Bà Đào Thị Liên Hương chia sẻ về học phí và dịch vụ giáo dục ở các nước

31/05/2018 09:01
Sông Hồng
(GDVN) - Ở nhiều nước nơi giáo dục được bao cấp, trong khi ở các nước khác giáo dục được coi như một ngành kinh doanh và dịch vụ giáo dục được bán cho người mua...

Dư luận cả nước đang có một cuộc tranh luận về học phí và giá dịch vụ giáo dục.

Có vẻ đang có một sự nhầm lẫn rằng học phí sẽ bị bỏ đi và thay hoàn toàn bằng giá dịch vụ giáo dục.

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề "học phí" ở các nước, bà Đào Thị Liên Hương - Trưởng ban Đối ngoại của Hiệp hội các trưởng Đại học và Cao đẳng Việt Nam, kiêm Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và ngôn ngữ Thế giới có chia sẻ một số thông tin rất hữu ích.

Theo đó, ở nước ngoài "học phí" (Tuition fee) thường bao gồm các khoản sau đây: 

1. Tiền học phí (Tuition Fee)

2. Phí nhập học (Admistion fee)

3. Tiền sử dụng các phương tiện của nhà trường (Facilities service fee) như phòng thí nghiệm, thư viện và các dịch vụ trong trường (phí vệ sinh, hỗ trợ học sinh).

Khi thu phí, tiền dịch vụ của học sinh, các trường đều ghi rất rõ từng khoản.

Ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ ghi chung chung là học phí.

Nay có thể cũng nên ghi rõ từng khoản.

Vấn đề "học phí" ở các nước trên thế giới được thực hiện như thế nào? Ảnh minh hoạ: http://mgsu.ru
Vấn đề "học phí" ở các nước trên thế giới được thực hiện như thế nào? Ảnh minh hoạ: http://mgsu.ru

Ở nhiều nước nơi giáo dục được bao cấp như các nước xã hội chủ nghĩa cũ hoặc Châu Âu - nơi giáo dục được coi như một dịch vụ xã hội miễn phí cho công dân của mình, hoặc coi như một quyền mà mọi công dân được hưởng (thường là quyền học hành và chăm sóc y tế) thì học sinh không phải đóng học phí.

Trong khi ở các nước khác giáo dục được coi như một ngành kinh doanh và dịch vụ giáo dục được bán cho người mua là các học sinh (rõ nhất là ở Úc, Anh, Mỹ...) nên họ tìm cách để thu hút học sinh, sinh viên Quốc tế tới học để mang lại ngoại tệ cho đất nước.

Rất nhiều trường tư Việt Nam đã đi theo con đường này (hiện có khoảng 20 khoá học tại các trường Việt Nam thu hút sinh viên quốc tế tới học cấp Đại học) và nhiều trường đang thu hút và có sinh viên quốc tế tới thực tập và giao lưu 1 học kỳ.

Tại sao lại đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”?

Các nơi cung cấp dịch vụ giáo dục gọi chung là "education providers" (các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục - pv).

Bởi có thể trường, thầy cô dạy học qua mạng, online, qua đài, tivi, đĩa...

Các dịch vụ liên quan đến giáo dục có thể xuyên biên giới, các khoá học có thể là các khoá học chính quy, ngắn hạn, online, giảng dạy ngoại ngữ, các kỹ năng, thi cử... 

Nếu có lãi thì cũng chịu thuế thu nhập kinh doanh như các cơ sở kinh doanh khác.

Cho nên giáo dục vẫn có thể nằm trong bộ thương mại, quản lý.

Như ở Úc các dịch vụ giáo dục coi như một ngành kinh doanh mũi nhọn, mang về ngoại tệ lớn thứ 3, ở Anh lớn thứ 5 và ở Mỹ cũng ở trong Top 10 các ngành dịch vụ quan trọng lớn nhất.

Sông Hồng