Ninh Bình: Dùng ngân sách Trung ương rót cho doanh nghiệp Xuân Trường làm vốn!

01/06/2018 19:37
Theo Nông nghiệp việt nam
(GDVN) - Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sẽ không thể đưa bất kì lý do nào để biện minh cho việc cấp tạm ứng gần 700 tỉ đồng tiền ngân sách cho một doanh nghiệp làm vốn...

Chắc chắn lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sẽ không thể đưa bất kì lý do nào để biện minh cho việc cấp tạm ứng gần 700 tỉ đồng tiền ngân sách cho một doanh nghiệp làm vốn...

Ứng gần 700 tỉ từ ngân sách để doanh nghiệp làm vốn

Ngày 18/8/2004, Ban Quản lý Thủy lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình kí hợp đồng xây lắp với Công ty xây dựng Xuân Trường để thực hiện Dự án Nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê  với giá trị hợp đồng là 126 tỉ đồng.

Giá trị dự án  này ban đầu ở mức 72 tỉ đồng và đã qua 4 lần điều chỉnh vào các năm 2004; 2008; 2009.

Đến năm 2010 tổng mức đầu tư của Dự án đã bị điều chỉnh tăng lên 2595 tỉ đồng. 

Sau khi kí hợp đồng, từ năm 2004 đến T6/2010, Chủ đầu tư đã cho Công ty tạm ứng 6 lần với tổng giá trị tạm ứng là 683,7 tỉ đồng.

Ảnh: K.C/ nongnghiep.vn
Ảnh: K.C/ nongnghiep.vn

Trong đó, giai đoạn 2004-2009 đã cấp tạm ứng 175,7 tỉ đồng, tuy nhiên giá trị nghiệm thu, thanh toán thực tế của Công ty Xuân Trường chỉ đạt 3 tỉ đồng.

Điều đáng nói là trong suốt thời gian 5 năm lĩnh gần 200 tỉ tạm ứng, doanh nghiệp không đầu tư thực hiện dự án nhưng vẫn tiếp tục được Chủ đầu tư ưu ái tạm ứng thêm 508 tỉ đồng vào T6/2010. 

Đến lúc này, doanh nghiệp Xuân Trường mới “đủng đỉnh” dành một phần vốn của Nhà nước để thực hiện dự án nhưng kết quả nghiệm thu thanh toán cũng chỉ được khoảng 382 tỉ đồng.

Theo hợp đồng thì với khối lượng công việc thực hiện như trên Doanh nghiệp Xuân Trường sẽ hoàn ứng được 282 tỉ đồng.

Nghĩa là doanh nghiệp còn cầm khoảng 400 tỉ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, vậy số tiền đó doanh nghiệp đã dùng vào việc gì trong suốt những năm qua?  

Coi ngân sách như ví tiền cá nhân

Về nguyên tắc, khi thực hiện dự án Nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, doanh nghiệp cần phải bỏ vốn đối ứng và chỉ được lĩnh tạm ứng từng đợt theo khối lượng công việc được nghiệm thu.

Vậy nhưng, trong trường hợp này tỉnh Ninh Bình đã sử dụng ngân sách Nhà nước tùy tiện theo kiểu “rút ví cá nhân”.

Kết luận Thanh tra Chính Phủ chỉ rõ rằng số tiền 175,7 tỉ đồng giai đoạn 2004-2009 công ty này lĩnh tạm ứng thành 05 đợt nhưng nghiệm thu, thanh toán thực tế chỉ đạt 03 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, Ban quản lý Thủy lợi cũng như Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Bình dựa vào cơ sở nào để quyết định chi tạm ứng khi doanh nghiệp không hề thi công dự án?

Tương tự, vào T6/ 2010, tới thời điểm này doanh nghiệp Xuân Trường vẫn chưa dùng đến 175 tỉ đồng đã lĩnh tạm ứng trước đây tại sao tỉnh Ninh Bình vẫn tiếp tục cho doanh nghiệp này tạm ứng thêm 508 tỉ đồng.

Phải chăng ở đây có sự thỏa thuận, đồng lõa với doanh nghiệp chiếm dụng vốn?

Trong khi nếu để vay vốn các ngân hàng thương mại doanh nghiệp sẽ phải có tài sản thế chấp, rồi bị thẩm định dự án, phương án, kế hoạch và cũng giải ngân theo phương án, kế hoạch thi công. 

Ninh Bình: Dùng ngân sách Trung ương rót cho doanh nghiệp Xuân Trường làm vốn! ảnh 2Tổng Kiểm toán “điểm mặt” hạn chế khiến ngân sách nhà nước “teo tóp”

Cán bộ tín dụng cho vay vài trăm triệu, vài tỉ đồng nếu không làm đúng quy định của nhà nước, gây thất thoát tài sản còn có thể bị khởi tố hình sự.

Nhưng trường hợp này, sự thật là chỉ cần kí với nhau một bản hợp đồng, Ban quản lý Thủy lợi với doanh nghiệp Xuân Trường đã trao nhau gần 700 tỉ tiền ngân sách. Dễ như cho bạn bè vay tiền trong ví. 

Đến đây để bạn đọc có thêm thông tin và đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của hành vi này, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin khẳng định số tiền gần 700 tỉ mà tỉnh Ninh Bình tạm ứng cho doanh nghiệp không phải là tiền từ ngân sách của tỉnh mà đây là tiền từ Ngân sách Trung Ương.

Tức là, trong bối cảnh Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư… đang đau đầu với bài toán phân bổ ngân sách, đang hô hào rà soát cắt giảm dự án chưa cần thiết, ưu tiên lựa chọn những dự án cấp bách, ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình Nông thôn mới thì tỉnh Ninh Bình vẫn ung dung “vẽ” dự án, rút tiền Ngân sách Trung ương về để cấp cho doanh nghiệp làm vốn kinh doanh. 

Đặc biệt, những năm 2009 - 2012 đất nước vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Lãi suất vay vốn ngân hàng lên tới 21%.

Một doanh nghiệp tư nhân như Xuân Trường, nắm trong tay vài trăm tỉ nguồn vốn ngân sách thì chẳng cần kinh doanh, chỉ cần ném tiền vào ngân hàng thương mại là đã có được lợi nhuận khổng lồ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Doanh nghiệp Xuân Trường đã phân phối lợi ích thu được từ việc chiếm dụng vốn ngân sách như thế nào?

Tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ thái độ bất bình khi một dự án của tỉnh Ninh Bình “nở” từ 72 tỉ lên 2600 tỉ.

Giải thích vấn đề này, địa phương đã nêu ra những biện hộ vòng vo.

Tuy nhiên chắc chắn lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sẽ không thể đưa bất kì lý do nào để biện minh cho việc cấp tạm ứng gần 700 tỉ đồng tiền ngân sách cho một doanh nghiệp làm vốn….

Theo Nông nghiệp việt nam