo xuống thấp hơn thì chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng lớn hơn, tuy nhiên do rủi ro trong vay tín chấp lớn nên thường thì các tổ chức tài chính phải giữ mức lãi cao để bù vào phần rủi ro.

Hơn nữa, các khoản vay thường là nhỏ và kỳ hạn ngắn, trong khi các tổ chức tài chính lại phải chi phí lớn để quản trị hệ thống.

Đó là một cái vòng luẩn quẩn, và nó chỉ có thể giải quyết được khi khâu pháp lý và thị trường kinh tế thực sự tốt hơn.

Thứ ba là phải tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng, đây là vấn đề không chỉ khó khăn ở Việt Nam mà các nền kinh tế khác cũng vậy.

Để nâng cao nhận thức thì phải có tư vấn tốt cả trước và trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi vì nhiều khách hàng có thói quen không tìm hiểu hết các quy định, nghĩa vụ, ý thức trả nợ kém, nên có thể dẫn tới những mâu thuẫn.

Rất nhiều người sử dụng dịch vụ thường chỉ có cái nhìn một chiều, chỉ muốn được hưởng lợi và né tránh trách nhiệm”.

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ở nhiều nước trên thế giới, Chính phủ đã những chính sách hỗ trợ khiến thị trường này phát triển rất mạnh mẽ.

Ví dụ, ở Singapore, nhà nước có chính sách cấp tín dụng cho các cặp vợ chồng mới cưới mua căn hộ do nhà nước xây, có giá phải chăng để tạo điều kiện sinh hoạt của vợ chồng trẻ, đồng thời cũng gây áp lực lên tinh thần, thái độ lao động của cặp vợ chồng đã vay mua nhà.

Nếu không trả nợ đúng hạn 3 tháng liên tục, nhà nước sẽ thu hồi cặp vợ chồng trẻ mất nhà.

Vì vậy, áp lực đó làm cho các cặp vợ chồng trẻ ở Singapore làm việc với trách nhiệm và nỗ lực rất cao để tránh bị mất việc làm, mất thu nhập dẫn đến không trả được tín dụng mua nhà.

Đòn bẩy hay sức ép này có mặt tích cực đối với người trẻ mới vào đời.

Trong khi đó, ở Mỹ, tín dụng tiêu dùng rất phổ biến và dễ dàng, do đó đa số người Mỹ vay tín dụng để mua nhà với thời hạn phải trả từ 10 năm đến 30 năm, mua ô tô với thời hạn phải trả từ 3 đến 5 năm.

Việt Nam cần có những chiến dịch truyền thông tốt đến với người dân để tạo được một thị trường tài chính tiêu dùng an toàn, có cung có cầu và minh bạch.

Người tiêu dùng hiểu được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia tài chính tiêu dùng, sẽ tạo điều kiện cho các kênh tài chính tiêu dùng vốn đã hoạt động trong khuôn khổ pháp luật bảo vệ được phát triển an toàn, bền vững và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Minh Phong